Multimedia Đọc Báo in

Xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn): Mong sớm có một cây cầu vững chắc

07:33, 11/08/2010

Từ tỉnh lộ 5, rẽ sang tuyến đường độc đạo dẫn vào UBND xã Cuôr Knia và 7 thôn, buôn phải đi qua đập Cây Sung. Con đập tràn này đã quá quen thuộc và ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người dân nơi đây. Hằng ngày, có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại, từ sinh hoạt, chợ búa đến việc các em học sinh đến trường đều phải qua tuyến đường này. Đập được xây dựng từ năm 1999, với chiều dài 15m, vắt ngang dòng suối Ea K’né, nối hai bờ thôn 6 và buôn Ea Kning, cách UBND xã 1km về phía Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, thay vì phải lội qua suối như trước. Nhưng hiện nay, đập đã bị xuống cấp trầm trọng, các thanh chắn bằng sắt 2 bên thành cầu đã bị gãy đổ gần hết, trong khi đó, vì là đập tràn nên thấp hơn mặt đường khoảng 1,5m và 2 bên đầu đập lại có độ dốc lớn rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Đặc biệt, hằng năm, khi mùa mưa đến, nước từ thượng nguồn chảy về biến dòng suối Ea K’né trở nên hung dữ, chảy xiết, chặn ngang tuyến đường liên xã, cô lập 7 thôn, buôn của Cuôr Knia như một ốc đảo, vì vậy đập Cây Sung còn có tên gọi khác là đập “tử thần”. Nên cứ đến đầu mùa mưa người dân lại bắt đầu lo sợ khi phải qua đây, những gia đình sống gần đập lại “có dịp” chuẩn bị phao, dây cứu sinh trong nhà, sẵn sàng ứng cứu mỗi khi có người gặp nạn. Anh Lương Văn Pháp, nhà gần đập cho biết, năm 2008 có 6 người và phương tiện qua đập bị nước cuốn xuống suối, đến năm 2009 lại thêm 8 người nữa. Biết là nguy hiểm nhưng họ vẫn phải qua, vì đây là tuyến đường huyết mạch của xã ra bên ngoài, mọi sinh hoạt từ mua bán thiết yếu đến chuyện học hành của học sinh đều gắn liền với con đập này. Anh Trần Phong, buôn Ea Kning bộc bạch: “Có năm, nước lũ dâng cao trong nhiều ngày liền không rút, con đập trở thành dòng sông nguy hiểm, các em học sinh phải nghỉ học dài ngày vì không có đường đến trường, người lớn thì không biết phải làm gì nhìn nhau than vắn thở dài, mọi dự định giao thương, hoạt động bên ngoài cũng bị chia cắt”.

Chỉ sau một trận mưa nhỏ, nước đã tràn qua đập, gây khó khăn cho người và phương tiện giao thông.
Chỉ sau một trận mưa nhỏ, nước đã tràn qua đập, gây khó khăn cho người và phương tiện giao thông.

Sống trong lo ngại, và bị tách biệt mỗi khi mùa mưa đến, nhiều năm nay, đã thành quen đối với người dân nơi đây, cứ đến đầu mùa mưa họ thường phải mua dự trữ những thực phẩm khô, phòng khi nước lên không đi ra khỏi địa bàn xã được. Còn những người ở ngoài muốn vào trong UBND xã, Trạm y tế cũng rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thành, thôn 6 bộc bạch, chị làm nghề lái thương, nên thường xuyên đi vào các thôn, buôn trong xã để mua nông sản, nhưng khi mùa mưa đến thì không qua đập được, đành phải chờ khi nước rút mới dám vào. “Có hôm vào mua hàng xong, đến khi chở ra thì bị nước cuốn trôi cả người và xe hàng, đành chịu mất trắng”.

Với những khó khăn như vậy, từ lâu người dân nơi đây luôn mong có một cây cầu vững chắc thay thế cho đập tràn Cây Sung, để việc đi lại và cuộc sống của người dân đỡ vất vả. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bất, Chủ tịch UBND xã cho biết, không chỉ riêng gì mùa mưa nước mới ngập, hễ trời cứ mưa liên tục trong nửa ngày là nước ở con đập lại dâng cao từ 50cm - 1m, mọi phương tiện và người dân không thể nào qua được. Trước mắt, để chuẩn bị mọi công tác cứu hộ, tránh những trường hợp bị nước cuốn trong mùa mưa năm nay, địa phương đã triển khai một số công tác như mua thêm phao cứu sinh, dây thừng… đề phòng những trường hợp bất trắc xảy ra.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đa dạng sinh kế để giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu canh tác và thế mạnh của từng địa phương. Từ đó, giúp người dân giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.