Multimedia Đọc Báo in

Chàng thanh niên với khát vọng xây dựng quê hương

09:57, 20/07/2010
Đang công tác tại một tập đoàn kinh tế lớn với mức lương cao nhưng Lê Ngọc Hoàng (thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) đã từ bỏ tất cả. Anh trở lại quê hương nghèo khó, nơi mẹ cha đang ngày ngày lam lũ thức khuya dậy sớm bên những bó rau, mớ cà với quyết tâm gây dựng lại từ đầu.
Từ một trợ lý giám đốc kỹ thuật tại Công ty Gạch Đồng Tâm Long An, trở về tự thân vận động, những ngày đầu gây dựng cơ nghiệp của anh đã gặp không ít khó khăn. Việc lựa chọn hướng đi đúng cũng đã là một vấn đề. Anh kể, nhận thấy điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, nhận thức về khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế, hơn thế thanh niên địa phương thì ít học nhưng lại thích ăn chơi đua đòi. Với chuyên môn về điện được học trên ghế nhà trường Cao đẳng Công nghệ Kỹ thuật điện, anh đã mạnh dạn mở tiệm sửa chữa điện lạnh. Với chuyên môn vững vàng, tiệm điện của anh ngày một ăn nên làm ra. Từ một tiệm điện nhỏ, dần phát triển vững vàng thành Công ty TNHH Kỹ thuật điện Ngọc Hoàng, vừa mua bán thiết bị điện vừa nhận thi công lắp ráp hệ thống điện phục vụ nhu cầu của địa phương với số vốn lưu động hơn 2 tỉ đồng.
Mặc dù rất bận rộn với công việc kinh doanh nhưng anh Lê Ngọc Hoàng cũng vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Mặc dù rất bận rộn với công việc kinh doanh nhưng anh Lê Ngọc Hoàng vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Có được thành công bước đầu đó là cả một sự nỗ lực không biết mệt mỏi. Lê Ngọc Hoàng cho biết, một ngày làm việc của anh luôn kéo dài từ 14 đến 16 tiếng mà vẫn cảm thấy không hết việc. Không chỉ dồn công sức cho việc kinh doanh của công ty Ngọc Hoàng, anh còn dấn thân vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhận thấy hiệu quả sử dụng đất của bà con tại địa phương không được như mong muốn, năm 2008 đích thân anh đã đến Đà Lạt để học hỏi cách trồng và chăm sóc hoa Lay-ơn cùng các loại rau củ khác. Áp dụng những kinh nghiệm thu lượm được, anh đã xây dựng mô hình trồng xen canh hoa – rau trên vườn nhà. Chỉ vẻn vẹn có 3 sào đất của gia đình nhưng với ý nghĩ “không cho đất nghỉ một ngày nào”, anh đã xoay vòng luân canh một cách khoa học. Mùa nào thức nấy, tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường và điều kiện khí hậu để lựa chọn giống cây trồng phù hợp, nhờ vậy, mảnh vườn nhỏ của gia đình anh mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Từ mô hình thành công đó, anh đã chuyển giao kinh nghiệm của mình, hướng dẫn cho thanh niên trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt kết quả cao. Không chỉ tự tạo công ăn việc làm cho bản thân, anh còn nhận thanh niên địa phương, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số vào học nghề và giải quyết việc làm cho họ. Đến nay, công ty của anh đã nhận hàng chục thanh niên tại địa phương vào học nghề và làm việc với thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Hiện anh đang phối hợp cùng Huyện Đoàn và chính quyền địa phương triển khai mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên trong huyện.
Không chỉ giỏi trong sản xuất kinh doanh, Lê Ngọc Hoàng cũng là một người tích cực trong các hoạt động xã hội tại địa phương. Cùng một lúc anh kiêm nhiệm nhiều trọng trách như Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Dray Bhăng, Thôn đội trưởng và Bí thư Chi đoàn thôn Kim Châu. Anh luôn trăn trở tìm ra cách làm hay để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần xây dựng và bảo vệ quê hương trong tầng lớp thanh niên địa phương. Với phương châm “làm nhiều hơn nói”, những hành động tích cực của anh đã thuyết phục được nhiều thanh niên trên địa bàn cùng tham gia.
Với những cống hiến không biết mệt mỏi, năm 2008 Lê Ngọc Hoàng được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi ấy anh 28 tuổi. Nhiều bằng khen, giấy khen các cấp tặng thưởng cũng đã ghi nhận những thành quả đóng góp của anh.
 Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.