Thư viện lưu động “chở” chữ đến với trẻ em vùng sâu
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày nghỉ cuối tuần, các buôn xa gần trên địa bàn huyện Krông Ana lại rộn rã lạ thường, hình ảnh các chiến sĩ áo xanh cùng những chiếc xe chở sách trở nên khá quen thuộc đã trở nên khá quen thuộc đối với nhân dân quanh vùng. Nhờ hình thức “thư viện lưu động” đã phần nào thỏa niềm khát khao đọc sách của trẻ em nghèo…
Đội tình nguyện thư viện lưu động sắp xếp sách báo cho trẻ em lựa chọn. |
Đưa sách về buôn
Thời gian qua, thư viện lưu động đã thu hút được sự chú ý của đông đảo các em đủ mọi lứa tuổi có chung niềm đam mê đọc sách. Tính đến thời điểm này, thư viện lưu động lần lượt đến được 6/8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cụ thể như buôn Kuôp (xã Dray Sap), buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp), buôn Dhăm (xã Ea Bông)... Tuy thư viện lưu động chỉ hoạt động mỗi tuần một lần, thời gian cho mỗi lần từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ, nhưng đó chính là những món quà quý giá đối với nhiều trẻ em không có điều kiện mua sách. Thư viện lưu động huyện Krông Ana chính thức ra mắt từ đầu tháng 6-2010, do Đội công tác xã hội (trực thuộc Huyện Đoàn Krông Ana) thành lập. Thời gian đầu thư viện có 10 người, đến nay đã thu hút hơn 30 thành viên tham gia. Đa số họ là công nhân, viên chức trên địa bàn huyện, với tinh thần sẵn sàng đến vùng sâu, vùng xa phục vụ đọc sách miễn phí. Chị Sđekka, quê ở Lâm Đồng, công tác tại Trường THPT Phạm Văn Đồng (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) khi biết có chương trình này đã tạm gác kỳ nghỉ hè vui vẻ bên gia đình, để đồng hành với các thành viên thư viện lưu động. Chị tâm sự: “Tôi nhận thấy đây là hoạt động rất bổ ích và thiết thực, nhất là trong lúc trẻ em nông thôn “khát” sân chơi hè”. Để có những trang sách miễn phí đến tay độc giả, các thủ thư đã dành nhiều thời gian cho việc đi vận động các cá nhân, tập thể trên địa bàn huyện ủng hộ sách báo cũ, sau đó, loại bỏ các loại sách không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Hành trình đưa sách đến với vùng sâu cũng không tránh khỏi gian nan, vất vả khi các thành viên phải đi trên những con đường đất ngoằn nghèo, những ngày nắng nóng mồ hôi nhễ nhại, hay gặp những cơn mưa chiều dồn dập rất thường thấy ở Tây Nguyên. Nhưng thư viện cũng không vì thế mà gián đoạn hoạt động, các thành viên vẫn có mặt đều đặn khắp buôn xa gần, và ẩn bên trong các trang sách là tấm lòng của những tình nguyện viên.
Đông đảo học sinh đến đọc sách miễn phí ở thư viện lưu động tại buôn B'Mlơt (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) |
Niềm vui khi được đọc sách
Một ngày chủ nhật theo các thành viên của đội thư viện lưu động về với buôn MBlơt (xã Ea Bông), chúng tôi tận mắt chứng kiến niềm vui của các em nhỏ biểu hiện rõ nét trên những khuôn mặt đen nhẻm, với những nụ cười rạng rỡ. Tất cả các em đều háo hức, thích thú với món quà mà các thủ thư lưu động mang theo. Em H’Mê Ly (lớp 6A, Trường PTDTNT Krông Ana) đã nhanh chóng tìm được cho mình những cuốn sách ưng ý, rồi cặm cụi, say sưa đọc không để ý đến những người xung quanh. Còn cậu bé Y Da Ny Byă thì bộc bạch: “Em rất vui vì được đọc sách miễn phí, đồng thời còn có thể chọn cho mình những cuốn sách yêu thích. Ấn tượng nhất đối với em là truyện tranh, món “khoái khẩu” mà trước nay em ao ước có tiền để mua”. Em nghĩ tất cả các bạn đến đây đều rất mong sẽ có nhiều lần như thế này hơn nữa, nhất định lớn lên em cũng sẽ tham gia cùng các anh chị trong đội thư viện lưu động.
Hiện nay, toàn bộ kho thư viện có hơn 400 đầu sách, trong đó gồm nhiều thể loại: truyện tranh, sách giáo khoa, sách về danh nhân và Bác Hồ…. Anh Đào Đức Hiệp, Đội trưởng Đội công tác xã hội huyện Krông Ana cho biết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu của các em, chúng tôi đã chuyển hoạt động thư viện lưu động hè thành thư viện lưu động thường kỳ (1tuần/lần) nhằm góp phần giúp trẻ em vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện được tiếp cận thêm kiến thức. Nhiều trẻ em ở buôn còn được các thành viên trong đội giúp đỡ tập đọc, tập viết. Chúng tôi, những người thủ thư lưu động sẽ duy trì việc làm này trong thời gian dài. Hy vọng ngày càng nhiều người tham gia hơn, để hoạt động này trở thành thường xuyên, liên tục đến với các bạn vùng sâu, vùng xa.
Ý kiến bạn đọc