Bao giờ người tiêu dùng mới yên tâm về chất lượng đồ chơi trẻ em? (Bài 2)
Trước thị trường đồ chơi vô cùng đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, chất liệu và nguồn gốc, người tiêu dùng dường như bối rối khi muốn lựa chọn một món đồ chơi phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi của con mình và nhất là không biết căn cứ vào đâu để nhận biết đồ chơi được bảo đảm về chất lượng và độ an toàn. Quy định về chứng nhận hợp quy đối với đồ chơi trẻ em dường như là một giải pháp có thể giải tỏa sự băn khoăn đó của các bậc phụ huynh.
Bài 2:
Chứng nhận hợp quy cho đồ chơi trẻ em: Liệu có bảo đảm trên thị trường không còn đồ chơi kém chất lượng?
Sau 6 tháng triển khai Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (ĐCTE), Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KHCN) đã có thông báo, kể từ sau ngày 15-9, những sản phẩm ĐCTE không được chứng nhận hợp quy, không có dấu hợp quy (CR) bị coi là vi phạm quy định và bị tịch thu, xử lý. Tuy nhiên, đến nay, cả người kinh doanh ĐCTE lẫn người tiêu dùng vẫn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này….
Người kinh doanh vẫn “mù mờ” với dấu hợp quy
Vấn đề an toàn cho ĐCTE đã được ngành chức năng chú ý trong nhiều năm qua. Cụ thể, từ năm 1996, Bộ KH-CN đã ban hành một quy chuẩn về danh mục các ĐCTE. Theo đó, các loại đồ chơi cho trẻ em trên 3 tuổi phải được kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý. Đến tháng 4-2006, có thêm một quy định đối với ĐCTE, trong đó đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi phải được kiểm tra các yếu tố độc hại, đặc biệt là hàm lượng kim loại nặng và góc nhọn (do trẻ em thường cho đồ chơi vào miệng hay ngậm, cắn, mút...). Đến năm 2009, việc kiểm soát chất lượng ĐCTE tiếp tục được cụ thể hóa bằng QCVN3: 2009. Theo đó, từ ngày 15-4-2010, tất cả các loại đồ chơi được sản xuất trong nước và nhập khẩu đều phải được kiểm tra các chất ô nhiễm, độ pH, dung dịch, formaldehyde trong các vật liệu bằng gỗ, vải, nhựa... và phải chứng nhận hợp quy và dán dấu hợp quy CR. Tiếp đó, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KHCN) có thông báo, từ ngày 15-9-2010, đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường không gắn dấu CR là vi phạm quy định QCVN 3:2009/BKHCN. Dấu hợp quy CR và nhãn đồ chơi trẻ em là những dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết đồ chơi đã được kiểm nghiệm và an toàn với trẻ em.
Đến nay, vẫn còn rất nhiều ĐCTE chưa được gẳn dấu CR |
Tuy nhiên, quy định là như vậy, song, trên thực tế, nhiều người kinh doanh ĐCTE vẫn rất “mù mờ” trước những quy định của ngành chức năng. Đến nay đã gần 6 tháng kể từ khi Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN của Bộ KHCN có hiệu lực, một số người bán loại mặt hàng này vẫn tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên khi có khách hỏi về loại đồ chơi có gắn dấu hợp quy CR, thậm chí có người còn nhầm với nhãn mác đồ chơi! Có chủ cửa hàng đã nhận được thông báo của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KHCN) về việc gắn dấu hợp quy nhưng vẫn chủ quan: Họ (cơ quan quản lý) chỉ làm cho có thôi. Khách hàng cũng chỉ quan tâm đến mẫu mã, giá cả sản phẩm chứ có ai hỏi về kiểm định chất lượng bao giờ đâu! Quả thật, hiện nay, dạo qua một số cửa hàng, đại lý cung cấp ĐCTE trên địa bàn tỉnh, có thể thấy chỉ có những cơ sở kinh doanh lớn như siêu thị Coop Mart, các nhà sách… là đã thực hiện nghiêm chỉnh quy định chỉ bán đồ chơi có dấu hợp quy CR. Ở những cửa hàng khác, số lượng ĐCTE có gắn dấu CR không nhiều và những đồ chơi trôi nổi bán trên vỉa hè hoặc bán dạo thì hoàn toàn không có.
Còn đó những bất cập…
Cũng vì sự chưa nhận thức đầy đủ của người kinh doanh nên trong đợt kiểm tra liên ngành giữa Thanh tra Sở KHCN, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Chi cục Quản lý Thị trường được thực hiện từ 15-9 kiểm tra về việc gắn dấu hợp quy trên ĐCTE và thiết bị điện, điện tử, đoàn thanh tra mới chỉ “nhắc nhở, tuyên truyền là chính”. Ông Lê Phùng, Phó Chánh Thanh tra Sở KHCN, cho biết: “Từ 15-9 đến nay, đoàn đã kiểm tra 4 đại lý kinh doanh, cung cấp mặt hàng ĐCTE trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột. Qua kiểm tra cho thấy: hầu hết những mặt hàng được nhập về sau ngày 15-9 đều có dấu hợp quy CR, còn những mặt hàng tồn đọng từ trước đó thì chưa có. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và yêu cầu các đại lý này chỉ được đưa ra thị trường những mặt hàng đã có dấu CR và cần nhanh chóng liên lạc với nhà sản xuất cung cấp tem CR đối với những mặt hàng còn tồn đọng”. Tuy nhiên, trong quá trình thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số bất cập, đó là số lượng hàng còn tồn của các đại lý quá nhiều, thậm chí một chủ cửa hàng còn thừa nhận chỉ có chưa đến 50% lượng hàng trong kho được dán tem hợp quy CR. Để có dấu hợp quy, người kinh doanh phải liên lạc với các nhà sản xuất và chính các nhà sản xuất này cũng đang rất vất vả đưa các mặt hàng đi kiểm nghiệm để có được giấy chứng nhận hợp quy bởi hiện nay toàn quốc mới chỉ có một vài trung tâm có đủ năng lực để thực hiện việc kiểm nghiệm này (Hiện nay có 5 tổ chức chứng nhận được chỉ định, đó là: Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1,2,3; Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT); Văn phòng Chứng nhận chất lượng (BQC). Đối với mặt hàng đồ chơi không có nguồn gốc, theo quy định của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, người kinh doanh phải chủ động thông báo với Chi cục để mang đi kiểm nghiệm. Nhưng, như chính bà Đinh Thị Thanh, Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cũng băn khoăn: Hầu hết các mặt hàng không có nguồn gốc có giá bán rất rẻ, từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng trong khi chi phí kiểm nghiệm khá cao. Liệu người kinh doanh có chịu bỏ kinh phí để đi kiểm nghiệm những mặt hàng này?
Với quy định gắn dấu hợp quy, liệu chất lượng ĐCTE có được bảo đảm? |
Từ bất cập trên, không thể loại trừ tình trạng người kinh doanh đối phó bằng cách in giả mẫu dấu hợp quy CR để gắn lên hàng hóa. Ông Lê Phùng thừa nhận: “Theo quy định, doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu ĐCTE gửi hồ sơ kiểm tra chất lượng sản phẩm trình đến các tổ chức chứng nhận được chỉ định. Nếu mặt hàng bảo đảm chất lượng sẽ được chứng nhận cấp CR và được trả về cho doanh nghiệp tự in tem CR để dán lên sản phẩm. Vì thế, mẫu tem CR hiện nay cũng rất khác nhau về màu sắc, kích cỡ, nếu chỉ bằng cảm quan thì cũng khó nhận ra được đâu là tem thật, đâu là tem giả”.
Rõ ràng, để Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN của Bộ KHCN phát huy hiệu quả trên thực tế, góp phần bảo đảm chất lượng ĐCTE trên thị trường, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng, đồng thời thường xuyên tổ chức thanh kiểm tra, nhất là đối với mặt hàng ĐCTE được bày bán trong chợ, trên vỉa hè, các cơ sở nhỏ lẻ và xử phạt nghiêm khắc những vi phạm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần có ý thức trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp, tìm hiểu và có định hướng về sản phẩm định mua như loại đồ chơi nào phù hợp với con em mình, chọn loại chất liệu nào, nhà sản xuất nào và nên chọn sản phẩm có dấu hợp quy CR…
Kim Oanh – Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc