Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Nông dân chủ động phòng bệnh cho gia súc

06:25, 07/07/2021

Mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc, nhưng với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nhiều nông dân tại huyện Lắk đã chủ động tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi của gia đình, hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra.

Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Lắk, tổng đàn gia súc của huyện là trên 46.300 con, trong đó có hơn 1.800 con trâu, trên 20.000 con bò, 22.000 con heo và 2.500 con dê. Từ đầu năm đến nay, nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc.

Cùng với công tác tiêu độc, khử trùng được duy trì thường xuyên tại các cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi có số lượng tổng đàn lớn, biện pháp tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc được nhiều hộ dân trên địa bàn thực hiện.

Anh Phạm Xuân Tiến (tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) chia sẻ, qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông anh biết được bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra nhiều ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Bệnh xảy ra ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của vật nuôi, thậm chí con vật bệnh nặng sẽ bị chết.

Hiện nay, tại huyện Lắk chưa ghi nhận bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc, nhưng địa phương lân cận là huyện Cư Kuin đã có dịch này. Do đó, khi biết được có vắc xin phòng ngừa, anh đã chủ động liên hệ với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện mua về tiêm cho đàn bò của gia đình.

Gia đình anh hiện nuôi 4 con bò giống 3B (Bỉ), giá trị kinh tế đàn bò mang lại hằng năm khá cao. Hiện đàn bò của gia đình anh đã được tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục gần một tháng nay. Với việc phòng bệnh cho đàn bò bằng vắc xin, anh cảm thấy yên tâm hơn nhiều khi tình hình dịch trên đàn gia súc vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước.

Nhân viên thú y tiêm phòng vắc xin bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò của một hộ dân tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk).
Nhân viên thú y tiêm phòng vắc xin bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò của một hộ dân tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk).

Anh Trần Đình Văn (tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn) cho hay, mỗi lọ vắc xin có giá 1 triệu đồng, tiêm được cho từ 23 - 25 con, chi phí cho mỗi con khoảng 50 - 60 nghìn đồng/liều cũng không đắt nên anh đã chủ động tiêm trước để an tâm hơn. Với 6 con bò – đó là tài sản của gia đình nên anh không hề do dự khi quyết định tiêm phòng cho đàn bò từ giữa tháng 6 năm nay.

Hiện nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra ở một vài địa phương trên địa bàn tỉnh. Gia súc khi bị mắc bệnh thì các vết da sẽ bị bong ra, hoại tử dẫn đến chết. Triệu chứng mà trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục thường gặp là sốt cao, bỏ ăn, suy nhược cơ thể cộng thêm việc chăm sóc không hợp lý sẽ dẫn đến nguy cơ chết nhanh. Chi phí điều trị cho bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò là khoảng 500 nghìn đồng/con. Tuy nhiên, tỷ lệ chữa khỏi hẳn không cao, dẫu vật nuôi có được chữa khỏi bệnh vẫn có thể để lại các di chứng trên da khiến việc buôn bán, làm thịt hay chăm sóc gặp nhiều khó khăn, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Anh Trần Đình Văn (tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) kiểm tra sức khỏe đàn bò của gia đình.
Anh Trần Đình Văn (tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) kiểm tra sức khỏe đàn bò của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Trưởng phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Lắk cho biết, việc chủ động phòng, ngừa dịch bệnh là điều cấp bách và cần thiết. Do đó, người dân chủ động phòng bệnh cho vật nuôi bằng cách tiêm phòng vắc xin và tuân thủ các biện pháp xử lý của cán bộ thú y sẽ tránh được nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh, hạn chế thấp nhất rủi ro.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Lắk cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 đã triển khai tiêm phòng 21.700 liều vắc xin cho đàn gia súc phòng các bệnh như lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn... Cùng với đó, các hộ chăn nuôi chủ động mua vắc xin bệnh viêm da nổi cục và đã tiêm hơn 500 liều cho đàn gia súc.

Khánh Huyền


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.