Multimedia Đọc Báo in

Sinh viên báo chí tốt nghiệp: Khó khăn tìm nơi vào nghề

11:19, 18/07/2010
Cầm tấm bằng cử nhân báo chí hăm hở vào đời, nhiều bạn trẻ đã không thể tìm cho mình một tờ báo để làm, có người vỡ mộng trước thực tế khắc nghiệt của nghề báo đã sinh ra chán nản, vội tìm công việc khác…
 
Trong khi bạn bè nộp hồ sơ khắp các cơ quan báo chí để xin việc thì ngay sau khi tốt nghiệp N.D.N đã được nhận làm phóng viên thử việc tại Văn phòng đại diện miền Trung của Báo Tuổi trẻ. Tốt nghiệp đại học loại khá, thông minh, thích làm báo và đã viết bài cộng tác cho nhiều tờ báo hồi còn đi học nên anh thích nghi rất nhanh với công việc và được đánh giá cao. Tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian ngắn, anh phải xin nghỉ việc vì áp lực bài vở rất lớn và những nguyên tắc khắt khe của nghề. Anh N vào Sài Gòn viết bài cộng tác cho Báo Đất Việt và được nhận làm phóng viên chuyên viết phóng sự, không bị áp lực bởi tin, bài thời sự nên anh có điều kiện phát huy năng lực và sở trường của mình với nhiều bài phóng sự chân thực, hấp dẫn.

Cũng là người may mắn có được công việc sớm, đúng với ngành học, nhưng B.T.L lại không trụ được với nghề báo. Nhờ có mối quan hệ của gia đình mà sau khi ra trường chị L. được nhận vào làm phóng viên ở một cơ quan báo tỉnh. Nhưng chỉ được vài tháng, L. nhanh chóng nhận ra nghề báo với những chuyến đi xa vất vả và nhiều áp lực không phù hợp với một cô gái mảnh mai, yếu ớt nên chị nghỉ việc và xin làm nhân viên bán vé cho một hãng hàng không.
Phóng viên trẻ Báo Dak Lak trong giờ làm việc
Phóng viên trẻ Báo Dak Lak trong giờ làm việc

Trong khi đó, nhiều cử nhân báo chí sau khi ra trường phải chật vật xin việc. Hành trình trở thành phóng viên của anh Tr.D.T rất gian truân. Tốt nghiệp báo chí Đại học Huế, anh nộp cả thảy 4 bộ hồ sơ, nhưng chờ một thời gian dài mà không cơ quan nào gọi phỏng vấn, T. được người quen giới thiệu viết tin, bài cộng tác cho một tờ báo mạng mà không có giấy giới thiệu tác nghiệp. Gần 2 năm đi viết báo không lương, nhuận bút không đủ trang trải cuộc sống, anh mới được nhận làm phóng viên thường trú tại Thanh Hóa. T. tâm sự: “Biết nghề báo là vất vả, khắc nghiệt nhưng lỡ mê rồi nên phải cố gắng sống với nghề cho bằng được”. Cũng như anh T., chặng đường xin việc của Đ.N.V cũng gian truân không kém. Ra trường, nộp hồ sơ ở nhiều cơ quan báo chí mà không một tia hy vọng, anh về công tác tại một đài truyền thanh huyện gần nhà. Công việc không quá vất vả nhưng không có điều kiện phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, anh xin nghỉ việc. Chờ nửa năm anh được nhận vào làm phóng viên tại văn phòng đại diện Tây Nguyên của một tờ báo Trung ương xa nhà gần ngàn cây số.

Còn nhớ, có lần gặp một nữ sinh viên báo chí đang học năm thứ ba Trường CĐ Phát thanh – Truyền hình TP. Hồ Chí Minh về thực tập tại một cơ quan báo Đảng tỉnh. Kết thúc đợt thực tập, cô ấy tuyên bố không phù hợp với nghề và quyết định chuyển sang ngành học khác. Bởi trước khi chọn học ngành báo chí, cô ấy còn rất mù mờ về nghề này, chỉ biết rằng học báo chí được đi nhiều, biết nhiều…Khi còn học đại học, trong giờ thỉnh giảng đầu tiên, thầy giáo (một nhà báo nổi tiếng) đưa ra câu hỏi cho gần 70 sinh viên trong lớp: Tại sao chọn nghề báo để học?  Kết quả chỉ có 20 người trả lời là do thích nghề này, một nửa lớp nói muốn được đi nhiều nơi và nổi tiếng, còn lại là không biết. Sau khi ra trường được mấy năm, cả lớp chúng tôi chỉ có hơn 10 người thật sự thích và bước đầu theo được nghề báo, còn lại người thì không trụ được trong nghề, người thì làm công việc khác. Nguyên nhân là do cách nhìn nhận ban đầu, khi chọn ngành học còn mang nặng cảm tính, hiểu chưa đúng về nghề, bởi ở đây còn có khoảng cách rất lớn giữa lý thuyết báo chí trên giảng đường và thực tế khắc nghiệt của nghề.
Minh Thông

Ý kiến bạn đọc