Multimedia Đọc Báo in

Sức sống từ xã hội hóa giáo dục, y tế

10:29, 04/10/2010

Người dân trên địa bàn tỉnh ta ngày càng có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn, thụ hưởng các dịch vụ chất lượng cao từ chủ trương xã hội hóa giáo dục, y tế. Thực tiễn cho thấy, chủ trương này không chỉ  tạo sự cạnh tranh lành mạnh mà còn buộc các cơ sở giáo dục, y tế phải đưa ra những dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người dân.

Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên: Góp phần đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao
Chỉ mới thành lập chưa đầy 4 năm nhưng Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên là địa chỉ lựa chọn của nhiều học sinh khi quyết định học nghề bởi mối quan hệ “thầy ân cần, tận tâm - trò chăm ngoan, nỗ lực”, môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Điều đặc biệt học sinh Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên  không chỉ được đào tạo nghề mà còn được rèn luyện kỹ năng thích ứng với những thay đổi sau khi tốt nghiệp (nếu không tìm kiếm được việc ổn định ở những cơ quan, doanh nghiệp vẫn có thể tự mở tiệm để làm). Để thực hiện tốt mục tiêu trên, ngoài đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất khang trang (gồm 2 dãy nhà dạy học, các phòng thực hành bộ môn: điện dân dụng, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, căn tin), trong năm 2011, tiếp tục đầu tư xây dựng nhà thực hành chuyên biệt, ký túc xá), nhà trường chú trọng tuyển chọn đội ngũ quản lý, giáo viên có năng lực, trình độ, giàu kinh nghiệm để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, việc mời tiến sĩ Nguyễn Chiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 (TP. Hồ Chí Minh) làm hiệu trưởng đã tạo “điểm nhấn” công tác quản lý, nhà trường còn xây dựng chương trình đào tạo theo quy chế mới giúp học sinh tiếp cận kiến thức theo hệ thống, trong đó chú trọng kỹ năng thực hành thông qua việc liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp. Học sinh ra trường nhờ đó cũng dễ dàng tìm kiếm việc làm.

Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên được đầu tư xây dựng kkhang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên được đầu tư xây dựng kkhang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Không dừng lại ở những chuyên ngành đào tạo hệ trung cấp, nhà trường còn liên kết với một số trường đại học uy tín như: Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng… đào tạo các hệ liên thông, từ xa, tại chức giúp người học có thêm cơ hội học cao hơn. Tiến sĩ Nguyễn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, với 8 trường trung cấp chuyên nghiệp tập trung trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (5 trường công lập, 3 trường dân lập) là áp lực cạnh tranh rất lớn trong vấn đề tuyển sinh. Tuy nhiên, với mục tiêu đào tạo nghiêm túc, học phí thấp, đầu ra tương đối ổn định, Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên đã tạo được uy tín đối với phụ huynh và học sinh. Năm 2009, trường tuyển sinh đạt 100% chỉ tiêu (600 học sinh) và đến thời điểm này đã có 400 học sinh nộp hồ sơ trên tổng số 600 chỉ tiêu của năm 2010. Điều vui mừng, những học sinh đã nộp hồ sơ đều gắn bó với trường (tỷ lệ học sinh theo học luôn ổn định ở mức 94%). Số lượng học sinh ra trường tìm kiếm được việc làm khá cao. Lớp điện dân dụng, kế toán năm 2009 có 56 em tốt nghiệp, thì đến cuối tháng 3-2010  đã có 50 em có việc làm ổn định.

Trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Cư Amung, huyện Ea H’leo): Bố trí nhà công vụ cho giáo viên và học sinh khó khăn
Là trường THCS mới được thành lập của xã vùng 2 Cư Amung, huyện Ea H’leo, trường được đầu tư xây dựng trên khuôn viên rộng gần 1 ha, gồm hai dãy nhà hai tầng với 16 phòng học khang trang. Cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học tương đối hiện đại và đầy đủ. Trường cũng xây dựng 2 dãy nhà công vụ với 12 phòng rộng rãi để bố trí cho giáo viên ở những tỉnh xa đang công tác tại trường gặp khó khăn về nhà ở. Cô Hoàng Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết, trước khi có nhà công vụ, hầu hết giáo viên của trường đều phải thuê nhà ở trọ bên ngoài hoặc ở nhờ nhà dân, nhưng cũng rất khó để có thể thuê được nhà, 3 – 4 giáo viên phải ở chung một phòng trọ chưa đầy 15 m2, mọi sinh hoạt rất bất tiện. Khi nhà công vụ được đưa vào sử dụng, phần nào đã tháo gỡ bớt khó khăn cho một bộ phận giáo viên. Giáo viên bây giờ đã yên tâm công tác, có nhiều thời gian hơn để tập trung vào chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhiều thầy cô trong trường khi lập gia đình, Ban giám hiệu nhà trường cũng tạo điều kiện bố trí nhà ở theo hộ gia đình. Học sinh của trường hơn 90% là con em dân tộc thiểu số, nhiều em ở những thôn, buôn cách xa trường cả chục cây số. Nhà trường đã dành 3/12 phòng nhà công vụ để bố trí chỗ ở cho các em là học sinh vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn. Không chỉ làm tốt công tác ổn định chỗ ở cho giáo viên, học sinh, nâng cao công tác chuyên môn, nhà trường còn chú trọng đến công tác tư tưởng, thường xuyên cho giáo viên chủ nhiệm về gia đình từng học sinh để nắm tình hình, vận động phụ huynh học sinh không bắt các em ở nhà làm rẫy; bỏ tiền sửa chữa xe đạp bị hỏng cho học sinh để các em có phương tiện đi học, không lấy lý do xe hư để nghỉ học ở nhà. Trường còn phát động phong trào nuôi heo đất vì vòng tay bè bạn, số tiền đóng góp được dùng để mua vở học sinh, áo, cặp tặng những học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, động viên các em vươn lên trong học tập.

Nhà công vụ cho giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Cư Amung, huyện Ea H'leo).
Nhà công vụ cho giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Cư Amung, huyện Ea H'leo).

Xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột):  Khi vai trò của già làng được phát huy
Nhìn 2 cơ sở trường học khang trang của Trường Tiểu học Ngô Mây (TP. Buôn Ma Thuột) không ai nghĩ rằng trước đây nó là những phòng học tạm bợ, dột nát, hàng rào gãy đổ, lớp học thưa thớt học sinh… có được thành quả như ngày hôm nay không chỉ là công sức của tập thể cán bộ, công nhân viên nhà trường mà còn là sự đóng góp của những con người tâm huyết với công tác khuyến học. Là ngôi trường đặc thù, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức của phụ huynh còn nhiều hạn chế nên ít quan tâm đến việc học của con cái khiến chúng thường bỏ học giữa chừng. Vì thế để duy trì được sĩ số học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đã phát huy vai trò, uy tín của già làng để vận động con em đồng bào đến trường. Già làng Y-Yơh Kbuôr (thường gọi là Ama Sang) năm nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn dành mọi tâm huyết cho sự học của con trẻ trong buôn. Già đã khéo léo lồng ghép những nội dung tuyên truyền về việc học của con em vào các buổi họp dân, nói chuyện. Chia sẻ với chúng tôi già nói: “Mình phải biết tận dụng “mọi lúc mọi nơi” để tuyên truyền, tư vấn cho bà con cách động viên con em đi học đầy đủ và đóng góp những gì có thể để xây dựng trường, lớp khang trang hơn”. Hiện, trong buôn trẻ em  đến tuổi đi học đều được đến trường, không còn hiện tượng học sinh bỏ học giữa chừng. Sự tận tâm của già làng đã “gieo” vào tâm trí mỗi người dân ý thức và trách nhiệm đối với việc học tập của con em mình và sự nghiệp phát triển giáo dục của xã.
Già làng Y - Yơh Kbuôr đang vận động bà con trong buôn xây dựng trường lớp.
Già làng Y - Yơh Kbuôr đang vận động bà con trong buôn xây dựng trường lớp.

Phòng khám Đa khoa Vạn An: Sự lựa chọn của nhiều bệnh nhân
Phòng khám Đa khoa Vạn An (TP. Buôn Ma Thuột) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6 - 2007. Với 56 nhân sự, trong đó có 18 bác sĩ, (14 bác sĩ dành toàn bộ thời gian cho phòng khám, 4 bác sĩ làm việc bán thời gian) Vạn An chuyên khám chữa bệnh ở 3 chuyên khoa: nội tổng quát, sản phụ khoa và ung bướu. Để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, Phòng khám đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tân tiến như: chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú, chọc hút tế bào khối u… để chẩn đoán chính xác, từ đó có những can thiệp y khoa sớm. Bác sĩ  Phạm Văn Nguyễn Tuấn, Giám đốc phòng khám chia sẻ, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không chỉ có Vạn An mới thực hiện được những kỹ thuật trên, nhưng nhờ có sự liên kết với các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh: Từ Dũ, Đại học Y Dược, Trung tâm chẩn đoán y khoa Hòa Hảo… đặc biệt sự hỗ trợ đắc lực của những bác sĩ đầu ngành từ các bệnh viện này nên cơ sở đã tạo được uy tín lớn đối với bệnh nhân. Sự có mặt của Vạn An ở Buôn Ma Thuột đã giúp bệnh nhân giảm thời gian đi lại, chi phí khám chữa bệnh. Không dừng lại ở chẩn đoán, trong quá điều trị, đơn vị còn giúp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có những thông tin liên quan, những hiểu biết tốt hơn để tự chăm sóc sức khỏe. Với ưu điểm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện và giá cả các loại dịch vụ hợp lý, Vạn An đã thu hút được khá nhiều bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân đông, đồng nghĩa với niềm tin dành cho phòng khám càng cao. Đây chính là động lực để tập thể y, bác sĩ Phòng khám Đa khoa Vạn An không ngừng đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn.
Bác sĩ Phòng khám Đa khoa Vạn An đang thực hiện kỹ thuật siêu âm 4 chiều.
Bác sĩ Phòng khám Đa khoa Vạn An đang thực hiện kỹ thuật siêu âm 4 chiều.

Phòng khám Đa khoa Medic Đất Việt: Hướng đến chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho người dân
Được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2007 nhưng Medic Đất Việt đã sớm khẳng định được tên tuổi, trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều người dân khi đến đây khám, chữa bệnh. Bác sĩ Đào Quốc Toàn, Giám đốc điều hành của phòng khám cho biết, khi Medic Đất Việt đi vào hoạt động đã nhận thấy rằng, ngành Y tế Dak Lak các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân là rất nhiều, nhưng hầu như chưa chú trọng đi vào chiều sâu, đầu tư về khoa học kỹ thuật, máy móc công nghệ cao. Medic Đất Việt xác định lấy khoa học - kỹ thuật làm đầu, tập trung đầu tư trang thiết bị, đào tạo đội ngũ bác sĩ, chuyên viên có trình độ cao vào làm việc tại phòng khám. Để có đội ngũ bác sĩ giỏi, phòng khám liên kết với các trường đại học y khoa trên toàn quốc, tuyển dụng những sinh viên đã tốt nghiệp có bằng từ khá, giỏi trở lên, trải qua nhiều vòng phỏng vấn gắt gao, thử việc, khi thấy hội đủ các điều kiện về y đức, chuyên môn thì ký hợp đồng lao động và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, bảo đảm đời sống cho nhân viên, bác sĩ để họ chuyên tâm công tác, không làm thêm giờ ở những phòng khám khác. Medic Đất Việt đang hướng đến điều trị chuyên sâu, các bác sĩ hầu hết làm việc theo chuyên khoa. Hiện tại phòng khám có 15 bác sĩ chuyện khoa làm việc 100% thời gian. Số bệnh đến với phòng khám ngày một đông, trung bình một ngày đón từ 200 – 300 lượt người đến khám chữa bệnh. Để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, Medic Đất Việt liên kết với những trung tâm y tế lớn trong nước như: Medic Hòa Hảo (TP. Hồ Chí Minh); Bionet (Hà Nội) chuyên về xét nghiệm gien, sinh học phân tử, khi có những xét nghiệm bệnh phẩm vượt khả năng thì gửi cho các trung tâm này xét nghiệm, sau đó nhận kết quả trực tiếp qua mạng, góp phần giảm bớt một phần tiền đi lại cho người bệnh. Không dừng lại ở quy mô phòng khám, Medic Đất Việt đang lập dự án xây dựng Bệnh viên Quốc tế Đất Việt đạt tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở hạ tầng, phát triển theo hướng hợp tác quốc tế về y tế với một số bệnh viện nước ngoài nổi tiếng, mời các bác sĩ giỏi sang để trao đổi, giúp đỡ về chuyên môn, dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2011. “Hiện nay, Medic Đất Việt đang chủ trương xin được tham gia khám BHYT cho bệnh nhân có thẻ BHYT nhằm gánh bớt một phần gánh nặng cho y tế nhà nước, mặt khác tạo điều kiện để người dân có thêm cơ hội lựa chọn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao”, bác sỹ Đào Quốc Toàn cho biết.
Các bác sĩ tại Medic Đất Việt đang thực hiện ca tiểu phẫu.
Các bác sĩ tại Medic Đất Việt đang thực hiện ca tiểu phẫu.

Trung tâm Y học cổ truyền Hoàn Hảo: Kết hợp hài hòa giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại
Từ đầu năm 2010, bên cạnh những cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tây y, người dân trên địa bàn thành phố lại có thêm một địa chỉ tin cậy để KCB đông y, đó là Trung tâm Y học cổ truyền Hoàn Hảo thành lập và đi vào hoạt động, với một cơ ngơi khang trang được đầu tư, trang bị máy móc thiết bị hiện đại. Hiện nay, trung tâm có 3 khoa: chẩn trị, phục hồi và thừa kế ứng dụng với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên gồm 10 người được đào tạo bài bản, chính quy. Là Trung tâm điều trị đông y đầu tiên tại Dak Lak nên phương châm hoạt động của Trung tâm là luôn chú trọng kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và hiện đại vào điều trị và KCB. Chính vì thế, việc trang bị máy móc hiện đại như: vật lý trị liệu, kéo dãn cột sống, điện xung, máy siêu âm… hỗ trợ cho việc điều trị luôn được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người bệnh. Lương y Trần Đông Hải, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trước đây, do quan niệm còn khá mơ hồ và chưa thực sự tin tưởng của người dân về KCB đông y nên số lượng bệnh nhân còn ít. Nhưng hiện nay với sự kết hợp của các thiết bị hỗ trợ hiện đại đã kéo người bệnh đến với phương pháp điều trị đông y ngày càng nhiều”. Không chỉ KCB, trung tâm còn chú trọng tư vấn và hướng dẫn để bệnh nhân tự phòng ngừa và điều trị những bệnh đơn giản như thoái hóa cột sống, xương cốt. Trong lộ trình phát triển bền vững, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị hiện đại trung tâm còn quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ bằng cách mời chuyên gia đầu ngành về tập huấn cho đội ngũ bác sĩ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và ứng dụng hiệu quả các thiết bị hiện đại. Trung tâm đi vào hoạt động không chỉ hiện thực hóa các lý luận về y học cổ truyền mà còn đưa đến một phương thức KCB mới gần gũi hơn với người dân.
Lương y Trần Đông Hải, Giám đốc Trung tâm Y học cổ truyền Hoàn Hảo đang khám chữa bệnh cho bệnh nhân bằng đèn hồng ngoại.
Lương y Trần Đông Hải, Giám đốc Trung tâm Y học cổ truyền Hoàn Hảo đang khám chữa bệnh cho bệnh nhân bằng đèn hồng ngoại.

Nguyên Hoa – Tô Ngọc – Văn Lệ

 


Ý kiến bạn đọc