Multimedia Đọc Báo in

Lớp học tình thương của sinh viên

17:00, 07/05/2010

 Thực tế hiện nay có sinh viên (SV) đang chạy theo không ít các trò chơi vô bổ, hay tranh thủ làm thêm những công việc để kiếm tiền, thì cũng có một bộ phận SV chẳng quản ngại khó khăn, tình nguyện tham gia dạy không lương cho học sinh lớp tình thương nghèo.
Tại Giáo xứ Chi Lăng, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, lớp học tình thương (từ tiểu học đến lớp 10) của những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, được các Sơ cưu mang, ngày ngày vẫn diễn ra sôi nổi. Từ các vùng quê và dân tộc khác nhau trên địa bàn tỉnh, các em tập trung về đây để được cùng nhau vui chơi, học tập trong một mái ấm tình thương.

Sinh viên Trịnh Thị Nguyệt (ngành Tiểu học, Dại học Tây Nguyên) đang giảng bài cho các em nhỏ của lớp học tình thương.
Sinh viên Trịnh Thị Nguyệt (ngành Tiểu học, Dại học Tây Nguyên) đang giảng bài cho các em nhỏ của lớp học tình thương.
Duyên cơ đến với lớp học tình thương này từ chuyện bạn Trần Nhân Tâm, SV Trường Đại học Tây Nguyên (ĐHTN) tình cờ tiếp xúc và biết được hoàn cảnh của các em nên đã có ý định dạy kèm, giúp các em tiến bộ hơn trong học tập. Tâm liên hệ với các Sơ và được sự đồng thuận, tạo điều kiện tốt nhất về phòng học cho các em. Tâm vận động thêm nhiều bạn khác trên trang web diễn đàn bk Tây Nguyên, thu hút không chỉ SV ĐHTN mà còn nhiều bạn ở Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak tham gia lớp học rất nhiệt tình. Hiện nhóm SV gia sư của lớp đã lên đến 80 bạn do Tâm làm trưởng nhóm, dạy cho các em Toán, Lý, Hóa, Anh văn, và chương trình tiểu học. Với một cơ cấu tổ chức nhóm khá chặt chẽ và hiệu quả, ngoài những buổi dạy, hàng tháng hay khi có việc đột xuất, các bạn đều tổ chức họp để trao đổi kinh nghiệm, khắc phục những vướng mắc, hoặc nếu có thành viên nào gặp khó khăn, nhóm sẽ kêu gọi mọi người giúp đỡ. Các bạn SV ai cũng nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc, Tâm kể, có nhiều bạn đi bộ gần 10 km từ nhà trọ về đây, hay có bạn nhà ở huyện xa vẫn đón xe buýt lên dạy các em, nhiều khi buổi trưa về chỉ kịp nhai tạm ổ bánh mì để đến dạy các em buổi chiều.
 
Lớp học tình thương hiện có 58 em, đều đang học chính thức tại các trường THCS Đào Duy Từ và Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (phường Khánh Xuân). Ban đầu đến với lớp tình thương, các em đều rất nhớ nhà, có em ngồi trước bữa ăn mà mếu máo…, lại có trường hợp một em học lớp 4, lẻn đi bộ 2 ngày 2 đêm bỏ về nhà không lên nữa. Cũng vất vả lắm cho các gia sư khi mới tiếp cận các em nhỏ này. Bạn Ninh Thị Lan Hương, SV ngành Sư phạm Hóa bộc bạch,  hầu hết các em đều dễ thương và biết nghe lời, không nghịch ngợm nhưng các em học bài chậm hiểu, không biết chỗ nào cũng không dám hỏi, phải gần gũi, tạo sự thân thương, ân cần thì các em mới mạnh dạn và tiếp thu bài vở nhanh hơn. Để tạo sự thoải mái, hứng thú cho các em trong học tập, cứ giữa 2 tiết  học đều có nghỉ giải lao 30 phút. Bạn Trần Thị Mai Sương, SV ngành Quản trị kinh doanh (ĐHTN) tâm sự: “Hoàn cảnh các em nhỏ thật đáng thương, mặc dù cuộc sống SV tụi em còn nhiều khó khăn, nhưng chúng em quyết đem tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ dạy dỗ mong các em cố gắng học hành để không phụ lòng mọi người, biết đâu trong số đó sau này sẽ có những công dân thành đạt, góp công sức dựng xây quê hương, đất nước”. H’Loan (học sinh lớp 8) nói, em rất vui vì được các anh chị SV tận tình chỉ bảo, em đã tiến bộ nhiều trong học tập, ước mơ sau này trở thành cô giáo để về dạy các em nhỏ ở quê mình; còn em Y Mim (lớp 5) lại muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người…
 
Mặc dù thành lập chưa lâu, song kết quả mà cả thầy và trò của lớp học tình thương đạt được là không nhỏ, các em tiến bộ rất nhanh, không còn tình trạng lười, bỏ học nữa, nhiều em từ học lực trung bình đã vươn lên khá, giỏi như  Nguyễn Minh Tuấn (lớp 4), M’My (lớp 9)… và nhiều em từ học sinh yếu kém lên trung bình, khá. Kết quả này được nhà trường các em đang theo học thẩm định qua các kỳ thi, kiểm tra trên lớp. Dù chỉ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, song, với thành công đạt được này cũng là những niềm vui nho nhỏ giúp các bạn SV hăng say hơn trong công việc học tập của mình.
Lê Thành

Ý kiến bạn đọc