Multimedia Đọc Báo in

Giúp thanh niên chậm tiến hòa nhập cộng đồng

17:05, 25/11/2010

Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đến cuối tháng 10 – 2010, toàn tỉnh có 751 người ở 87 xã, phường, thị trấn nghiện ma túy, trong đó 75% là thanh niên (từ 18-30 tuổi). Đây là độ tuổi sung sức nhất để cống hiến cho gia đình, xã hội, nhưng thật đáng tiếc...

Đánh mất tuổi xuân
Gần 550 thanh niên nghiện ma túy cũng có nghĩa chừng ấy con người đã tự đánh mất tuổi xuân của mình. Con đường đến với ma túy tuy khác nhau, song không thể biện minh cho hành vi nghiện ngập và những hệ lụy mà họ gây ra cho gia đình, xã hội. T.V.T 38 tuổi (huyện Krông Năng) có thâm niên trên 10 năm nghiện ngập buồn bã nói, khi nhận ra được tác hại của ma túy thì đã quá muộn. Công việc, hạnh phúc gia đình, tương lai của các con, niềm vui tuổi già của bố mẹ đã bị T. chôn vùi theo “cái chết trắng”. T. kể, vợ anh sau nhiều lần giúp chồng cai nghiện không thành đã chán nản bỏ nhà ra đi. Hai con gái chưa học hết bậc tiểu học của anh đều cậy nhờ bố mẹ gần 70 tuổi chăm sóc. Căn bệnh thế kỷ sau những lần dùng bơm kim tiêm chung với đám bạn lêu lổng đã quật ngã T. cả về thể xác lẫn tinh thần. “Cuộc đời em như thế là hết. Mọi sự ăn năn, hối hận đã không còn ý nghĩa, chỉ thương 2 con đã sớm thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ, giờ lại tiếp tục thiếu tình thương của bố. Điều em sợ nhất hiện nay là các con biết về quá khứ, căn bệnh của bố, sẽ mặc cảm với bạn bè, hàng xóm”, T. đau đớn thổ lộ.

Trước hiên nhà, ông X. (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn luôn dõi mắt chờ con. Khuôn mặt đăm chiêu, ông nói: từ khi biết nó “dính” vào ma túy tôi không dám nhìn mặt họ hàng, làng xóm. Cảm giác xấu hổ, mặc cảm vì không nuôi dạy con thành người luôn đeo bám. Ông kể, “Hồi học cấp 3 nó ngoan lắm, lúc nào cũng kè kè bên vợ chồng tôi kể về chuyện ở trường, lớp các bạn học. Nó nói, thích học ngành sư phạm để thành thầy giáo dạy chữ cho trẻ em nghèo trong xóm và thích học ngành du lịch để được đi nhiều nơi nhưng nay, ước mơ ấy còn đâu!. Chính sự ngoan hiền khiến vợ chồng ông không tin con mình nghiện ma túy, cho đến một ngày, tận mắt thấy nó dùng những viên ma túy tổng hợp. Như suy sụp hẳn, ông X. đã tìm đến rượu - một giải thoát cho mình, thậm chí đã có lần tìm đến cái chết nhưng không thành.Tình thương con trỗi dậy, ông gắng gượng sống với chút hy vọng một ngày nào đó con mình kịp dừng chân để làm lại cuộc đời.

ĐVTN phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) tuyên truyền về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS.
ĐVTN phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) tuyên truyền về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS.

Chú trọng giáo dục kỹ năng sống
Theo chị H’Kim Hoa Byă, Bí thư Tỉnh Đoàn Dak Lak, thanh niên nghiện ma túy (chậm tiến) là vấn đề nhức nhối của xã hội và đang đặt ra cho tổ chức Đoàn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đáng báo động tệ nạn này ngày càng trở thành mối nguy cơ, xâm nhập giới trẻ, nhất là vị thành niên.  Làm gì để ngăn chặn tệ nạn ma túy xâm nhập vào tầng lớp thanh niên?  Qua những hình thức tuyên truyền về phòng, chống ma túy như phát tờ rơi, thi tìm hiểu, tổ chức các lớp học, nói chuyện chuyên đề, diễn đàn, hội thi, hội diễn trong những năm qua đã không đem lại hiệu quả như mong đợi. Số thanh niên chậm tiến vẫn chiếm tỷ lệ cao, người cai nghiện thành công và hòa nhập cộng đồng bền vững vẫn còn ít.

Nhận thấy rõ thực tế này, từ năm 2009 đến nay, Tỉnh Đoàn đã có nhiều đổi mới trong công tác truyền thông, chú trọng đến các địa bàn tập trung đông thanh niên, những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao các loại bệnh xã hội  qua đó góp phần nâng cao hiểu biết cho người dân về tác hại của ma túy, nguy cơ lây lan và cách phòng tránh đại dịch HIV/AIDS. Ngoài ra, trong 2 năm 2009-2010, tổ chức Đoàn đã vận động 10 thanh niên cai nghiện tập trung, hàng chục thanh niên cai nghiện tại cộng đồng, trong số đó đã có nhiều thanh niên từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời. Đặc biệt, tháng 3 - 2010, Tỉnh Đoàn đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 100 người nghiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó xây dựng phương án giúp cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Tuy nhiên, cũng theo chị H’Kim Hoa, giúp thanh niên chậm tiến không chỉ dừng lại ở việc vận động cai nghiện tại cộng đồng hay tập trung ở các cơ sở mà quan trọng là giúp các em được học văn hóa, học nghề, trang bị kỹ năng sống thông qua những hoạt động vui chơi, lao động bổ ích, lành mạnh. Đây sẽ là hành trang để các em vững bước vào đời, bắt đầu một cuộc sống mới.

 

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc