Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh nghề xe ôm

16:59, 25/11/2010

Xe ôm là một nghề thu hút nhiều người tham gia, song, ít ai biết rằng nghề này cũng lắm gian truân và đầy mối nguy hiểm rình rập…

Vất vả với nghề
Dạo quanh TP. Buôn Ma Thuột, sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều người hành nghề xe ôm, họ đứng thành từng tốp từ 2- 5 người trên vỉa hè ở hầu hết các trục đường lớn nhỏ. Đặc điểm đó là những người đàn ông trung niên với quần áo sờn cũ, xộc xệch đứng bên cạnh chiếc xe máy có đeo thêm chiếc mũ bảo hiểm dự phòng, đang chăm chú dõi theo dòng người qua lại. Dọc tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (trước cổng Bến xe liên tỉnh), bất kể mưa nắng, ngày đêm, vẫn có nhiều bác tài xe ôm đang đứng, ngồi ngong ngóng tìm khách, thỉnh thoảng lại có vài bác dạo xe loanh quanh để mời chào khách. Anh Trần Văn Nhơn, chạy xe ôm nhiều năm ở khu vực này cho biết, ngày nào cũng vậy, anh phải dậy sớm từ 3 giờ sáng để cho kịp các chuyến xe khách về bến. Không chỉ anh mà cánh xe ôm ở đây đều thực sự bận rộn khi các chuyến xe khách về bến, còn phần lớn thời gian trong ngày thỉnh thoảng mới có một vài khách đi xe. Bác Nam, 61 tuổi cũng cho hay, bác là một trong 5 người hành nghề xe ôm đầu tiên ở khu vực Bến xe liên tỉnh từ những năm 1980, bây giờ đã có khoảng 30 người, hầu hết họ đều ở tuổi trung niên. Những năm trước, cánh xe ôm được ra vào bến xe khá tự do nên mạnh ai nấy bắt khách, trẻ khỏe thì bắt được nhiều, còn bác chậm chân hơn, ngày cao lắm cũng chỉ được 5- 7 khách. Thức khuya, dậy sớm là đặc thù của nghề và đội ngũ xe ôm thường tập trung ở các khu vực đông người: cổng bệnh viện, bến xe, chợ… Đây là loại phương tiện thông dụng nhất, giá cả bình dân, lại rất cơ động trong ngõ ngách. Mỗi cuốc xe ôm chừng 2 km trong nội thành thường có giá từ 10- 20.000 đồng, tùy đường xấu tốt, còn ra ngoại thành thì tăng thêm khoảng 2.000 đồng/1 km. Anh Lê Quyên, chạy xe ôm trên đường Mai Hắc Đế cho hay, làm nghề này rất vất vả, “ăn bờ ngủ bụi” nhiều hơn ở nhà với vợ con. Trời nắng ráo, hay lễ tết thì có nhiều khách, còn mưa gió thì chẳng có ai. Nếu may mắn mỗi ngày cũng kiếm được 50- 100 nghìn đồng, có hôm chẳng được đồng nào mà còn phải bù lỗ tiền xăng, song, vì không có nghề nào khác nên không ai muốn nghỉ dù chỉ một ngày.

Những người hành nghề xe ôm thường đứng tập trung thành nhóm để đón khách.
Những người hành nghề xe ôm thường đứng tập trung thành nhóm để đón khách.

Nguy hiểm luôn rình rập
Ngoài những gian nan, vất vả, lái xe ôm còn là một nghề ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhẹ nhất là xảy ra xích mích, thậm chí đánh nhau do tranh giành khách, còn nặng hơn thì dễ xảy ra tai nạn giao thông hoặc bị cướp, trấn lột. Nói về nghề của mình, anh Hoàng Trọng Thông, cho biết, tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, muốn có khách phải tranh giành, nếu chậm một bước là mất, bởi người làm nghề xe ôm nhiều mà khách thì ít. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, cánh xe ôm khu vực Bến xe liên tỉnh đã tự đề ra “luật” riêng cho mình, là khi có một chuyến xe về bến mà ai đã nhìn thấy khách trước rồi thì có quyền mời người đó, không tranh giành khách của nhau, nhưng phải biết khéo léo mời chào, đưa ra mức giá hợp lý thì khách mới đi xe. Anh Nguyễn Văn Minh, còn cho hay, cách đây khoảng 5 năm, khu vực chợ Buôn Ma Thuột liên tục xảy ra tình trạng tranh khách, phá giá, nhiều lúc dẫn đến xô xát, làm cho không ít hành khách sợ hãi, dè chừng. Nay mọi chuyện đã khác, những người cùng nghề cũng bớt ác cảm với nhau, sống với nhau chan hòa hơn.
Chưa hết, nghề lái xe ôm đôi khi cũng gặp nhiều phiền toái và nguy hiểm, như tình trạng khách đi xe quỵt tiền, mới đây anh Trần Văn Tú, chở khách từ Bến xe liên tỉnh về đường Dương Văn Nga đã bị khách lừa tiền và lấy mất mũ bảo hiểm. Hay như những bác xe ôm chuyên chở khách ban đêm thường gặp phải “gái đêm”, không trả tiền còn dở trò ve vãn. Cũng có lúc chở khách ra những đoạn đường vắng rồi bị trấn lột. Anh Tú còn cho biết, một lần chở khách đi huyện Cư M’gar, khi qua đoạn đường vắng suýt bị một thanh niên (khách đi xe) dùng dao trấn lột, may là anh nhanh chân đạp hắn xuống đường rồi phóng xe chạy thẳng…

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc