Multimedia Đọc Báo in

Gian nan con đường tìm việc của sinh viên mới ra trường

15:17, 22/05/2010

Nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường mong muốn có được việc làm đúng với chuyên ngành đã học. Thế nhưng trên thực tế, để kiếm được một việc làm ưng ý, phù hợp với kiến thức, chuyên ngành được đào tạo không phải là chuyện dễ.

Gian nan tìm việc
Ôm hồ sơ xin việc đi từ công ty này đến công ty khác, mãi vẫn chỉ nhận được câu trả lời: “Em cứ về chờ, có gì chúng tôi sẽ liên lạc sau”, nhiều lần như thế, Nguyễn Thị Tuyết Sương (tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh - ĐH Tây Nguyên) đâm ra nản. Lần này, Sương không chọn cách trực tiếp đến các nơi trên mà ôm hồ sơ đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh nhờ giới thiệu tìm việc làm. Cách làm này theo Sương sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn, may ra mới tìm được việc làm đúng với sở thích và chuyên ngành. Tuy nhiên gần 1 năm rồi, mà công việc vẫn ở mãi tận đâu đâu, Sương bắt đầu ngao ngán: “Chẳng phải em kén chọn gì, nhưng chỗ phù hợp với chuyên môn thì mức lương không đủ sống, chỗ có thu nhập tạm ổn thì lại không phát huy được năng lực bản thân”.
Trong lúc chờ tìm được việc làm ưng ý, không ít SV gác tạm  tấm bằng tốt nghiệp, đi tiếp thị hoặc làm nhân viên trực quán Internet… Hiện nay, nhiều quán Internet, quầy photocopy trên địa bàn thành phố, nhân viên ở đây đa số là SV ra trường chưa xin được việc. Tốt nghiệp ngành kế toán, Trường Trung cấp Chuyên nghiệp Tư thục Công nghệ Trường Sơn  đã hơn 2 năm mà vẫn lận đận đi tìm việc, Hoàng Thị Thúy Vy đành chọn làm nhân viên tiếp thị “tạm” cho một hãng mỹ phẩm, để lấy kinh nghiệm, hoa hồng ăn theo phần trăm sản phẩm. Tiền kiếm được không nhiều nhưng vẫn có thể “đắp đổi” sống tạm qua ngày, cố gắng bám trụ lại ở thành phố, nuôi hy vọng tìm được một công việc đúng chuyên môn. Còn Hồ Bá Đăng, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Tây Nguyên cho biết, em nộp hồ sơ xin việc ở một công ty liên doanh với nước ngoài, lúc được gọi phỏng vấn là mừng lắm rồi, coi như vượt qua được 30% cửa ải. Nhưng trớ trêu thay, câu hỏi của nhà tuyển dụng chẳng hề ăn nhập gì với… bài vở đã được học. Đăng vớ ngay phải câu hỏi: “Anh, chị có hiểu biết gì về công ty chúng tôi? Tại sao anh, chị chọn công ty chúng tôi để gắn bó lâu dài…”. Đăng ngẩn người, chịu thua. Một bài học nhớ đời cho cậu SV mới ra trường, lần đầu tiên ôm hồ sơ đi xin việc. Phỏng vấn xin việc đâu chỉ bó gọn trong vốn kiến thức được trang bị ở nhà trường… Hiện nay, thị trường việc làm ngày càng “khan” hơn đối với những SV vừa chân ướt chân ráo rời khỏi ghế nhà trường, trong tay chưa có lấy một ngày kinh nghiệm. Vì thế, bỏ lại 1,2 năm lông bông xin việc rồi đến “nhảy việc” là chuyện thường thấy. Tại Trung tâm  Giới thiệu việc làm tỉnh, em Đinh Thị Lê Ni, tốt nghiệp ngành kế toán, Trường Kinh tế- Kỹ thuật Tây Nguyên cho biết: “Giờ em chỉ mong xin được việc, đi làm để lấy kỹ năng thôi cũng là tốt lắm rồi…”.

Đông đảo sinh viên đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tìm việc.
Đông đảo sinh viên đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tìm việc.

Sinh viên cần rèn luyện kỹ năng để xin việc              
Có được việc làm ngay sau khi ra trường là mong ước của hầu hết các sinh viên mới tốt nghiệp. Một số SV mới ra trường may mắn có được việc làm, tuy nhiên không phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo, làm một thời gian, không chịu nổi áp lực quá lớn của công việc, nên đành nghỉ. Để hiểu biết công việc, điều này đòi hỏi phải có kiến thức cơ bản và kinh nghiệm. SV mới ra trường ít người có thể thỏa mãn tiêu chí này. Bởi vì khi còn ngồi trên ghế nhà trường, SV chủ yếu học lý thuyết, còn thực hành thì quá ít. Trong khi đó thị trường việc làm ngày càng khan hiếm, càng trở nên  khó khăn hơn với SV mới tốt nghiệp. Nhiều công ty, doanh nghiệp khi tuyển dụng lại đòi hỏi người xin việc phải có kỹ năng, kinh nghiệm từ 1-2 năm. Đối với những SV năng động, biết đi làm thêm từ thời còn SV thì đã có ít nhiều kinh nghiệm, còn với những bạn chưa từng chạm đến bộ hồ sơ xin việc thì không dễ gì để tìm được việc ngay. Nhiều người đã chọn hướng đi vòng, “lấy ngắn nuôi dài” kiếm một việc “trái ngành” làm tạm, để lấy kinh nghiệm,  chờ ngày… nhà tuyển dụng gọi đến tên mình. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân  khiến đa số SV mới ra trường, đi xin việc bị loại ra ngay từ vòng đầu, đó là kỹ năng phỏng vấn xin việc của các bạn còn quá nhiều hạn chế.
Năm 2009, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tổ chức được  6 đợt “Ngày hội tuyển dụng lao động”, tư vấn việc làm nghề nghiệp cho hơn 10.000 lượt  người lao động, sinh viên mới ra trường. Ở tỉnh ta, SV tốt nghiệp một số trường như: Trung cấp Chuyên nghiệp Tư thục Công nghệ Trường Sơn, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nguyên, chỉ có một số ít tìm được việc làm đúng chuyên ngành, số còn lại sau khi ra trường đi làm trái ngành nghề đào tạo hoặc vẫn đang chờ việc.
Ông Lê Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn, khi tìm kiếm việc làm, sinh viên cần có các kỹ năng để tham gia tuyển dụng. Thường các nhà tuyển dụng ngoài yêu cầu về bằng cấp còn đòi hỏi người lao động có chút ít hiểu biết xã hội, ít ra là về công ty mà mình mong muốn được làm việc. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp ra trường lại bỏ trống khoảng này nên rất khó để xin việc thành công. Có kỹ năng phỏng vấn cũng góp một phần quan trọng để “ghi thêm điểm” cho hồ sơ xin việc của mình. Nhiều SV đạt yêu cầu về bằng cấp, chuyên ngành, thậm chí tốt nghiệp loại khá trở lên, nhưng lại yếu ở khâu kỹ năng tìm việc.  Nắm bắt được điều đó, mấy năm trở lại đây, khi người lao động đến nộp đơn tuyển dụng, Trung tâm có trang bị một số tài liệu về kỹ năng cơ bản (như kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng tìm việc…) để phần nào hỗ trợ thêm cho họ. Ông Hạnh cũng chia sẻ thêm, mới ra trường, trong lúc chờ việc làm như mong muốn, SV nên tìm một công việc tạm thời, “lấy ngắn nuôi dài” để trang trải sinh hoạt phí hằng ngày, lại vừa có thêm kinh nghiệm.

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc