Tấm lòng người dân với thanh niên tình nguyện
Chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện 2010 đã kết thúc tốt đẹp, nhiều công trình thanh niên có ý nghĩa thiết thực đã được hoàn thành. Không chỉ được góp một phần công sức nhỏ bé vì cuộc sống cộng đồng, điều đọng lại trong lòng mỗi thanh niên tình nguyện (TNTN) chính là tấm lòng của những người dân ở những địa bàn hoạt động của mình.
Gia đình bác Hoàng Anh (thôn 4, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin), nơi tiếp nhận đội TNTN, trong một tháng qua luôn rộn rã tiếng cười của các bạn sinh viên. Bác Anh tâm sự, mặc dù khác biệt về tuổi tác nhưng trước sự hồn nhiên, vô tư của các cháu, vợ chồng bác cũng như cảm thấy trẻ ra. Tuy rất bận rộn công việc đồng áng nhưng hai bác vẫn luôn cố gắng thu xếp thời gian để có mặt cùng bữa cơm của đội TNTN. Theo bác Anh, bữa cơm là lúc để hai bác gần gũi, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống với các bạn sinh viên. Đồng thời đây cũng là thời điểm thích hợp để những người lớn tuổi như bác truyền đạt những kinh nghiệm sống, uốn nắn chỉ bảo cho các bạn những điều hay lẽ phải trong sinh hoạt hàng ngày. Bà Nông Thị Hợp, vợ bác Anh thì có cách quan tâm khác hơn. Bác Hợp cho biết, các con của bác cũng là sinh viên đang đi học xa, các bạn TNTN đến đây như thể bù đắp sự thiếu vắng tình cảm của mình. Do đó, bác luôn coi các TNTN như những người con của mình, chăm lo đến từng miếng ăn, giấc ngủ của các bạn trẻ.
Những lúc thế này là dịp để bác Nông Thị Hợp (ngồi giữa) được gần gũi, chia sẻ nhiều hơn với các bạn TNTN. |
Tình cảm của người dân không chỉ có ở những gia đình TNTN trú ngụ mà còn được thể hiện ở bất kỳ đâu mà họ gặp các bạn trẻ. Người dân buôn A Lê, xã Ea Hồ (Krông Năng) khiến các bạn TNTN ngỡ ngàng trong những ngày đầu tiên đến đây, khi các TNTN đi mua bất kỳ cái gì bà con cũng đều không bán. Hóa ra, người dân nơi đây đã “ngầm” thống nhất với nhau rằng: với TNTN “xin thì cho chứ không bán”. Hôm chúng tôi đến thăm các bạn TNTN tại đây, được đãi những miếng thanh long ngọt lịm do người dân mang đến cho mới thấy được tình cảm thân thiết mà các bạn trẻ được đón nhận. Tại xã Vụ Bổn (Krông Pak), bạn Đặng Kim Thoa, sinh viên Trường Cao đẳng VHNT Dak Lak tiết lộ, mỗi khi đi chợ thì chỉ tốn nhiều thời gian thôi chứ tiền thì chẳng hết mấy. Thoa cho biết, cứ ra đến chợ là lại được hết các bà các chị níu lại hỏi thăm rồi dúi cho mớ rau, miếng thịt. “Hôm nào ra chợ trễ một tí lại “bị” hỏi nhiều hơn. Nào là: Có mệt không? Sao da lại đen thế? Đang làm ở thôn nào?…”, Thoa nói. Đứng bên bến nước do TNTN xây dựng vừa được đưa vào sử dụng, ông Y Hợp, buôn trưởng buôn Yun, xã Đliê Ya (Krông Năng) ngợi khen: TNTN lần đầu tiên về buôn nhưng đã chịu thương chịu khó làm được nhiều việc có ích giúp đỡ bà con. Đồng bào trong buôn ai cũng rất vui, thanh niên trai tráng trong buôn không chỉ ít nhậu nhẹt quậy phá hẳn mà còn tích cực tham gia làm việc cùng với TNTN. Có mặt tại địa bàn hoạt động tình nguyện chậm hơn so với các đội tình nguyện khác, anh Lê Hà Dương, Bí thư đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật (KT-KT) Bình Dương đã bất ngờ trước tình cảm đón tiếp của người dân phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ). Anh Dương thổ lộ, mọi người trong đoàn tỏ ra rất xúc động trước những ánh mắt của các cụ già, em thơ đang chào đón mình. Càng thấy yên tâm hơn khi được các chị trong hội phụ nữ phường đón tiếp bằng bữa cơm đạm bạc nhưng đầy nghĩa tình trong ngày đầu tiên đặt chân đến đây. Tất cả những điều đó đã thôi thúc các bạn TNTN làm việc hăng say hơn, trách nhiệm hơn để xứng đáng với những tình cảm mà đồng bào giành cho mình.
Một tháng tình nguyện đầy ý nghĩa đã trôi qua thật nhanh, ngày chia tay, những giọt nước mắt đã lăn dài trên đôi má nhiều bạn gái là TNTN. Đôi tay nhăn nheo của các amí ghì chặt lấy những bờ vai các bạn trẻ đang rung lên vì xúc động. “Ngày chia tay em buồn lằm, amí Nhi ở buôn D’Hăm, xã Ea Bông (Krông Ana), nơi chúng em đến tình nguyện đã khóc suốt từ đêm hôm trước đến tận lúc xe lăn bánh”, tâm sự của Bùi Thị Thu Hà, Trường Trung cấp KT-KT Dak Lak đã nói lên tất cả những tình cảm thương yêu, sự lưu luyến của người dân khắp nơi dành cho các bạn TNTN.
Ý kiến bạn đọc