Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực lấy đà tăng trưởng cho xuất khẩu

06:48, 26/07/2021

Xuất khẩu của tỉnh đang trong giai đoạn nỗ lực vượt qua khó khăn nhằm lấy lại đà tăng trưởng. Để đạt mục tiêu 650 triệu USD cả năm 2021, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và ngành chức năng tiếp tục chủ động thực hiện nhiều giải pháp trong sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ.

Xuất khẩu gặp nhiều khó khăn

6 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện được 235 triệu USD, chỉ đạt 36,2% kế hoạch năm và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020. So với kế hoạch năm 2021, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê nhân xuất khẩu được 91.000 tấn (bằng 39,6% kế hoạch năm); cà phê hòa tan 3.500 tấn (46,7%); hạt tiêu 1.900 tấn (28,4%); hạt điều 100 tấn (17,2%); sản phẩm ong 4.300 tấn (bằng 37,4% kế hoạch)…

Theo Sở Công thương, các DN có hoạt động xuất khẩu thường xuyên của tỉnh vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu sang những thị trường truyền thống và tìm kiếm mở rộng thị trường mới, tiềm năng. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 nhu cầu tiêu thụ giảm và hoạt động thông quan không thuận lợi khiến việc giao hàng hóa bị chậm lại. Hiện DN vẫn chưa hết khó khăn ở khâu vận chuyển, tình trạng thiếu container và tàu vận chuyển đã đỡ căng thẳng hơn nhưng giá cước tàu biển tăng cao. Từ đó dẫn đến sản lượng xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh chưa đạt kế hoạch đề ra.

Đóng hàng phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.
Đóng hàng phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay, với mặt hàng cà phê, cước phí vận chuyển tăng cả chục lần so với cùng kỳ những năm trước đây. Giá cước vận chuyển và giá container tăng cao đẩy giá thành lên cao, làm ảnh hưởng lớn trong vấn đề tiêu thụ nông sản của tỉnh. Riêng đối với mặt hàng ong mật hiện đang phải đối mặt với cuộc điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ nên thời gian đến khả năng sẽ còn khó khăn hơn khi xuất vào thị trường này. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường nhất định như tinh bột sắn. Từ năm 2020 đến nay, nhà máy sản xuất tinh bột sắn gần như đóng cửa, ngừng sản xuất. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường Trung Quốc không tiêu dùng hoặc tiêu dùng rất hạn chế, năm 2020 tinh bột sắn xuất khẩu chỉ đạt 1 - 2% kế hoạch năm và kéo dài đến 6 tháng đầu năm 2021 cũng chưa hết khó khăn. Chính những điều này dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt thấp và chưa như kỳ vọng.

Theo một số DN xuất khẩu, dịch bệnh khiến sức mua ở thị trường quốc tế suy giảm. Đơn cử như tại Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) từ đầu năm đến nay, lượng hàng xuất khẩu của đơn vị đã giảm đến 60% so với cùng kỳ năm trước. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc công ty chia sẻ, dịch bệnh ngày càng lây lan trên diện rộng, một số nước đã bước vào giai đoạn phong tỏa nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan nên đơn hàng xuất khẩu không còn dồi dào. Ở trong nước, DN cũng gặp khó ở vấn đề nguồn nguyên liệu, nhân công, chi phí vận chuyển tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa đối với mặt hàng ca cao lại không nhiều… Bối cảnh đó buộc DN phải tìm cách thích nghi để có thể duy trì sản xuất. Song có một số thời điểm DN phải tạm ngừng hoạt động dù đã rất nỗ lực.

Kỳ vọng hoàn thành kế hoạch năm 2021

Xuất khẩu từ đầu năm đến nay đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên bức tranh toàn cảnh hoạt động xuất khẩu cũng có những gam màu sáng nhất định. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái cho hay, từ cuối tháng 3 trở đi, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng cà phê ở thị trường quốc tế đang có xu hướng tăng trở lại. Một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản… bắt đầu hồi phục, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng nhanh, đơn hàng và thị trường có nhiều tín hiệu lạc quan hơn. Đây là cơ hội để DN gia tăng xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, dù gặp khó trong việc đi lại nhưng DN vẫn tăng thêm 10% đơn hàng nhờ thực hiện hình thức giao thương trực tuyến.

Một trong những tín hiệu vui nữa là giá nông sản xuất khẩu mặc dù giảm sâu và giảm liên tục trong vòng 5 - 7 năm qua, nhưng 6 tháng gần đây có sự phục hồi tốt và tăng nhẹ. Tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, giá cà phê nhân xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 1.601 USD/tấn, tăng 5,37% so với 6 tháng đầu năm 2020, mở ra kỳ vọng tăng trưởng cho kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

Xưởng chế biến cà phê của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái.
Xưởng chế biến cà phê của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái.

Ông Huỳnh Ngọc Dương cho hay, khó khăn từ thực tiễn trên đòi hỏi ngành công thương và DN xuất khẩu phải có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, bứt phá trong những tháng còn lại nhằm hoàn thành kế hoạch năm. Để đón cơ hội khi các thị trường phục hồi, DN của Đắk Lắk đang tích cực tìm kiếm đơn hàng mới. Vấn đề quan trọng còn lại là sự sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn do dịch bệnh của DN để duy trì hoạt động xuất khẩu.

Theo đó, DN cần thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị xuất khẩu để bù đắp cho sản lượng bị sụt giảm trước đó, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, tích cực tìm kiếm thị trường thông qua thương mại trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo đà tăng trưởng. Sở Công thương sẽ tiếp tục làm việc với DN xây dựng các phương án mở rộng thị trường; tăng cường tháo gỡ khó khăn cho DN, xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến nhằm tạo cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó, liên tục cập nhập thông tin về nhu cầu thị trường, những thay đổi chính sách của các nước trong thời kỳ dịch bệnh để DN nắm bắt, có kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp... phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 650 triệu USD trong năm nay.

Đỗ Lan


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.