Multimedia Đọc Báo in

Cái giá của kiểu làm ăn "chụp giật"

17:32, 25/07/2021

Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường Đắk Lắk đã phát hiện một cơ sở kinh doanh của chuỗi siêu thị hàng tiêu dùng lớn đã có hành vi tự ý nâng giá, bán giá cao hơn giá niêm yết. Hành vi đó không chỉ khiến dư luận phẫn nộ mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp này.

Từ khi chuỗi siêu thị hàng tiêu dùng này có mặt tại thị trường Đắk Lắk đã tạo được ấn tượng đáng kể đối với người tiêu dùng. Thế nên những thông tin về việc một cơ sở của doanh nghiệp này lợi dụng sức mua tăng đột biến để tự ý nâng giá, bán giá cao hơn giá niêm yết khiến nhiều người không chỉ phẫn nộ mà cũng khá bất ngờ. Không ai nghĩ, một cơ sở thuộc chuỗi kinh doanh lớn như thế lại có kiểu làm ăn “chụp giật” như vậy. Bởi khi sự việc vỡ lở, thiệt hại không chỉ đến từ những xử phạt của cơ quan chức năng mà lớn nhất chính là thiệt hại từ ảnh hưởng xấu về mặt thương hiệu, yếu tố họ đã phải dày công xây dựng.

Lực lượng Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra một cơ sở kinh doanh vi phạm về giá bán trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Lực lượng Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra một cơ sở kinh doanh vi phạm về giá bán trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thực tế là sau những thông tin về việc vi phạm quy định về giá bán của chuỗi siêu thị này, thị trường đã lập tức có phản ứng. Chỉ một ngày sau khi cơ quan Quản lý thị trường phát hiện những sai phạm ở một số cơ sở kinh doanh, mã cổ phiếu công ty “mẹ” của chuỗi siêu thị này đã lao dốc mạnh, hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa thị trường bị cuốn trôi. Đó mới chỉ là phản ứng tức thời của thị trường, về lâu dài chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trước diễn biến xấu như vậy, doanh nghiệp này cũng đã có những thông cáo để “chữa cháy”. Tuy nhiên, động thái này dường như đã quá trễ, khó nhận được sự cảm thông của người tiêu dùng và rất khó để lấy lại hình ảnh của doanh nghiệp trong ngày một ngày hai.

Bài học về kiểu làm ăn “chụp giật” như vậy rất nhiều. Không ít doanh nghiệp thậm chí không thể “gượng dậy” được sau những sự cố do chính mình gây ra. Bởi khi xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của người tiêu dùng cũng đã thay đổi nhiều. Thay vì chỉ đơn giản là tiêu dùng sản phẩm, giờ đây người ta "tiêu dùng" một hình ảnh doanh nghiệp, "tiêu dùng" một văn hóa kinh doanh. Doanh nghiệp có đứng vững được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự tín nhiệm của khách hàng, sự tin tưởng lẫn nhau được tạo ra từ cả hai phía khách hàng lẫn doanh nghiệp.

Riêng về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, sự tin tưởng của khách hàng được hun đúc một phần đến từ cách hành xử và trách nhiệm đối với xã hội của chính doanh nghiệp. Bởi nếu cứ đặt lợi nhuận lên trên hết bằng mọi giá, lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để thu lời bất chính, đó sẽ không phải là kinh doanh mà là hành vi “trục lợi”. Và một khi doanh nghiệp bị người dân ghét bỏ, khi hình ảnh của doanh nghiệp bị gắn với từ "trục lợi", "vô nhân tính", "không có đạo đức" thì không dễ gì có thể gột rửa được. Và khi ấy những khoản lợi nhuận ngắn hạn có được nhờ làm ăn “chụp giật” sẽ không thể bù đắp được uy tín, niềm tin đã mất đi trong lòng khách hàng.

Doanh nghiệp thường đặt lợi ích lên hàng đầu, nhưng nếu có tầm nhìn xa họ sẽ không trục lợi từ người dân những lúc khó khăn, nhất là trong những lúc thiên tai, địch họa. Những lúc như thế này, doanh nghiệp cần sẵn sàng hy sinh lợi ích ngắn hạn để đầu tư cho cộng đồng và đạt được mục tiêu dài hơi. Doanh nghiệp cần nghĩ đến tăng trưởng ổn định dài hạn, tạo nên những thay đổi tốt cho xã hội và người dân để rồi quay lại thúc đẩy lợi nhuận cho chính doanh nghiệp. Vậy nên, những hành xử như chuỗi siêu thị nọ trong thời gian vừa qua chẳng khác nào “tham dĩa, bỏ mâm”.

Giang Nam


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.