Để Luật Người cao tuổi sớm đi vào cuộc sống
14:30, 11/11/2010
Luật Người cao tuổi được thực thi với nhiều điều khoản quy định chế độ ưu đãi cả về vật chất lẫn tinh thần là nguồn động viên khích lệ lớn đã tạo nên niềm vui, phấn khởi đối với người già. Từ ngày 1-1-2011, dự kiến tỉnh ta sẽ có thêm khoảng 5.000 cụ trên 80 tuổi được hưởng chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng. Tuy nhiên để Luật Người cao tuổi sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm mọi người cao tuổi đều được hưởng chế độ ưu đãi kịp thời, công bằng, đúng luật đang là vấn đề cần quan tâm.
Luật Người cao tuổi với nhiều chính sách ưu đãi
Từ 1-7-2010 Luật Người cao tuổi có hiệu lực đã thể hiện rất rõ nét tính ưu việt cũng như truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên (được gọi là người cao tuổi) sẽ được bảo đảm các nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe; được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao, giải trí và nghỉ ngơi; miễn các khoản đóng góp xã hội; được phụng dưỡng, kính trọng và giúp đỡ... Cụ thể, người cao tuổi sẽ được giảm 15% giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt, xe khách chạy theo tuyến, tàu thủy, tàu hỏa, máy bay chở khách; được giảm 20% giá vé, phí dịch vụ khi trực tiếp hưởng thụ các hoạt động văn hóa, thể thao tại các cơ sở văn hóa, thể thao có bán vé hoặc thu phí dịch vụ. Đối với trường hợp Người cao tuổi được trợ cấp nuôi dưỡng 360.000 đồng/người/tháng, tại Điều 17 Luật Người cao tuổi đã quy định rõ những đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội bao gồm: Một là, người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng. Hai là, người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp tại Khoản 1 mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng. Trường hợp người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, có nguyện vọng và được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội thì được hưởng các chế độ gồm: Trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng; cấp tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày; được hưởng bảo hiểm y tế; cấp thuốc chữa bệnh thông thường; cấp dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng và mai táng khi chết. Dự kiến, mức trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng là 360.000 đồng/người/tháng… Ngoài ra, người cao tuổi sẽ được chăm sóc sức khỏe thông qua việc định kỳ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, đặc biệt ưu tiên cho người đủ 80 tuổi trở lên. Các bệnh viện sẽ thành lập các khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh cao tuổi. Người cao tuổi được chăm sóc đầy đủ hơn về đời sống tinh thần trong hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, hưởng phúc lợi từ các công trình công cộng và giao thông công cộng do Nhà nước và xã hội đầu tư. Chính phủ sẽ ban hành danh mục dịch vụ mà người cao tuổi sử dụng với mức miễn, giảm nhất định. Việc tổ chức mừng thọ, chúc thọ cũng được Luật quy định cụ thể. Theo đó, người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà; người thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà. UBND xã, phường, thị trấn và Hội NCT tổ chức mừng thọ cho người ở độ tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 trở lên vào các ngày lễ của NCT hoặc Tết Nguyên đán…
Để Luật Người cao tuổi sớm được thực thi
Theo số liệu thống kê năm 2009, tỉnh ta có 98.400 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Ông Lê Văn Dần, Trưởng Phòng Chính sách Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH) cho biết: Hiện toàn tỉnh có 8.000 cụ trên 85 tuổi đang được hưởng chế độ bảo trợ theo Nghị định 67. Nhưng nay Luật Người cao tuổi quy định: "Người từ 80 tuổi trở lên… không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng" (điều 17) được hưởng trợ cấp hằng tháng mức 180.000 đồng/người từ ngày ghi trong quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện. Như vậy, sắp tới dự kiến toàn tỉnh sẽ có thêm khoảng 5.000 cụ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội…
Theo số liệu thống kê năm 2009, tỉnh ta có 98.400 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Ông Lê Văn Dần, Trưởng Phòng Chính sách Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH) cho biết: Hiện toàn tỉnh có 8.000 cụ trên 85 tuổi đang được hưởng chế độ bảo trợ theo Nghị định 67. Nhưng nay Luật Người cao tuổi quy định: "Người từ 80 tuổi trở lên… không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng" (điều 17) được hưởng trợ cấp hằng tháng mức 180.000 đồng/người từ ngày ghi trong quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện. Như vậy, sắp tới dự kiến toàn tỉnh sẽ có thêm khoảng 5.000 cụ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội…
Luật Người cao tuổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2010, tuy nhiên, có khá nhiều điều khoản trong Luật chưa được thực thi và xã hội cũng chưa thật sự quan tâm. Đã qua 4 tháng Luật có hiệu lực nhưng Chính phủ vẫn chưa có Nghị định cụ thể hoá những quy định về các mức trợ cấp, về những ưu đãi người cao tuổi trong các hoạt động giao thông - vận tải, văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, về việc thành lập và vận hành của các cơ sở chăm sóc người cao tuổi… Chính vì vậy, cán bộ phụ trách ở cơ sở rất khó khăn trong việc giải trình với đối tượng người cao tuổi về quyền lợi được hưởng theo Luật nhưng chưa thể thực hiện. Cụ Đàm Thị Cúc, sinh năm 1929 ở phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) nói: “Nghe nói Luật người cao tuổi mới có quy định cho những người già trên 80 tuổi như tôi được hưởng chế độ hằng tháng, mừng quá nói con cháu làm hồ sơ rồi đưa tôi lên nộp, hy vọng được thêm chút tiền giúp con cháu đỡ khó khăn vì phải chăm nuôi tôi mà kinh tế gia đình lại eo hẹp. Nhưng cán bộ phường nói phải đợi gíây tờ gì đó nên chưa thể nhận hồ sơ…”. Chị Phạm Thị Hương, cán bộ văn hóa- xã hội phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, ngay sau khi Luật Người cao tuổi có hiệu lực, có nhiều cụ già trên 80 tuổi đã trực tiếp đến hoặc con cháu họ mang hồ sơ đến UBND phường để làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Điều này rất khó cho cán bộ cơ sở vì mặc dù đã được tập huấn về Luật Người cao tuổi nhưng vì chưa có Nghị định dưới Luật, Thông tư hướng dẫn cũng như Quyết định về mức trợ cấp của UBND tỉnh nên không thể nhận hồ sơ của đối tượng. Nếu nhận hồ sơ của các cụ mà quá thời hạn 1 tháng chưa giải quyết thì vi phạm quy định và để các cụ chờ đợi, hy vọng lâu sẽ rất tội nghiệp. Theo Nghị định số 13 ngày 27-2-2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67 ngày 13-4-2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội thì trường hợp quy định chế độ bảo trợ xã hội cho người già từ 80 tuổi trở lên sẽ được thực hiện bắt đầu từ 1-1-2011. Trước thời điểm trên các thôn, buôn, tổ dân phố sẽ thông báo và hướng dẫn các đối tượng làm hồ sơ để xã, phường xét duyệt và hưởng chế độ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để được giảm giá vé, giá dịch vụ, người cao tuổi cần xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người cao tuổi. Cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, văn hóa, thể thao có vé dành riêng đối với người cao tuổi. Phương tiện giao thông công cộng có hướng dẫn và bố trí chỗ ngồi ưu tiên đối với người cao tuổi, có người và phương tiện hỗ trợ người cao tuổi trong những trường hợp cần thiết. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh những quy định trên vẫn chưa được triển khai thực hiện và cũng rất ít người cao tuổi biết được những ưu đãi này của Nhà nước.
Ngày 20-9-2010, Sở Y tế đã có Công văn số 629 về việc: Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nhiều quy định cụ thể về công tác khám, chữa bệnh cho người cao tuổi. Tuy nhiên, ngoài việc tổ chức khám kiểm tra sức khỏe cho các cụ trên địa bàn một số xã, phường ở TP. Buôn Ma Thuột thì ở các địa bàn tuyến huyện hay vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được thực hiện. Người già đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh vẫn chưa có một ưu đãi nào thực sự rõ rệt như Luật định.
Người cao tuổi đã được bảo đảm các quyền lợi và nghĩa vụ theo Luật định để yên tâm sống vui, sống khỏe, sống có ích. |
Luật Người cao tuổi được ban hành là rất cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng, Nhà nước về hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tiếp tục hoàn thiện pháp luật về người cao tuổi, đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thực thi chương trình hành động Madrit mà Việt Nam tham gia, thúc đẩy tiến trình hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam về người cao tuổi. Việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi phải trên cơ sở pháp lý cơ bản, toàn diện, vừa đáp ứng được nhu cầu trước mắt, đồng thời có giá trị cho sự phát triển lâu dài. Nhiều điều trong Luật Người cao tuổi đã thể hiện được tinh thần xã hội hoá công tác người cao tuổi đồng thời thu hút người cao tuổi tiếp tục cống hiến, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoà giải mâu thuẫn ở cộng đồng dân cư. Chính vì tầm quan trọng đó, chính quyền và mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội hãy chung tay cùng bảo vệ, chăm sóc người già để Luật Người cao tuổi sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm mọi người cao tuổi đều được hưởng chế độ ưu đãi kịp thời, công bằng, đúng Luật.
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc