Multimedia Đọc Báo in

Chuyện ghi ở buôn “siêu đẻ”

10:21, 03/11/2010

Buôn Tơng Liă (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) chỉ có 224 hộ nhưng có đến 1.730 khẩu, đa số là đồng bào dân tộc Êđê. Số phụ nữ đã có chồng 239 người nhưng khoảng 70% trong số đó sinh từ con thứ 3 trở lên…

Không có con gái thì không có người nối họ
Hỏi thăm mãi cuối cùng chúng tôi cũng đến được buôn Tơng Liă, dọc hai bên đường nhìn đâu cũng thấy trẻ con. Ở bậc cửa những căn nhà sàn truyền thống, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người mẹ địu con sau lưng và vài ba đứa khác chơi xung quanh. Chị H’Chứt Niê, cộng tác viên dân số của buôn cho biết, làm công tác tuyên truyền thực hiện sinh đẻ có kế hoạch ở buôn rất khó khăn, đa số phụ nữ trong buôn đều kết hôn sớm và đẻ nhiều, đẻ dày. Những nhà sinh đứa thứ 5, thứ 6 rồi chị đến vận động liên tục, họ tỏ ra không thích và còn nói những lời khó nghe như “Tao đẻ tao nuôi có bắt mày nuôi đâu”, “Trời cho tao đẻ thì cứ đẻ lúc nào hết trứng mới thôi”, “Có nhiều con là nhiều của”… Vì vậy, chuyện mỗi gia đình ở buôn có từ 5 đến 10 đứa con không phải là hiếm. Chị H’Bluôn Niê năm nay 37 tuổi nhưng có đến 6 đứa con, lớn nhất 16 tuổi, nhỏ nhất mới 2 tháng. Đứa nào học nhiều nhất cũng chỉ hết lớp 7, còn lại mới lớp 2, lớp 3 là nghỉ học hết. Gia đình chị cũng có 7 sào cà phê nhưng do không có tiền đầu tư chăm sóc nên mỗi năm chỉ thu được khoảng 1 tấn, trừ tiền phân bón, công tưới còn lại chẳng đáng là bao. Do vậy, Chị H’Bluôn chỉ ở nhà nuôi con, việc lo cái ăn cho cả 8 người trong gia đình trông chờ vào mỗi anh Y Druôih Niê (chồng chị) nên hai đứa đầu cũng phải đi bẻ bắp, hái cà phê thuê kiếm thêm tiền mua gạo. Hỏi về chuyện sinh đẻ, chị H’Bluôn cười: “Tuy mình có 6 đứa con, nhưng 5 đứa đầu đều là con trai, lớn lên nó đi lấy vợ thì thành người nhà họ. Vợ chồng mình phải ráng đẻ cho được đứa con gái vì con gái mới là con mình, sau này mình già nó nuôi mình mà. Giờ sinh được con gái rồi nên chắc dừng lại thôi vì đẻ nhiều người yếu lắm lại không lo đủ cái ăn, cái mặc cho chúng nó”. Không chỉ đẻ nhiều, đẻ dày, mà trước đây ở buôn Tơng Liă còn có cả tình trạng tảo hôn. Nói đến trường hợp của chị H’Tik Adrơng thì hầu như mọi người trong buôn đều biết. Năm 15 tuổi, H’Tik lấy chồng và giờ mới gần 40 tuổi, chị đã có 10 đứa con (6 gái, 4 trai). Đứa lớn nhất đã đi làm, đứa nhỏ nhất gần 1 tuổi. Chị H’Tik cho biết: “Cả dòng họ chỉ có mỗi mình là con gái nên phải đẻ nhiều để có đông anh em. Nhiều con gái sẽ có nhiều người mang họ mình nếu không thì mất họ. Mặc dù đẻ nhiều cũng khổ nhưng cũng phải cố thôi”. Cũng giống như những gia đình đông con khác ở buôn Tơng Liă, vợ chồng chị H'Dlưc Niê quanh năm lam lũ, vất vả, nhưng ngôi nhà của chị vẫn ọp ẹp và chật chội bởi ngoài 5 đứa con nheo nhóc, chị phải nuôi cả mẹ già hơn 80 tuổi. Trong nhà không có một vật dụng gì đáng giá ngoài cái bồ đựng lúa. Chị H'Dlưc Niê lập gia đình từ khi 17 tuổi và cứ cách 1 năm chị lại có thêm 1 đứa con. Hiện nay 2 đứa con đầu của chị phải nghỉ học để làm nương rẫy kiếm cái ăn, cái mặc. Chị H’Dlưc bày tỏ, sinh nhiều con nếu có mất đứa này thì còn đứa khác. Nhưng đông con cuộc sống khó khăn lắm, ăn còn không đủ lại ít đất sản xuất nữa nên không lo nổi cho chúng học.

Cộng tác viên dân số trong buôn Tơng Liă (xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) thăm hỏi gia đình chị H'Chứt Niê.
Cộng tác viên dân số trong buôn Tơng Liă (xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) thăm hỏi gia đình chị H'Chứt Niê.

Giảm tỷ lệ sinh - cần sự vào cuộc quyết liệt hơn
Theo ông Y Bly Kbuôr, Trưởng buôn Tơng Liă thì vấn đề nổi cộm nhất của buôn là việc gia tăng dân số đến chóng mặt. Bình quân mỗi gia đình có 7 khẩu, trong khi đó ruộng, rẫy lại có hạn nên cứ mãi nghèo đói. Số nhà xây trong buôn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trường hợp học hết cấp III đã hiếm nói gì đến cao đẳng, đại học. Năm 2009, toàn buôn có 50 hộ nghèo nhưng khảo sát theo tiêu chí mới, năm 2010 này, số hộ nghèo đã tăng lên gần 70 hộ. Xác định đông con là nguyên nhân chính của nghèo đói và thất học nên trong các cuộc họp buôn, Ban tự quản luôn nhắc nhở, đề cập đến vấn đề này. Bên cạnh đó, các đoàn thể cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Ngoài sự quan tâm của Ban dân số xã, buôn Tơng Lia còn được tăng cường 2 cộng tác viên dân số người bản địa, mỗi người phụ trách khoảng 100 hộ nhằm theo dõi sát sao những biến động về dân số, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động tận hộ gia đình nên nhận thức của bà con đã được nâng lên. Riêng năm 2010, buôn Tơng Liă có 21 trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Những người trước đây có quan niệm “sinh hết trứng mới thôi” đã hiểu ra và chấp nhận sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Rút kinh nghiệm từ bố mẹ mình, các cặp vợ chồng trẻ hiện nay đã biết dừng lại ở 2 con. Mặc dù vậy, về lâu dài để buôn Tơng Liă có thể phát triển, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện Pháp lệnh dân số. Có như vậy thì cuộc sống của người dân trong buôn mới bớt đói nghèo.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc