Đuối nước trẻ em: Những tai nạn có thể phòng tránh
Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trong tai nạn thương tích ở trẻ em. Trong 2 năm 2008 - 2009 có 118 trường hợp trẻ em bị chết do đuối nước. Riêng từ đầu năm đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 25 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Tình trạng đuối nước ở trẻ em đã trở thành một vấn đề đáng báo động và cần được sự quan tâm, chung tay vào cuộc của cả cộng đồng…
Những tai nạn đuối nước thương tâm
Mỗi lần đi qua hồ nước này là vợ chồng Chị H’Ví ÊNuôl (thôn 6, xã Cư ÊBur, TP. Buôn Ma Thuột) lại thấy lòng nhói đau khi nhớ đến đứa con trai đầu mới hơn 7 tuổi của mình. Đã gần nửa năm trôi qua nhưng chị không thể nào quên được buổi chiều định mệnh ấy: Cũng như mọi ngày em Y Ly sau khi đi học về đã dắt đứa em nhỏ chưa đầy 5 tuổi của mình và rủ thêm một người bạn nữa đi chơi. Do bận rộn công việc nên chị cũng không kịp nhắc nhở con mà để các con tự đi chơi một mình. Chưa đầy 1 tiếng sau đứa con trai thứ 2 của chị về báo tin anh trai Y Ly và một người bạn nữa bị rơi xuống hồ nước cách nhà chỉ vài trăm mét. Quá hoảng sợ chị đã cùng chồng chạy ra để cứu con nhưng khi đến nơi thì mọi việc đã muộn.
Cũng chung niềm đau xót khi mất con do tai nạn đuối nước, chị Võ Thị Bảy (thôn Kty 3, xã Cư Kpô, huyện Krông Buk) như đứt từng khúc ruột khi cả hai đứa con trai của chị chỉ trong một ngày đã vĩnh viễn ra đi. Chị kể trong nước mắt: Ngày 23-5 vừa qua, em Hoàng Minh Hùng (11 tuổi) đã dẫn em trai là Hoàng Minh Sỹ (9 tuổi) cùng đi chơi đá bóng, thả diều với một số người bạn. Sau đó vì trời nắng nóng, cả nhóm kéo xuống hồ ở rẫy của người quen để tắm. Lúc lên bờ, Hùng nhìn lại thấy em đang ở dưới hồ trong tình trạng sắp bị chìm. Lo cho em, Hùng nhảy xuống hồ để cứu. Nào ngờ, không những không cứu được em, mà cả Hùng cũng ra đi.
Cái chết của hai anh em Hùng chưa hết gây tiếc thương cho bà con chòm xóm, thì khoảng một tháng sau, xã Cư Kpô lại xảy ra một tai nạn đuối nước nữa. Đó là trường hợp của em Trần Trọng Học (15 tuổi) ở thôn Nam Tân cũng ra đi do tai nạn đuối nước. Hôm ấy Học cùng bạn đi hái mít. Đi ngang qua rẫy nhà hàng xóm, Học không may bị trượt chân, té xuống chiếc giếng được đào để lấy nước tưới cà phê. Tuy có biết bơi, nhưng vì giếng sâu, lại không được cứu giúp kịp thời nên cũng đã xảy ra điều đáng tiếc…
Những tai nạn đuối nước thương tâm ấy càng thêm đau lòng khi những cái chết của các em là không đáng có và có thể phòng, tránh được. Những giọt nước mắt đau thương cùng tâm sự xót xa của các gia đình có con bị tai nạn đuối nước: giá như chú ý hơn đến các con, giá như không bất cẩn, giá như có hàng rào bảo vệ, che chắn… luôn làm nhói lòng người.
Quan tâm hơn đến an toàn của trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước trẻ em: Ở tỉnh ta, với địa hình nhiều ao, hồ, sông, suối; đặc biệt là hồ, đập ngăn nước dùng tưới tiêu của các lâm nông, trường và của các hộ gia đình… cùng với việc hầu như không có hệ thống rào chắn bảo vệ, biển báo, biển cấm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tai nạn đuối nước trẻ em. Một nguyên nhân khác đó là do nhận thức của cộng đồng về đuối nước ở trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều bậc phụ huynh, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa dường như không mấy quan tâm đến khái niệm đuối nước ở trẻ; và từ chỗ chưa có nhận thức đúng nên không tạo được môi trường an toàn cho trẻ nhỏ.
Những chiếc cầu bắc qua suối không có lan can là một trong những nguy cơ gây tai nạn đuối nước |
Ý kiến bạn đọc