Multimedia Đọc Báo in

Phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” ở Cư M’gar: Nhân rộng những tấm lòng nhân ái

10:36, 20/07/2010
Phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) các cấp huyện Cư M’gar thực hiện nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau gần 2 năm triển khai phong trào đã được các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hưởng ứng mạnh mẽ với nhiều nghĩa cử cảm động và thắm đượm tình người…
Sinh ra với đôi chân tật nguyền, cha mẹ mất sớm H’Wiên Niê ở buôn K’na B, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) sống cùng gia đình người dì ruột. Dù rất thương cháu, song dì cũng không thể cho cháu gái một cuộc sống sung túc hơn bởi gia đình bà vẫn còn là một trong số những hộ nghèo của xã. Khi phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được phát động, qua điều tra, khảo sát, H’Wiên được nằm trong danh sách những địa chỉ nhân đạo cần giúp đỡ. Biết hoàn cảnh của H’Wiên qua kênh của Hội CTĐ xã, chị H’Á Niê, Phó ban chuyên trách dân số xã, đã tình nguyện nhận chăm sóc, giúp đỡ H’Wiên. Dù công việc của một cán bộ dân số lúc nào cũng bộn bề, song chị H’Á vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi, giúp H’Wiên từ cái ăn, cái mặc cho đến vệ sinh cá nhân. Chị H’Á chia sẻ: “Sự giúp đỡ của tôi đối với H’Wiên về vật chất không nhiều, chỉ 100.000 đồng mỗi tháng, nhưng tôi luôn nghĩ, ngoài vật chất thì cháu rất cần được động viên tinh thần. Chính vì vậy, cứ có thời gian rảnh tôi lại ghé thăm trò chuyện rồi giúp cháu dọn dẹp, tắm rửa, gội đầu… Bây giờ, H’Wiên luôn coi tôi như một người chị gái”.
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Cư M’gar thăm và tặng quà cho gia đình chị H’Wiên (buôn K’na B, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar)
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Cư M’gar thăm và tặng quà gia đình chị H’Wiên (buôn K’na B, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar)

 Gia đình ông Lương Chua ở thôn 1, xã Cư M’gar cũng là một trong số những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Là chủ gia đình nhưng ông lại mắc bệnh hiểm nghèo không thể lao động nên cái ăn của cả 8 người chỉ dựa vào tiền công làm mướn bữa được bữa không của vợ và cậu con trai lớn. Thông qua phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, gia đình ông Chua được bà Trần Thị Kim Cúc ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) nhận đỡ đầu với số tiền hỗ trợ 200.000 đồng/tháng. Dành dụm tiền hỗ trợ, gia đình ông mua heo nuôi, sau đó nuôi dê sinh sản, từ một con dê ban đầu, đến nay đã có đàn dê 4 con. Niềm hy vọng cho những đứa trẻ đã bắt đầu nhen nhóm trong lòng vợ chồng ông. Với người được giúp đỡ đã vậy, còn người giúp đỡ cũng không kém phần mừng vui. Bà Trần Thị Kim Cúc thổ lộ: “Tuy giúp gia đình ông Chua chưa được nhiều, song đó là tấm lòng và sự sẻ chia của tôi đối với những khó khăn của họ…”
Trường hợp của H’Wiên Niê và gia đình ông Chua chỉ là 2 trong số 220 địa chỉ nhân đạo được nhận giúp đỡ ở xã Cư M’gar. Ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội CTĐ xã cho biết: “Xác định việc nối những nhịp cầu, những vòng tay nhân ái đem niềm vui, nụ cười đến cho những người có hoàn cảnh bất hạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, thời gian qua, chúng tôi đã chủ động tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích và ý nghĩa nhân đạo của phong trào này đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, tinh thần “tương thân tương ái” được khơi dậy, đã có rất nhiều việc làm cụ thể giúp đỡ các gia đình khó khăn trên địa bàn, như các thầy cô giáo nhận phụ đạo cho 180 học sinh yếu kém của 4 trường tiểu học và THCS của xã; cán bộ, đảng viên thì trích một phần lương, phụ cấp để hỗ trợ người khó khăn, rồi tư vấn kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; các gia đình có kinh tế khá lại giúp đỡ bằng việc cho mượn máy móc, ống tưới, hỗ trợ cây, con giống… Những hoạt động này đã động viên tinh thần rất lớn và tạo tiền đề để các gia đình khó khăn có thêm cơ sở phát triển sản xuất, vươn lên.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh thăm và tặng quà gia đình ông Nguyễn Văn Sĩ, có 2 con bị nhiễm chất độc màu da cam ở thôn 1, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar)
Hội Chữ thập đỏ tỉnh thăm và tặng quà gia đình ông Nguyễn Văn Sĩ, có 2 con bị nhiễm chất độc da cam ở thôn 1, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar)

Không chỉ riêng xã Cư M’gar, mà hầu hết các xã, thị trấn của huyện, nhiều gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của các tổ chức, cá nhân. Theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ, sau 1 năm thực hiện phong trào, huyện Cư M’gar đã có 1.805 tổ chức, cá nhân  nhận giúp đỡ cho 3.352 đối tượng bằng nhiều hình thức. Tại 50 trường học trên địa bàn đã có 1.207 tập thể, cá nhân nhận giúp đỡ 2.555 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh có học lực yếu, với tổng trị giá quy tiền là gần 200 triệu đồng; trong đó 878 giáo viên nhận giúp đỡ về sách vở, bồi dưỡng kiến thức cho 2.022 học sinh học lực yếu kém, học sinh nghèo. Đặc biệt, có nhiều xã khó khăn nhưng lại huy động được đông số người tham gia phong trào, tiêu biểu như xã Ea Kuêh, Cư Dlê Mnông, Ea Tar. Đánh giá về phong trào này, ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban vận động cho biết, phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là một hoạt động rất có ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc, vì nó giúp đỡ trực tiếp các đối tượng khó khăn nhất trong cuộc sống. Làm tốt phong trào này là góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát huy truyền thống nhân nghĩa trong cộng đồng. Chính vì vậy, để phong trào đạt được hiệu quả, huyện đã giao cho Hội CTĐ làm nòng cốt trong việc xử lý số liệu, thông tin, kết nối cá nhân, tập thể với địa chỉ nhân đạo. Phong trào đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài huyện. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kiện toàn, định hướng để cuộc vận động đi vào chiều sâu.
Có thể khẳng định những việc làm thiết thực của phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” ở huyện Cư M’gar đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Phong trào này tạo sức hút, sự lan tỏa lòng nhân ái, tinh thần nhân văn cao trong cộng đồng và trở thành nhịp cầu chắp cánh ước mơ, niềm tin, hy vọng cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Kim Oanh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.