Báo chí Dak Lak: 5 năm nhìn lại
21:08, 14/05/2010
Hiện nay, ngoài 3 cơ quan báo chí được Bộ Thông tin về Truyền thông cấp giấy phép là Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Dak Lak, tạp chí Chư Yang Sin (Hội văn học Nghệ thuật Dak Lak), trên địa bàn tỉnh còn có 2 tạp chí, 12 bản tin, 34 trang tin điện tử tổng hợp, các nội san, tờ thông tin (của các Hội, Sở ban ngành trong tỉnh) và 9 văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí Trung ương. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên, phát thanh viên và công nhân viên chức của các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh kể cả địa phương và trung ương lên đến gần 400 người.
Không chỉ phát triển về số lượng, chất lượng của các ấn phẩm báo chí tỉnh nhà cũng ngày càng được nâng cao, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, sinh động và hấp dẫn. Thông tin trên báo chí của tỉnh ngày càng đổi mới theo hướng ngắn gọn, cập nhật đa dạng, đa chiều, phản ánh kịp thời sâu sát các hoạt động ở cơ sở, ngày càng nâng cao tính dự báo và hướng dẫn dư luận xã hội. Các cơ quan báo đài đều chú trọng phản ánh gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, nhân tố mới, những kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, quản lý trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời góp phần tích cực thúc đẩy việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động lớn như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, quảng bá thương hiệu cà phê, tuần lễ văn hóa du lịch, xóa đói giảm nghèo, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, các hoạt động từ thiện xã hội… Báo chí trên địa bàn tỉnh còn tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật, giúp cơ quan chức năng xem xét xử lý và các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, điều chỉnh quản lý kịp thời. Lực lượng báo chí đã bám sát cơ sở, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh những năm qua thường xuyên được bổ sung về số lượng và chất lượng. Phần lớn các nhà báo đã được trưởng thành từ thực tiễn, được bồi dưỡng nâng cao về kiến thức chính trị, nghiệp vụ, có kinh nghiệm, vốn sống. Đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật phát thanh, truyền hình … thích ứng nhanh và tiếp thu sử dụng thành thạo các phương tiện máy móc công nghệ cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan thông tấn báo chí trong thời kỳ hội nhập.
Chuyên gia Đan Mạch đang chuyển giao kỹ thuật quay phim cho phóng viên Đài PT-TH tỉnh. (Ảnh: Yến Ngọc) |
Báo Dak Lak đã từng bước đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng nội dung thông tin tuyên truyền. Về số lượng, từ tháng 4-2009, Báo đã tăng trang ấn phẩm Dak Lak cuối tuần từ 8 trang lên 12 trang; tháng 9-2009 ra mắt ấn phẩm Dak Lak điện tử và từ tháng 1-2010 đã tăng thêm 1 kỳ xuất bản. Hiện nay, Báo Dak Lak đã xuất bản 4 kỳ/tuần, hằng tháng có ấn phẩm Nguyệt san phục vụ đến tận các chi bộ cơ sở và thôn, buôn, tổ dân phố. Ngoài việc thông tin, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Báo Dak Lak đã tổ chức tốt các hoạt động xã hội thông qua “Quỹ Tấm lòng vàng”, học bổng “Niềm hy vọng”, tạo sự gắn bó giữa tờ báo với bạn đọc. Báo đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại cho sản xuất chương trình và phát sóng; tăng cường số lượng và nâng cao dân chất lượng chuyên môn của đội ngũ biên tập viên, phóng viên, phát thanh viên, biên dịch. Các chương trình phát thanh - truyền hình được nâng lên cả về chất lượng chương trình và thời lượng phát sóng; trở thành đài địa phương có thời lượng phát sóng chương trình truyền hình nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên. Chương trình phát thanh từ 9 giờ 30 phút/ngày tăng lên 11 giờ/ngày; chương trình truyền hình từ 9 giờ 30 phút/ngày năm 2006 tăng lên 18 giờ/ngày năm 2009. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã duy trì sản xuất phát sóng 44 chuyên mục, chuyên đề, mở thêm một số chuyên mục mới như chương trình “Nâng cánh ước mơ”, “Địa chỉ cho những tấm lòng vàng”, bản tin thời sự quốc tế…; phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức sản xuất phát sóng 15 chuyên mục như An ninh trật tự, Quốc phòng toàn dân, Biên phòng toàn dân, Thuế, tìm hiểu pháp luật thuế, Khoa học kỹ thuật, Trang văn hóa... Chất lượng của các buổi truyền hình trực tiếp ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh còn tích cực tham gia các kỳ Liên hoan Phát thanh và Liên hoan tiếng hát truyền hình, Giải báo chí Quốc gia với nhiều huy chương vàng, bạc, bằng khen. Năm 2009, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Hệ thống đài truyền thanh huyện, thành phố, thị xã hoạt động khá đồng bộ. 15 huyện, thị xã, thành phố đều có đài phát sóng FM cùng với 180 trạm truyền thanh cơ sở xã, phường, thị trấn với chương trình, nội dung phong phú, đa dạng, kịp thời giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương điều hành công việc và thông tin chủ trương chính sách mới đến nhân dân.
Tạp chí Chư Yang Sin thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh luôn giới thiệu những sáng tác mới của các văn nghệ sỹ đến với công chúng; tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến giới văn nghệ sỹ. Trong những năm qua, Tạp chí luôn bảo đảm xuất bản định kỳ hằøng tháng 500 bản, nội dung ngày càng được cải tiến và nâng cao chất lượng thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Tạp chí Văn hóa Dak Lak (nay là tập san) và tờ Thông tin Dak Lak do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch làm chủ quản. Tập san ra định kỳ 3 tháng 1 số phản ánh kịp thời thông tin công tác văn hóa và hoạt động văn hóa tới nhân dân. Tờ Thông tin Dak lak xuất bản 2 kỳ/tháng bằng 2 ngôn ngữ Việt – Êđê đã thông tin cập nhật tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng và sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trên các mặt công tác đến tận xã phường, thôn buôn. Tuy nhiên lực lượng chuyên sâu của hai ấn phẩm này còn thiếu, sự đầu tư chưa nhiều. Một số ấn phẩm có tính chất báo chí do các cơ quan, ban ngành xuất bản hằng tháng, quý như Bản tin Khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), Nhà báo và cuộc sống (Hội Nhà báo tỉnh), Thông tin nội bộ phục vụ tới 100% chi bộ và Thông tin cơ sở phục vụ tới 100% thôn, buôn, thành phố (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)… đã làm phong phú, đa dạng hệ thống báo chí trên địa bàn tỉnh nhà.
Phóng viên các báo, đài Trung ương thường trú tại Dak Lak như Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Quân đội Nhân dân, Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ, Đài Truyền hình Đà Nẵng, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam… đã bám sát các sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh để phản ánh, thông tin nhanh nhạy, kịp thời cho bạn đọc và khán thính giả cả nước. Đặc biệt, Cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về đội ngũ, phương tiện kỹ thuật hiện đại, chuyển tải phát sóng từ 5giờ đến 22 giờ 30 phút hằøng ngày; sản xuất chương trình phát thanh 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số gồm Ba Na, Êđê, Gia rai, Kơ ho, M’nông, Xê Đăng.
Hai Long
Ý kiến bạn đọc