Multimedia Đọc Báo in

Xã Phú Xuân (Krông Năng):Điểm sáng trong phòng trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở thôn buôn

09:08, 17/10/2010
Có 26/32 thôn đạt danh hiệu thôn Văn hóa, 81,7% số hộ đạt gia đình Văn hóa các cấp, 32/32 thôn có Nhà văn hóa cộng đồng… Đó là những con số ấn tượng của xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, buôn”.
Chỉ cho chúng tôi thấy hệ thống đèn chiếu sáng dọc các con đường liên thôn, xóm, ông Lê Viết Sơn, Trưởng thôn Xuân Hòa hồ hởi cho biết: Đây là kết quả hợp nhất của “ý Đảng, lòng dân” thông qua phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Với mong muốn xây dựng thôn, xóm văn minh, hiện đại nên người dân đã cùng nhau đóng góp trang bị cho các con đường đi qua thôn hệ thống đèn chiếu sáng và giao cho xóm quản lý. Đến nay, 70% các con đường trong thôn có đèn chiếu sáng, hiện thôn đang tiến hành làm nốt những phần đường còn lại. Tuy nhiên, điều vui mừng nhất là cả thôn chỉ còn 3 hộ nghèo, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường; 100% hộ có phương tiện nghe nhìn…Điều này cho thấy đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã được nâng cao so với trước.
Nhà Văn hóa cộng đồng của xã đang được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn
Nhà Văn hóa cộng đồng của xã đang được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn
Có thể thấy, không chỉ riêng thôn Xuân Hòa mà hầu hết trong 32 thôn trên địa bàn xã, các thiết chế văn hóa được xây dựng đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao. Thôn nào cũng có Nhà Văn hóa cộng đồng, đội văn nghệ, sân chơi thể thao… Nhờ đó, người dân có điều kiện tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, văn nghệ và giành kết quả đáng khích lệ qua các hội thi như: phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà; phụ nữ giúp nhau làm kinh tế; hội thi dân vận khéo; thôn nữ giỏi giang, duyên dáng… Hoạt động thể dục, thể thao cũng  tạo được phong trào tập luyện sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn xã. Theo đó, đời sống sinh hoạt văn hóa trong các tầng lớp nhân dân có nhiều khởi sắc, các phong trào sinh hoạt văn hóa có sức lan tỏa trong cộng đồng, nổi bật là các hoạt động về nguồn; đền ơn đáp nghĩa; mừng Đảng, mừng xuân; giao lưu kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, trường học với các thôn, buôn… được nhân dân hưởng ứng sôi nổi.  Nét nổi bật ở Phú Xuân là mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được chính quyền tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nên khi tổ chức thực hiệncác phong trào thường đạt kết quả cao. Đặc biệt với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã đóng góp sức người, sức của chăm lo xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình phục vụ dân sinh. 10 năm qua, nhân dân Phú Xuân đã tự nguyện đóng góp trên 2 tỷ đồng để xây dựng 32 nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi thể thao, chưa kể những hoạt động giúp nhau làm kinh tế, trang bị đèn chiếu sáng đường giao thông trong thôn. Ngoài ra, các thôn luôn chấp hành tốt hương ước về xây dựng nếp sống văn hóa, khối đại đoàn kết dân tộc, không kỳ thị, chia rẽ, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, cùng nhau chia sẻ khó khăn với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Phong trào không chỉ được đẩy mạnh ở hoạt động văn hóa mà còn lan tỏa đến đời sống lao động sản xuất của nhân dân. Ngay ở thôn Xuân Hòa, không khí thi đua sản xuất được phát huy ở từng hộ, biểu hiện rõ nét là các hộ đều thực hiện không hái cà phê xanh; liên kết chống nạn trộm cắp cà phê; các mô hình về giống cây, con mới hoặc mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đều được bà con ứng dụng tốt vào sản xuất… Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã bỏ dần thế độc canh, từng bước chuyển đổi sang mô hình phát triển kinh tế trang trại, cải tạo vườn tạp cho kết quả tích cực, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi phù hợp. Nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống, các dịch vụ thương mại, buôn bán nhỏ, tạo được khá nhiều việc làm tại chỗ cho người dân địa phương. Hiện, toàn xã không còn hộ đói, số hộ nghèo chỉ còn 3,8% (85 hộ), trên 90% gia đình có xe máy, phương tiện nghe nhìn, giải trí; có 26/32 thôn đạt danh hiệu thôn Văn hóa; 2.914 hộ đạt gia đình Văn hóa các cấp, chiếm 81,7% tổng số hộ, trong đó có 180 hộ 5 năm liền được công nhận gia đình Văn hóa. Tự hào về điều này, ông Trần Văn Huy, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, kết quả trên chính là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố, thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc.
Thuận Nguyễn

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.