Multimedia Đọc Báo in

NHÂN NGÀY VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM VIỆT NAM (10-8)

Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam

08:23, 10/08/2010

“Chất độc da cam”- cụm từ chỉ mang tính hóa học đơn thuần nhưng  đằng sau ấy là những mảnh đời, phận người kém may mắn. Họ đang sống, nhưng cuộc sống chẳng khác nào“địa ngục trần gian”, bởi những căn bệnh hiểm nghèo đang từng ngày, từng giờ bào mòn cả thể chất và tinh thần. Khổ đau hơn không chỉ có những người trực tiếp đối mặt với chiến tranh mà thế hệ con, cháu họ đang phải gánh chịu nỗi đau này.

Niềm mong ước giản đơn
Ông Nguyễn Văn Tứ (ở thôn 10, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị. Năm 1976, sau khi xuất ngũ trở về ông xây dựng gia đình. Vợ ông 7 lần sinh nở thì đã có 2 lần không nhìn thấy hình hài của con. Con gái đầu Nguyễn Thị Thủy và con gái út Nguyễn Thị Thanh bị di chứng chất độc da cam/diôxin. Ông Tứ kể, khi Thủy chào đời cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm 7 tuổi thì bị bại liệt, chân tay co quắp không cử động được. Những đứa con tiếp theo lần lượt chào đời trong niềm khát khao, hy vọng của bố, mẹ, nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, Nguyễn Thị Thanh cũng có những biểu hiện như chị, câm điếc hoàn toàn, trí tuệ không phát triển. Mặc dù đi lại được nhưng Thanh không biết làm việc gì, mọi thứ đều trông chờ nơi mẹ. Thương con bệnh tật, cứ dành dụm được đồng nào là vợ chồng ông Tứ lại lo thuốc thang chạy chữa, nhưng rồi mọi cố gắng đều vô vọng. Người đàn ông từng vào sinh ra tử trong chiến trận, đối diện giữa cái chết và sự sống giờ đây đã phải bật khóc mỗi khi nhắc đến những đứa con tật nguyền. Hiện tại, ông Tứ và 2 đứa con bị nhiễm chất độc da cam đã được hưởng tiền trợ cấp hằng tháng, nhưng không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày, nhất là thời gian gần đây, bệnh của Thủy ngày một nặng hơn. Toàn bộ thu nhập của gia đình chỉ biết trông chờ vào 2 sào cà phê, mọi gánh nặng của gia đình đổ dồn lên đôi vai ông Tứ - thương binh hạng 4/4, mất 31% sức khỏe.

Người dân thôn 4 (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) đã quá quen thuộc với chuyện nửa đêm vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhời tất tả chạy khắp nơi tìm kiếm cậu con trai di chứng chất độc hóa học diôxin. Đã 26 tuổi nhưng con trai ông chẳng khác gì một đứa bé lên ba. Em thường xuyên bỏ nhà đi lang thang đến những chỗ đông người để chơi nhưng lại không biết đường về nhà. Nghe theo lời khuyên của nhiều người, vợ chồng tôi đã làm một chiếc thẻ, ghi đầy đủ thông tin: tên bố, mẹ, địa chỉ, số điện thoại để khi đi lạc, mọi người báo giúp, nhưng nó không chịu, giựt vứt đi. “Thương con nhưng không thể suốt ngày ở nhà giữ con, vì còn phải đi làm lo cái ăn và thuốc thang cho con. Ai chẳng mong đẻ con ra lành lặn, lớn khôn, học hành tử tế như mọi người, nhưng biết làm sao, số phận nó như vậy rồi. Vợ chồng tôi giờ đây chỉ mong muốn nó có thể tự chăm sóc bản thân, là chúng tôi yên tâm lắm rồi”, anh Nhời nói trong đau khổ.

Đã gần 30 tuổi nhưng mọi sinh hoạt của Nguyễn Thị Thủy (thôn 10, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đều phải nhờ mẹ.
Đã gần 30 tuổi nhưng mọi sinh hoạt của Nguyễn Thị Thủy (thôn 10, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đều phải nhờ mẹ.

Cộng đồng chung tay
Ngô Song Hào, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin tỉnh cho biết, từ năm 2005 đến nay các cá nhân, tổ chức hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ cho nạn nhân thông qua hội 1,3 tỷ đồng. Với số tiền trên, Hội đã sửa chữa 29 nhà cho những nạn nhân da cam; thăm hỏi, động viên trên 1.000 lượt gia đình nạn nhân da cam; hỗ trợ bò giống giúp nạn nhân da cam thoát khỏi nghèo bền vững. Hiện tại, Hội đang tiếp tục kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng để giúp đỡ nạn nhân da cam cả về vật chất và tinh thần, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu của Cuộc vận động “Chung tay vì nạn nhân da cam” do Trung ương Hội Nạn nhân da cam phát động từ năm 2009 - 2013.

Da cam - bệnh tật - nghèo khó, vòng  luẩn quẩn này luôn đeo bám gia đình nạn nhân da cam. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 4.500 người bị phơi nhiễm chất độc hóa  học diôxin, và khoảng 40 - 45% gia đình nạn nhân chất độc da cam thuộc diện hộ nghèo. Bản thân những nạn nhân da cam rất khó có khả năng vượt qua được. Trong số đó, có không ít nạn nhân da cam là cựu chiến binh, thanh niên xung phong, cán bộ kháng chiến mang trong mình nhiều vết thương hằng ngày vẫn tất bật ngược xuôi để nuôi dưỡng những đứa con bị dị tật, đau yếu và không ít nạn nhân da cam đang sống trong mặc cảm.

Mong muốn của những nạn nhân da cam rất giản đơn, nhưng không thể trở thành hiện thực nếu như không có sự chia sẻ của cộng đồng, xã hội và mỗi người. Mọi sự giúp đỡ dù nhỏ nhất cũng góp phần  xoa dịu nỗi đau da cam, giúp họ vượt qua khó khăn, cải thiện sức khỏe, đời sống và vươn lên hòa nhập cộng đồng.

 

Nguyên Hoa

 

 


Ý kiến bạn đọc