Multimedia Đọc Báo in

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Ana:Giúp hội viên thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể

08:52, 17/10/2010
Hơn 2.000 kg gạo từ mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, 11 triệu đồng từ mô hình “Nuôi heo đất” và 941 triệu đồng được hội viên huy động vào tổ tín dụng tiết kiệm đã giúp đỡ cho hơn 1.568 hộ gia đình thoát nghèo, đó là những kết quả đáng ghi nhận từ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Ana.
Hội LHPN huyện Krông Ana, hiện có 8 tổ chức hội (của 7 xã, thị trấn) với gần 13.000 hội viên. Trong những năm qua, để Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động với nhiều nội dung nhằm khuyến khích cán bộ, hội viên tham gia như: Hội thi kể chuyện Bác Hồ; Tổ chức học tập, nghiên cứu tấm gương của Bác; gắn Cuộc vận động vào các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”; thành lập “Tổ phụ nữ chống tội phạm”…  Hội cũng đã xác định phong trào “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo” là chương trình trọng tâm. Trước kia, một số hội viên phụ nữ nghèo của huyện phải đi vay vốn bên ngoài để phát triển kinh tế, thế nhưng cái nghèo vẫn đeo bám do chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chưa phù hợp. Từ khi có phong trào phụ nữ tiết kiệm, các hội viên đã thành lập tổ hùn vốn giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế nên tình trạng nghèo khó đã giảm đáng kể. Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Sau khi được học tập tấm gương đạo đức của Bác, nhiều mô hình, sáng kiến trong tiết kiệm và nhiều phong trào đã được hội viên chủ động áp dụng. Đến nay, Huyện Hội đã giúp đỡ cho hơn 1.568 hội viên thoát nghèo ”.  Để có vốn cho các hội viên phát triển kinh tế, Hội đã đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách – Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho 3.763 hộ nghèo vay trên 30 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, Hội còn đứng ra chọn những người có uy tín, tâm huyết đi huy động vốn nhàn rỗi trong các hội viên với số tiền lên đến 941 triệu đồng cho các hộ nghèo vay. Đến nay, các tổ chức hội trên địa bàn huyện đã thành lập được 73 tổ tín dụng tiết kiệm với số tiền lên tới 505 triệu đồng. Chị Hoàng Thị Dinh (ở thôn An Na, xã Dray Sáp), một trong những hội viên được sự giúp đỡ của Hội LHPN huyện tâm sự: “Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các chị em trong Hội mà gia đình tôi được vay vốn phát để phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC. Đến nay không những cuộc sống đã ổn định mà mỗi năm gia đình tôi còn thu nhập cả trăm triệu đồng”. Chị Nguyễn Thị Tân (thôn Tân Tiến, xã Ea Na) cũng là gương sáng trong xóa đói giảm nghèo, mỗi năm chị thu về 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí từ mô hình trồng cà phê, ca cao…
Một buổi sinh hoạt của Ban chấp hành Hội Phụ nữ thôn Tân Thắng, xã Ea Na
Một buổi sinh hoạt của Ban chấp hành Hội Phụ nữ thôn Tân Thắng, xã Ea Na
Để chị em có thêm kiến thức về khoa học - kỹ thuật, Hội đã tổ chức 36 buổi hội thảo, 121 lớp khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh cho hàng ngàn lượt hội viên. Ngoài ra, Hội còn tổ chức mở 25 lớp dạy nghề giới thiệu việc làm cho 542 người đi lao động tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, trong 5 năm qua (2005-2010) hàng trăm hội viên được Hội giúp đỡ thoát nghèo bền vững. Trong hoạt động đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện nhiều cách nghĩ, cách làm hay trong chuyển đổi cây trồng vật nuôi như đa canh nhưng không độc canh, sản xuất theo hướng hàng hóa và có nhiều cán bộ đã tận tâm với công tác giảm nghèo, điển hình như thị trấn Buôn Trấp, xã Ea Bông, Ea Na, Băng Adrênh… nhiều năm liền luôn là đơn vị dẫn đầu. Trong phong trào xây dựng nhà tình thương từ năm 2005-2010 Hội đã vận động quyên góp được 115 triệu đồng xây dựng và sửa chữa 31 căn nhà cho hộ nghèo. Chị Nguyễn Thị Đượm tổ dân phố 6, thị trấn Buôn Trấp, một trong những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đất đai sản xuất ít và cằn cỗi, không có vốn để chăn nuôi nên việc phát triển kinh tế vô cùng khó khăn. Sau khi được Hội hỗ trợ xây nhà tình thương và cho vay vốn chăn nuôi heo cuộc sống gia đình đã dần ổn định. Chị tâm sự: “Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Hội đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ: “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được các hội viên quán triệt sâu sắc và đã thực sự thấm vào từng công việc. Các hội viên luôn tích cực học tập, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; cán bộ, đảng viên cũng đã thường xuyên đi cơ sở tham gia sinh hoạt với các chi, tổ hội phụ nữ để nắm bắt tư tưởng của hội viên và giúp họ giải quyết các vấn đề bức xúc trong cuộc sống, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình, làm thêm được nhiều việc tốt cũng chính là học và làm theo Bác. Hiện nay các mô hình “Hũ gạo tình thương” và “Nuôi heo đất” của Hội đã tiết kiệm được hơn 2 tấn gạo, 11 triệu đồng để dành hỗ trợ các gia đình khó khăn”.
Tuấn Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.