Multimedia Đọc Báo in

Những người canh ‘‘giấc ngủ nghìn thu’’

07:23, 23/05/2010

Họ là những quản trang ở các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, công việc hàng ngày của họ là quét dọn, làm đẹp cho nghĩa trang, chăm lo mộ phần các liệt sĩ, tiếp đón các đoàn khách, thân nhân gia đình liệt sĩ mỗi khi đến đây thăm viếng. Một công việc thầm lặng nhưng chất chứa cái tâm của người làm nghề.

Nghề của chữ...Tâm
Viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh vào một buổi sáng tháng 4, tìm mãi mới gặp được tổ quản trang đang lo quét dọn, chăm sóc cây phía sau khuôn viên nghĩa trang. Chị Trần Thị Hoa, tổ trưởng tổ quản trang cho biết, công viêc hằng ngày của tổ là phải quét dọn cho nghĩa trang luôn sạch sẽ ; chăm sóc, tưới nước cho hàng nghìn cây xanh trong khuôn viên ; thường xuyên thay cát cho hơn 3 nghìn bát hương trên các phần mộ và tiếp đón, hướng dẫn các đoàn khách, thân nhân liệt sĩ, khi họ đến đây thăm viếng. Từ  6 năm nay, đã thành thói quen, hôm nào đến phiên trực của mình ông Nguyễn Xuân Hòa (50 tuổi), quản trang tại đây cũng thắp một bó hương to trên tượng đài và lư hương chung phía trước các phần mộ liệt sĩ sau đó mới làm những công việc khác, hôm nào không thắp là ông thấy trong lòng không yên.‘‘Nghĩa trang liệt sĩ là nơi vô cùng linh thiêng, người làm công tác quản trang phải thực sự có cái tâm, luôn nhắc nhở nhau chăm sóc mộ phần liệt sĩ một cách chu đáo, có như vậy thì người thân các liệt sĩ khi đến đây thăm viếng sẽ cảm thấy ấm lòng hơn và được an ủi phần nào’’, ông Hòa tâm sự.

Công việc hằng ngày của ông Nguyễn Xuân Hòa là thắp một bó nhang to trước lư hương chung các liệt sĩ.
Công việc hằng ngày của ông Nguyễn Xuân Hòa là thắp một bó nhang to trước lư hương chung các liệt sĩ.

Không chỉ ở tỉnh, công việc của những người quản trang ở các nghĩa trang liệt sĩ huyện cũng vậy. Đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cư M’gar nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng vì ngoài khuôn viên sạch sẽ, nghĩa trang còn có hàng trăm cây xanh, chậu cảnh và hàng trăm cây mai. Để làm được điều này, bác Cao Thế Rượi (quản trang, 60 tuổi) vốn là một cựu chiến binh mê cây cảnh đã phải rất kỳ công trồng và chăm sóc. Năm 1998 ông về đây làm quản trang, nghĩa trang lúc đó rất ít cây xanh, chỉ có bốn cây tùng bách tán và một số cây nhỏ. Hằng ngày, ông đã tự mình đúc chậu, mua cây cảnh về trồng, có dịp đến nơi nào có cây cảnh đẹp là ông xin mang về trồng tại nghĩa trang và tự tay uốn nắn, cắt tỉa, tạo thế; ông còn mua hàng chục cây mai về trồng quanh khuôn viên nghĩa trang. Mỗi dịp tết đến mai nở hoa vàng rực tạo nên một quang cảnh rất đẹp ở nghĩa trang này. Ông cho biết, ngoài số tiền hương khói 300 nghìn đồng do Sở Lao động Thương binh-xã hội cấp vào các dịp lễ tết, ngày thường ông tự bỏ tiền túi ra mua thêm hương dự trữ để người dân đến viếng nghĩa trang có hương thắp cho các liệt sĩ. “Số tiền mình bỏ ra có là bao so với những mất mát, hy sinh của những liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này’’, ông Rượi tâm sự. Từng được điều chuyển về làm quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhưng ông đã xin được ở lại làm quản trang nơi đây, bởi 12 năm gắn với nghĩa trang này đã để lại trong ông quá nhiều kỷ niệm mà ông không muốn rời xa.

Công việc thầm lặng hằng ngày của bác Rượi.
Công việc thầm lặng hằng ngày của bác Rượi.

Vui buồn nghề quản trang
Cái nghề thầm lặng nhưng cũng lắm vui buồn, ai ở trong nghề mới biết. Chị Hoa, người có thâm niên 10 năm làm quản trang ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, cũng là nữ quản trang duy nhất tại đây kể, thời gian đầu vào làm, những ca trực đêm đối với chị là cả một cực hình, bởi mỗi đêm phải đi kiểm tra quanh nghĩa trang đến ba bốn lượt, nghĩa trang rộng lớn chỉ toàn hương khói lập lòe, nghi ngút, đôi khi thấy rờn rợn, nhiều hôm phải đi kèm với các anh trong tổ cho đỡ sợ. Chị cho biết, trước năm 2008 khi Nhà nước chưa có chính sách cho di dời phần mộ liệt sĩ, có nhiều thân nhân đến liên hệ xin mang hài cốt liệt sĩ về quê, không được, đêm đến họ dùng đèn pin soi đào trộm phần mộ mang đi. Lúc đó, tổ quản trang làm việc hết sức vất vả, phải dựng lều ngoài trời, bên cạnh mộ liệt sĩ để canh giữ thâu đêm, có hôm trời mưa rét căm căm cũng phải đội mưa để bảo vệ. ‘‘Cũng thương và thông cảm cho thân nhân của liệt sĩ lắm, vì đó là phần máu mủ, ruột thịt nên họ muốn chuyển liệt sĩ về quê cũng là chính đáng. Nhưng khổ nỗi, nếu cho họ bốc mộ đi thì mình sẽ bị kỷ luật nên cả tổ chỉ còn biết thay nhau trực mộ liệt sĩ 24/24 giờ’’, chị Hoa cho nói. Từ tháng 1-2008, khi có chủ trương cho phép thân nhân được di dời phần mộ liệt sĩ nên những người làm quản trang nơi đây mới bớt đi lo lắng, căng thẳng. Bác Rượi cho biết, cũng đã có nhiều gia đình liệt sĩ đến nghĩa trang xin di dời mộ, nhưng sau khi được bác vận động, giải thích, đưa đi thăm viếng phong cảnh nghĩa trang sạch đẹp, thân nhân các liệt sỹ đã đồng ý để các anh yên nghỉ lại nơi đây.
Đó chỉ là một trong rất nhiều kỷ niệm mà người quản trang đã trải qua, công việc thầm lặng, bình dị họ mong muốn luôn giữ được vẻ tôn nghiêm, yên tĩnh để các liệt sỹ được mãi mãi yên giấc ngàn thu, có như vậy thì họ mới hoàn thành trọng trách của ‘‘người canh giấc ngủ’’.

 

Lê Sông Lam

 


Ý kiến bạn đọc