Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ làm nghề của “phái mạnh”

10:55, 19/09/2010

Với bao lo toan bộn bề trong cuộc sống thường nhật, vẫn có những phụ nữ dường như quên đi mình là phận chân yếu tay mềm để theo đuổi những công việc được xem là của đàn ông.

Nhọc nhằn nghề phụ hồ
Có rất nhiều hoàn cảnh và lý do để những người phụ nữ chân yếu tay mềm chọn nghề phụ hồ, dẫu biết rằng công việc nặng nhọc này vốn chỉ hợp với sức vóc đàn ông… Dạo quanh TP. Buôn Ma Thuột một vòng, đến một ngôi nhà đang xây dựng trên đường Lê Duẩn, chúng tôi chứng kiến có gần 10 người thợ đang tất bật với công việc, trong đó, có 2 phụ nữ, lưng áo thấm đẫm mồ hôi, các chị đang khom người xúc từng xẻng cát trộn hồ. Chị Vũ Thị Hà (phường Ea Tam) cho hay, ở công trình này, chồng chị là thợ chính, còn chị phụ hồ. Hai vợ chồng trước đây làm công nhân may mặc trong Bình Phước, do xa nhà, công việc vất vả mà lương chẳng có dư, nên anh chị về lại Dak Lak, làm thợ nề đã được 3 năm nay. Giờ đây thu nhập bình quân của anh chị (nếu công việc ổn định) cũng được 250.000/ ngày. “Mình còn trẻ, chịu khổ cực dăm năm nữa, kiếm ít vốn lận lưng rồi mở quán tạp hóa nhỏ ở nhà buôn bán, chứ cái nghề này cực lắm, không có sức khỏe thì không thể nào kham nổi”, chị nói.

Làm phụ hồ là công việc thường ngày của chị Vũ Thị Hà (phường Ea Tam-Buôn Ma Thuột).
Làm phụ hồ là công việc thường ngày của chị Vũ Thị Hà (phường Ea Tam - Buôn Ma Thuột).
Hàng ngày, chị đi làm từ 7 giờ sáng, đến trưa phải tranh thủ về nhà cơm nước cho chồng con, xong chưa kịp nghỉ ngơi lại phải sửa soạn đi làm buổi chiều. Vất vả là vậy nhưng vì miếng cơm manh áo, nuôi con cái ăn học nên phải gắng sức bươn chải. Chị Lê Thị Diệp, cùng làm tại đây cho biết thêm, tiếp xúc với công việc này một thời gian hầu như ai cũng bị bệnh đau lưng do cúi nhiều, hoặc viêm xoang vì bụi bặm. Còn tại một công trình trên đường Hùng Vương (có khoảng 3 nữ phụ hồ), chị Trần Thị Xanh, 38 tuổi, (phường Tân An) cũng đang cố hết sức vác từng bao xi măng (50kg) lên cầu thang. Chị nói: “Làm nghề này cực lắm, phải có sức khỏe mới có thể dãi nắng dầm mưa ngày này qua ngày khác được. Tuy vậy, mức lương chỉ 100.000 đồng/ngày công, bao giờ cũng thấp hơn phụ hồ nam từ 10 đến 15 ngàn đồng”.

Nữ tài xế taxi
Lái taxi là một trong những nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro, song vẫn có nhiều phụ nữ chọn nghề này để mưu sinh. Tâm sự với chúng tôi, nữ tài xế 32 tuổi Phạm Thị Mỹ Sang, thôn 13, xã Hòa Khánh nói: “Là phụ nữ, khi đã xác định lao ra đường kiếm sống thì phải chấp nhận vất vả”. Với trải nghiệm 3 năm rong ruổi cùng chiếc taxi, trên các ngả đường từ nội thành Buôn Ma Thuột đến huyện xa, hay có khi đi tỉnh khác theo yêu cầu của khách, chị đã gặp không ít trường hợp “dở khóc, dở mếu” như khách quỵt tiền, say mửa trên xe, hoặc chửi bới tài xế… Song theo chị, đây cũng như một cái nghề “làm dâu trăm họ”, bất kể ai đã lên xe cũng đều là khách của mình, khó mà phòng hết được kẻ gian, nhiều khi phụ thuộc vào hên - xui mà thôi.

Chị Phạm Thị Mỹ Sang làm nghề lái taxi.
Chị Phạm Thị Mỹ Sang làm nghề lái taxi.
Để gắn bó với nghề lái taxi không dễ, nhiều người đã bỏ nghề vì không chịu nổi cảnh nhàm chán khi phải chầu chực khách, bên cạnh đó, nhiều chị lập gia đình, phải dành thời gian chăm sóc chồng con nên cũng đành bỏ nghề. Những nữ tài xế taxi bám trụ được với nghề đều là những người mạnh mẽ và có lòng đam mê thực sự. Chị Trần Mai Hương, ở phường Tân An (hơn 2 năm trong nghề lái taxi) kể lại: “Có lần tôi bắt khách ở đường Mai Hắc Đế, một ông say lúy túy từ quán nhậu bước ra, leo vào xe rồi nôn mửa tới tấp. Tuy rất khó chịu nhưng cũng phải giữ bình tĩnh để đưa vị khách ấy về nhà an toàn”. Chưa hết, hôm gần đây, trong lần chạy xe trong đêm chị còn bị một vị khách nam dở trò sàm sỡ, trêu chọc. Những lần như vậy buộc các chị phải cố giữ bình tĩnh và thật sự cứng rắn, khôn khéo tìm cách hô hoán để mọi người tới giúp đỡ. Đã trót mang nghiệp vào thân thì ai cũng như ai, tài xế nữ không phải ngoại lệ, vào ca là các chị phải cố chạy sao cho đạt chỉ tiêu, thế nên chuyện ăn uống, nghỉ ngơi rất thất thường. Chị Hương bộc bạch: “Chúng tôi gặp đâu ăn đó, mà chẳng được nghỉ ngơi gì đâu, những ngày lễ, tết càng cực hơn. Khách nhiều cũng ham chạy vì nhờ đó mà tăng thêm thu nhập, nhưng về đến nhà thì mệt lả”.

Phụ hồ, lái taxi vốn được xem là nghề của đàn ông, nhưng vì mưu sinh và niềm đam mê mà các chị phải cố gắng theo đuổi. Làm việc trong những môi trường nặng nhọc, bụi bặm, trong khi đó, ăn uống, nghỉ ngơi không bảo đảm, dẫn đến mối lo về sức khỏe thực sự đang làm nặng lòng thêm đối với các chị trên con đường mưu sinh.

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc