Multimedia Đọc Báo in

Nguồn nhân lực chất lượng cao: Nền móng cho sự phát triển

15:25, 29/04/2010

Sau 35 năm hoàn toàn giải phóng, từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu, Dak Lak đã và đang vươn mình để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của khu vực Tây Nguyên; đặc biệt, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến có những bước tiến vượt bậc. Thành công ấy có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học. Từ các đề tài, chương trình ứng dụng đã đem lại những giá trị thực tế to lớn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà…

 

 

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên: Lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học góp phần đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực
So với nhiều Viện nghiên cứu khoa học khác, nơi đây chưa thu hút được nhiều cán bộ khoa học chất lượng cao. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, công nhân viên, đặc biệt những cán bộ nghiên cứu khoa học (6 tiến sĩ và 30 thạc sĩ) luôn yêu lao động và khát khao được cống hiến, phục vụ cho sự phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên. Điều này đã được thực tế chứng minh. Viện đã có nhiều công trình khoa học thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp được ứng dụng có hiệu quả tại Tây Nguyên, như: nghiên cứu, chọn tạo công nghệ nhân giống cà phê dòng, cà phê đa dòng, ghép cải tạo vườn cà phê năng suất thấp, hạt giống ca cao lai F1, cây đầu dòng ca cao, thức ăn cho bò được sản xuất từ phế phụ phẩm nông nghiệp…

Khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Dak Lak có tiềm năng lớn về đất bazan, khí hậu ôn hòa rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đã hình thành các vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu, cao su và ca cao. Vấn đề đặt ra ở đây, làm thế nào để thu hút được đội ngũ cán bộ khoa học, tạo điều kiện để họ cống hiến trí tuệ và sức lực cho sự phát triển Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực. Ngoài những đầu tư quan trọng của Nhà nước về cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, Viện luôn tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ khoa học được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trong đó, đặc biệt quan tâm lực lượng cán bộ khoa học trẻ. Viện đã tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để những cán bộ có năng lực, trình độ tham gia các lớp nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Đối với những đề tài nghiên cứu khoa học ngân sách được cấp hạn hẹp, Viện cân đối kinh phí hỗ trợ thêm để cá nhân đảm nhiệm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đây là hình thức để khuyến khích  hiệu quả nhất góp phần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, qua đó ngày càng có nhiều đề tài, công trình được ứng dụng vào sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội Tây Nguyên phát triển. 

Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế: Được cống hiến cho Tây Nguyên là niềm vui và cũng là sự may mắn của cuộc đời tôi

 
Với tinh thần “đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần” nên thế hệ thanh niên, cử nhân, kỹ sư những năm 1970 luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao. Nhưng riêng tôi, việc gắn bó với Dak Lak gần 31 năm nay, giờ ngẫm lại mới thấy đó vừa là duyên nợ và là sự may mắn trong cuộc đời mình. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông – Lâm TP. Hồ Chí Minh, đang có ý định xin về Dak Lak công tác vì chồng sắp cưới của mình đã về đây thì cùng lúc ấy tôi nhận được quyết định phân công về làm việc tại Viện Khoa học  kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên. Về Viện công tác vừa đúng với nguyện vọng, vừa có “đất dụng võ” để thỏa mãn sở thích và phát huy những kiến thức đã học nên tâm trạng phấn khởi lắm. Nhưng nói thật, ban đầu tôi thực sự bị “choáng” vì điều kiện cơ sở vật chất lúc đó quá khó khăn, không có điện, nước sinh hoạt cũng thiếu, mọi người đều phải ăn cơm độn, tài liệu, sách báo phục vụ việc học và nghiên cứu cũng khan hiếm. Mặc dù khó khăn là thế, song trong không khí háo hức thi đua lao động sản xuất chung lại được lãnh đạo Viện tạo mọi điều kiện để công tác và xây dựng cuộc sống mới đã giúp tôi vững tâm. Năm 1999, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt của Viện tôi đã được đi học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Học chuyên ngành đất và phân bón, nên tôi đã đi các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu để đề xuất những công thức phân bón hiệu quả hơn cho cây cà phê, chú trọng đến các yếu tố trung – vi lượng như lưu huỳnh, sun-phát. Đặc biệt, công thức 16-8-16+S được các công ty phân bón Bình Điền, Chánh Hưng, Năm Sao, Phân đạm Phú Mỹ sử dụng sản xuất phân bón đem lại hiệu quả cao cho người nông dân. Bên cạnh đó, tôi cũng nghiên cứu tìm ra kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu hiệu quả. Mặc dù đến cuối năm nay tôi được nghỉ hưu theo chế độ, nhưng nếu Viện mời cộng tác tôi luôn sẵn sàng. Đối với tôi, việc nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nông-lâm nghiệp không chỉ là niềm vui mà còn là sự đam mê.
 
Tiến sĩ
Nguyễn Văn Thường, Trưởng Phòng sinh lý, sinh hóa và công nghệ sau thu hoạch: Tôi luôn cố gắng để cùng các đồng nghiệp tạo nên bước tiến mới trong ngành nông - lâm nghiệp
Theo sự phân công của ngành, năm 1981, tôi vào nhận công tác tại Dak Lak. Gần 30 năm công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, tôi đã thực hiện được nhiều đề tài khoa học có giá trị thực tiễn và góp phần cùng các đồng nghiệp tạo nên những bước tiến mới của ngành nông - lâm nghiệp khu vực Tây Nguyên nói chung cũng như Dak Lak nói riêng. Hầu hết, các đề tài tôi thực hiện đều xuất phát từ yêu cầu thiết thực của thực tế, những khó khăn trong sản xuất chế biến mà người nông dân trong vùng đang phải đối mặt. Chẳng hạn như, trước thực tế kiến thức canh tác nông nghiệp, giữ đất giữ rừng của các dân tộc mới nhập cư đến Tây Nguyên không bảo đảm về môi trường, đề tài “Nghiên cứu kiến thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số Gia Rai trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên rừng” đã được triển khai thực hiện nhằm tìm hiểu những kiến thức canh tác nông nghiệp, giữ đất giữ rừng có lợi của các dân tộc bản địa trong vùng để áp dụng vào giai đoạn mới cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Rồi đề tài “Nghiên cứu trồng xen cà phê trong cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản” được thực hiện trong những năm từ 1997-2001 với mục đích nhằm giúp cho người làm cao su tận dụng đất bỏ trống trong rừng cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản để tăng nguồn thu nhập. Hay trong những năm từ 2003-2005, khi nhiều quốc gia nhập khẩu cà phê phát hiện thấy nấm mốc và độc tố nấm mốc Ochratoxin A (OTA), một loại độc tố gây ung thư thận có trên cà phê Việt Nam và một số nước khác, tôi đã tham gia thực hiện dự án “Nghiên cứu nâng cao chất lượng cà phê bằng cách ngăn ngừa nấm mốc và độc tố nấm mốc OTA trên cà phê Việt Nam”. Dự án này đã đưa ra một số giải pháp, biện pháp trong sản xuất chế biến về ngăn ngừa nấm mốc OTA phục vụ cho việc xây dựng văn bản Nhà nước (Quy chuẩn quốc gia Việt Nam cơ sở chế biến cà phê/điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm)…

Mới đây, tôi đã thực hiện “Nghiên cứu một số giải pháp khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng cà phê nhân xuất khẩu của các tỉnh Tây Nguyên. Mặc dù đây là đề tài do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt hàng và vừa được hoàn thành, song đây vẫn là vấn đề mà tôi trăn trở. Hiện nay chất lượng cà phê Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung không ổn định, vì hầu như nông dân không được tập huấn kiến thức đúng về thu hoạch, chế biến cà phê dẫn đến thiệt hại cả về sản lượng và chất lượng. Chính vì thế, tôi đã đề xuất các giải pháp xử lý, đồng thời vận động bà con tham gia các chương trình sản xuất cà phê bền vững để được tập huấn truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật, từ đó có thao tác đúng. Qua theo dõi, nhóm nông hộ nào tham gia chương trình thì chất lượng cà phê được nâng lên rõ rệt. tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề tài đặt ra, tôi vẫn đang tiếp tục công việc nghiên cứu.

Hoa Nguyên - Kim Oanh - Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.