Multimedia Đọc Báo in

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin: Nhức nhối nạn săn bắn thú rừng

08:12, 15/07/2021

Trong những năm qua, tình trạng săn bắn thú rừng trái phép diễn ra phức tạp tại Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin. Lực lượng kiểm lâm nơi đây gặp rất nhiều khó khăn để bảo vệ các loài thú trước những nguy cơ đến từ họng súng, cạm bẫy của bọn săn trộm.

Những cuộc "truy sát" giữa rừng già

Một ngày cuối tháng 6-2021, hai đối tượng Sùng Mí Vư và Sùng Mí Phứ trú thôn Ea Uôl (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) rủ nhau đi vào rừng thuộc VQG Chư Yang Sin để săn bắn. Dụng cụ mà họ mang theo là 1 cây súng kíp, 2 con chó săn và 2 con dao.

Sau một ngày quần thảo tìm dấu vết thú trong rừng, bước sang ngày thứ hai, các đối tượng phát hiện được một con sơn dương. Thấy con mồi, Sùng Mí Vư dương súng lên nhắm thẳng về hướng con thú kéo cò. Một tiếng nổ lớn xé toang sự bình yên của núi rừng, con sơn dương đổ gục. Để bảo quản thịt khỏi hư hỏng, hai đối tượng xẻ thịt sơn dương, rồi đốt lửa hong khô.

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng cho người dân vùng đệm.
Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng cho người dân vùng đệm.

Hôm sau, hai đối tượng lại tiếp tục truy tìm thú rừng. Sau khi nhìn thấy một con sơn dương, cả Sùng Mí Vư và Sùng Mí Phứ xua chó đuổi theo con mồi. Sau một thời gian truy đuổi, đàn chó khiến con sơn dương kiệt sức, đứng run rẩy trong bụi cây không còn sức để phản kháng. Cả hai tên săn trộm dùng đá đánh sơn dương chết rồi xẻ thịt.

Sau 3 ngày "truy sát" thú rừng, hai đối tượng hài lòng với “chiến lợi phẩm” là 2 con sơn dương nên nhanh chóng gói ghém đưa ra khỏi rừng. Ra đến cửa rừng, ngay lập tức bọn chúng gọi cho Thào Chuẩn Thàng trú thôn Cư Tê (xã Cư Pui) và Sùng Mí Thắng, ở thôn Ea Uôl (xã Cư Pui) đưa xe mô tô đến chở thịt đi tiêu thụ. Đến rạng sáng 2-7, trong khi vận chuyển thịt sơn dương đi tiêu thụ, các đối tượng đã bị tổ tuần tra gồm: lực lượng của Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông và Hạt Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin phát hiện và bắt giữ.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ săn bắn động vật rừng diễn ra ở VQG Chư Yang Sin bị phát hiện, xử lý. Bởi nơi đây vấn nạn săn bắt thú rừng luôn nhức nhối, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Thậm chí có những trường hợp các đối tượng săn trộm khi bị phát hiện sẵn sàng nổ súng tấn công lực lượng kiểm lâm của Vườn.

Đơn cử vào giữa tháng 9-2018, nhận được tin báo của người dân về một nhóm đối tượng mang theo súng và chó săn vào lâm phần thuộc Trạm Kiểm lâm số 10 quản lý giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Lâm Đồng. Ngay lập tức đoàn truy quét của Vườn khoảng 20 người từ Trạm 10 di chuyển sâu vào khu vực nghi ngờ có dấu vết của những kẻ săn bắn trái phép. Đến khoảng 11 giờ, đoàn chạm mặt với nhóm săn trộm ba người. Lúc này, anh Ngô Đức Liên, nhân viên của Vườn đi đầu, phát hiện thấy nhóm săn trộm anh hô báo cho mọi người biết. Bị phát hiện, các đối tượng nổ súng chống trả, anh Liên trúng đạn bị thương nặng, mất 25% sức khỏe. Còn các đối tượng săn trộm nhanh chân tẩu thoát vào rừng.

“Ác mộng” đến từ bẫy và súng săn

Theo ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin, đặc thù của Vườn có địa hình nối tiếp nhau bởi những dãy núi cao, việc đi lại khó khăn nên thứ bẫy mà lâm tặc lựa chọn chủ yếu là bẫy dây bởi loại bẫy này chế tạo đơn giản, giá rẻ, mỗi lần mang được số lượng nhiều. Loại bẫy này có khả năng tận diệt thú rừng hết sức ghê gớm, chúng có thể bắt được những con thú nhỏ chỉ bằng nắm tay cho đến những con thú nặng cả tạ khi thợ săn chỉ cần thay đổi kích cỡ lớn, nhỏ của sợi dây bẫy. Việc đặt bẫy dây cũng đơn giản, cánh thợ săn sẽ tìm nơi có dấu vết thú rừng đi lại rồi đặt bẫy rải khắp tuyến đi này, những con thú rừng không may vướng phải thì bị dây bẫy treo ngược lên chờ chết. Cùng với đó, các đối tượng săn trộm còn sử dụng chó săn để đánh hơi truy tìm dấu vết và truy đuổi các loại thú khiến thú rừng thêm một mối nguy.

Hai đối tượng săn bắn bị bắt giữ cùng với tang vật là súng, dây bẫy, thịt thú rừng  trong Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Hai đối tượng săn bắn bị bắt giữ cùng với tang vật là súng, dây bẫy, thịt thú rừng trong Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Một loại vũ khí nữa gây ra nỗi khiếp sợ cho thú rừng ở đây là các loại súng tự chế của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc như: súng bắn đạn hoa cải, súng kíp. Những cây súng này có khả năng sát thương cao vì mỗi lần bắn sẽ phát ra cùng lúc hàng chục viên bi tỏa ra cả một khu vực rộng nên con thú nào không may gặp phải thợ săn dùng loại vũ khí này thì hiếm khi thoát được. Như vụ việc xảy ra vào 4-2020, tại tiểu khu 1419 thuộc Trạm Kiểm lâm số 10, VQG Chư Yang Sin, kiểm lâm Vườn đã phát hiện và bắt giữ 3 đối tượng, gồm: Giàng Seo Páo (SN 1984), Sùng A Lành (SN 1988), Sùng Việt Páo (SN 1992) cùng trú xã Phi Liêng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Kiểm tra lán trại được dựng bằng bạt của các đối tượng, bên trong có võng cùng nhiều vật dụng nấu ăn, đi rừng và một góc dành để sấy khô thịt thú rừng; thu giữ được 7 khẩu súng (5 khẩu súng kíp, 1 khẩu thể thao, 1 khẩu súng Calip), khoảng 50 cái bẫy dây cùng một số chân, xương động vật đã được sấy khô.

Để ngăn chặn nạn săn bắn luôn rình rập thú rừng, kiểm lâm VQG Chư Yang Sin thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân sống gần rừng; tổ chức tuần tra, truy quét tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ, săn bắn trái phép; đồng thời tiến hành tìm kiếm, tháo gỡ bẫy thú, phá dỡ lán trại của bọn săn trộm... Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng kiểm lâm của Vườn đã tổ chức 101 đợt tuần tra dài ngày (từ 3 - 7 ngày), 1.117 đợt tuần tra trong ngày, qua đó phát hiện, trục xuất 128 đối tượng vào rừng trái phép, giữ và tháo gỡ 350 dây bẫy, 21 bẫy kẹp, 2 khẩu súng tự chế, phá dỡ 4 lán trại tạm.

Vạn Tiếp


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.