Những vấn đề đặt ra trong cuộc tổng điều tra, khảo sát hộ nghèo giai đoạn 2011-2015
Chuẩn nghèo mới: Dự đoán tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ tăng lên gần gấp ba lần?
Thực hiện Chỉ thị số 1752 ngày 21-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011 – 2015, ngày 7-10, UBND tỉnh đã có Kế hoạch tổng điều tra hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Chuẩn nghèo mới cao gấp đôi so với chuẩn nghèo cũ
Nhằm xác định chính xác đầy đủ hộ nghèo, tỷ lệ nghèo ở từng địa phương và trên cả nước, làm căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội, ngày 21-9-2010 Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 1752 yêu cầu tiến hành tổng điều tra hộ nghèo trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, ở tỉnh ta, việc tổng điều tra sẽ thực hiện ở toàn bộ dân cư trên địa bàn từ ngày 15-10 đến 30-11-2010.
Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, các hộ nghèo được xác định dựa trên tiêu chí mức chuẩn nghèo và cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015: khu vực nông thôn, những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo; khu vực thành thị, những hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo. Mức chuẩn cận nghèo áp dụng giai đoạn 2011 – 2015 được tính: khu vực nông thôn, những hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đến 520.000 đồng/người/tháng và ở khu vực thành thị những hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đến 650.000 đồng/người/tháng là hộ cận nghèo. Việc xác định chính xác, đầy đủ hộ nghèo, tỷ lệ nghèo ở từng địa phương và trên cả nước là căn cứ quan trọng cho việc xây dựng, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước trong giai đoạn tới .
Thời gian qua, do công tác tổ chức điều tra rà soát và quản lý hộ nghèo ở một số địa phương, cơ sở chưa thật chặt chẽ, nên vẫn còn để sót không ít hộ nghèo và có những hộ không thuộc diện nghèo lại có tên trong danh sách của thôn, xã..., do vậy đã phần nào làm hạn chế hiệu quả thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo. Thủ tướng yêu cầu việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được thực hiện từ thôn, buôn, trực tiếp đối với từng hộ, bảo đảm công khai, dân chủ, có sự tham gia của các cấp, các ngành và của người dân, theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm xác định đúng đối tượng, không bị trùng lặp, sót, phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân địa phương. Kết thúc cuộc tổng điều tra, từng thôn, buôn, xã phải xác định được chính xác số hộ nghèo, hộ cận nghèo lập một danh sách duy nhất về hộ nghèo, hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý. Từng huyện, tỉnh, thành phố xác định được tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương mình, đồng thời báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung hộ nghèo, hộ cận nghèo của cả nước làm căn cứ xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn 2011 – 2015.
Cán bộ xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) điều tra hộ nghèo. |
Phương pháp điều tra mới- những vấn đề đặt ra
Ngày 07-10, UBND tỉnh đã có bản Kế hoạch số 5259 về việc: Tổng điều tra hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Sở LĐTB&XH đã tiến hành tập huấn nghiệp vụ điều tra hộ nghèo cho 400 cán bộ các huyện, xã vào ngày 09-10. Hiện các huyện đang tiến hành tập huấn cho các điều tra viên ở từng thôn, buôn. Ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Cư M’gar cho biết: Thời gian điều tra, khảo sát hộ nghèo thực chất chỉ trong vòng một tháng, nhưng khối lượng công việc rất lớn, tạo một áp lực không nhỏ đối với cán bộ điều tra ở cơ sở. Khác với những lần trước đây, lần này ngoài điều tra thêm theo tiêu chí đối với hộ cận nghèo còn phải xác minh hộ nghèo dựa vào điều tra theo tiêu chí tài sản hiện có. Với 4 nhóm tài sản như: tài sản cố định, bất động sản, tài sản phục vụ tiêu dùng, tài sản phục vụ sản xuất cùng các thang điểm khác nhau ứng với khung giá trị của các nhóm. Cán bộ điều tra dựa vào số điểm khảo sát nhanh về tài sản (hộ nào có số điểm từ 46 điểm trở lên đối với nông thôn và 62 điểm trở lên ở khu vực thành thị) thì sẽ loại khỏi danh sách hộ nghèo và không điều tra tiếp về thu nhập. Những hộ có số điểm khảo sát tài sản thấp hơn mức quy định thì sẽ tiếp tục điều tra thu nhập của từng hộ, khẩu… Ông Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Sô (huyện Ea Kar) cũng trình bày một số khó khăn ở cơ sở sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện điều tra hộ nghèo như: Đợt điều tra, khảo sát hộ nghèo năm nay đòi hỏi lực lượng điều tra viên phải thật sự chuyên tâm vào công việc, nắm bắt vững nghiệp vụ điều tra và hướng dẫn, sử dụng thành thục 15 biểu mẫu (trong đó có 13 bảng tổng hợp và 3 phiếu điều tra), thực hiện chi tiết với nhiều công đoạn, nhiều tiêu chí đánh giá. Trong khi đó, trình độ của cán bộ thôn, buôn- những điều tra viên không đồng đều, còn nhiều hạn chế. Đợt điều tra lại diễn ra vào mùa mưa nên với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông còn khó khăn cũng là trở ngại lớn đối với công tác điều tra. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm vào mùa thu hoạch cà phê, mía, hoa màu nên người dân sẽ bận rộn nhiều công việc và ảnh hưởng đến tiến độ khảo sát, điều tra…Tuy nhiên đa số cán bộ cơ sở đều nhận xét rằng: Phương án khảo sát, điều tra hộ nghèo mới có cơ sở khoa học, nhiều nét mới so với trước đây, kết hợp được cả 3 phương pháp điều tra cả về định tính (khảo sát tài sản); định lượng (điều tra thu nhập) và thẩm định (đưa ra bình xét tại khu dân cư). Như vậy sẽ bảo đảm được độ chính xác, độ khả thi cao, hạn chế được tình trạng bỏ sót, sai đối tượng…
Ông Lê Văn Dần, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH) nhấn mạnh: Công tác điều tra, khảo sát hộ nghèo theo chuẩn mới là hết sức quan trọng, đây sẽ là cơ sở để làm căn cứ xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh nhà trong 5 năm tiếp theo. Chính vì vậy để công tác điều tra hộ nghèo thực sự có hiệu quả cần có sự ủng hộ người dân, đặc biệt là các hộ trong diện điều tra khảo sát. Họ cần phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác điều tra để hợp tác thực hiện, cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác thông tin cho điều tra viên. Đồng thời lực lượng điều tra viên cũng phải công khai, minh bạch, ghi đầy đủ các thông tin, tránh tình trạng vì quan hệ cá nhân với đối tượng mà làm sai hoặc cố tình bỏ sót…
Cũng theo ông Lê Văn Dần thì trong giai đoạn 2006- 2010, tỉnh ta đã có những chính sách xóa đói giảm nghèo mang lại hiệu quả cao. Theo kết quả điều tra hộ nghèo cuối năm 2005, toàn tỉnh có hơn 91.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27,55% dân số trong tỉnh và dự tính đến hết năm 2010 số hộ nghèo theo chuẩn cũ chỉ còn 38.000 hộ (giảm xuống còn 9,5%). Nhưng với mức chuẩn nghèo hiện nay (được nâng lên cao gấp đôi so với chuẩn cũ) thì dự kiến toàn tỉnh sẽ có từ 90.000 đến 100.000 hộ nghèo (nghĩa là chiếm tỷ lệ khoảng từ 23 đến 26%) và có từ 30.000 đến 40.000 hộ cận nghèo. Như vậy ước tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ tăng gần gấp 3 lần. Tuy nhiên đó mới chỉ là con số dự đoán, còn kết quả điều tra mới là căn cứ xác thực quan trọng để tỉnh xây dựng chiến lược xoá đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc