Đồng bào các dân tộc xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột): Yên vui dưới một mái nhà
Về xã Ea Tu hôm nay không khó để bắt gặp những căn nhà xây kiên cố nằm san sát hai bên con đường trải nhựa phẳng lì, buôn làng đã có nhiều đổi thay hơn trước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây ngày càng được nâng lên…
Toàn xã có 12 thôn, buôn, gồm 3.187 hộ, với hơn 14.000 người sinh sống, trong đó, có đến 50% đồng bào dân tộc tại chỗ, sống chủ yếu bằng nghề nông. Những năm trở lại đây, đời sống của người dân xã Ea Tu đã có những bước tiến đáng kể. Bên cạnh cây lúa nước và cà phê chủ đạo, người dân nơi đây còn vươn lên làm giàu bằng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, nhiều mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi cá cho năng suất cao. Điển hình như hộ ông Y Lia (buôn Kmrơng Prông A) với mô hình trồng sầu riêng, ao cá, nuôi heo, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ còn phát triển thêm nghề dệt thổ cẩm để tăng thêm thu nhập. Hiện Ea Tu không còn hộ đói, chỉ còn 72 hộ nghèo (chiếm 2,23 %), bình quân thu nhập đầu người đạt 9,5 triệu đồng/ năm. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên, nhiều hộ đã sắm được các phương tiện sinh hoạt đắt tiền: xe máy, ti vi, tủ lạnh, nhà xây khang trang; đường làng ngõ xóm phông quang, sạch đẹp. Già làng Y Re (buôn Ea Nao A) phấn khởi nói: “Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, ưu đãi cho vùng đồng bào mình, đây là cơ hội cho nhiều bà con thoát nghèo, nỗ lực xây dựng kinh tế”.
Lễ trao giải tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Ea Tu. |
Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từ năm 2000 đến tháng 5-2008, Ea Tu được thành phố chọn xây dựng xã điểm văn hóa, và đã được công nhận là xã văn hóa; 11/12 thôn, buôn đạt danh hiệu thôn, buôn văn hóa cấp thành phố. Song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã chú trọng nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hằng năm, cứ vào tháng 3 là vào mùa lễ hội tưng bừng của người dân trong xã như: Cúng bến nước, lễ thổi tai, phục dựng lễ cưới của người đồng bào, cúng sức khỏe, vào vụ… Bên cạnh đó, người dân xã Ea Tu cũng rất say mê các hoạt động văn nghệ, thể thao. Hầu hết các thôn, buôn đều có đội văn nghệ, bóng chuyền; tham gia biểu diễn ở địa phương và phục vụ các lễ hội.
Ông Nguyễn Hữu Vượng, Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương luôn tìm cách thu hút và khuyến khích các phong trào văn nghệ quần chúng rộng khắp, hằng năm đều tổ chức các hội diễn văn nghệ, hội thi thể thao truyền thống. Ngoài ra, với các tiết mục “tự biên, tự diễn”, nhiều thôn, buôn thường xuyên tổ chức các đêm văn nghệ để phục vụ bà con mình. Đây là môi trường thuận lợi để đời sống văn hóa, tinh thần của của người dân Ea Tu càng phát triển.
Trong những ngày tháng 8, tại hội trường các thôn, buôn trong xã, đâu đâu cũng nhộn nhịp tiếng loa, nhạc. Mọi người đang tất bật chuẩn bị tiết mục tham gia Hội thi, hội diễn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” toàn xã và chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Anh Bùi Văn Hượng, cán bộ văn hóa xã cho hay, bao giờ cũng vậy, trước khi có cuộc thi cấp xã, các thôn, buôn đều tổ chức thi ở cơ sở trước, qua đó, các diễn viên không chuyên thường huy động cả anh chị, cha mẹ, ông bà mình đến xem, làm vui lây đến những người thân trong gia đình. Riêng những buôn đồng bào DTTS, xã khuyến khích các tiết mục thể hiện nét văn hóa của dân tộc mình để những nét văn hóa ấy lan tỏa trong đời sống cộng đồng.
Cuộc sống ngày một đổi thay, những người con xa quê lâu ngày trở về, có lẽ sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì buôn làng mình có quá nhiều đổi thay theo chiều hướng ngày càng văn minh, hiện đại. Trên đà đó, chính quyền và nhân dân xã Ea Tu chung một quyết tâm ra sức xây dựng diện mạo mới cho buôn làng, song song với việc cất cao lời ca tiếng hát, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, cùng chung sống yên vui dưới một mái nhà.
Ý kiến bạn đọc