Multimedia Đọc Báo in

Nghề dán keo đồ dùng

17:08, 25/11/2010

Chỉ cần một hộp nhỏ đựng đồ nghề, vài cái dao lam, bật lửa và mấy tờ decal, một cô gái không biết chữ, một anh công nhân thất nghiệp hay một chàng trai đã từng lầm lỡ…có thể làm nghề dán keo đồ dùng (DKĐD). Nhìn qua tưởng chừng đơn giản, nhưng để kiếm sống bằng nghề này không hề dễ dàng.

 

Nghề hoàn lương
Dễ học, dễ làm, không cần nhiều vốn và trình độ nên nghề DKĐD dán thường được dạy cho một số người đã hoàn lương để làm lại cuộc đời. Anh Ngô Xuân Th. đã từng phải ngồi tù 3 năm vì tội trộm cướp, trong khoảng thời gian đó, anh được học nghề mộc mỹ nghệ. Ra tù năm 2004, anh làm hồ sơ xin việc ở một số công ty tại Sài Gòn nhưng không được nhận vì mác “thằng tù” nên lang thang làm thuê suốt 2 năm. Cuối cùng, anh quyết định theo học nghề dán keo từ một người bạn đã làm nghề được 3 năm và quay về quê hương Dak Lak kiếm sống bằng nghề này. Anh Th. sắm một ít đồ và chọn một địa điểm trên vỉa hè đường Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) để hành nghề. Khi tay nghề vững, anh nhận dạy miễn phí cho 2 thanh niên trước đây là bạn tù để giúp họ hòa nhập với cuộc sống, và có công ăn việc làm. Anh Th. được những người làm nghề đánh giá cao vì kinh nghiệm dán tất cả các loại đồ dùng và những ngón nghề tinh xảo. Anh chia sẻ: “Làm cái nghề này không mấy ai nể trọng, nhưng giúp tôi làm lại cuộc đời và sống có ích để chuộc lại lỗi lầm của mình trước đây”.

Nhìn khuôn mặt sáng sủa và đôi tay mềm mại miết tờ giấy keo rất ngọt, không ai nghĩ Trần Bá M. đã từng phải đi trại cai nghiện ma túy hơn 1 năm. Quê Thanh Hóa, sinh ra trong gia đình khá giả, học hết lớp 9, M. bỏ học, sớm đua đòi bạn bè với những cuộc ăn chơi quên ngày tháng và dính vào “nàng tiên nâu” khi mới hơn 16 tuổi. Không còn cách nào khác, gia đình phải đưa M. đi cai nghiện ở Bình Phước hơn 1 năm. Sau khi cai nghiện thành công, để không phụ thuộc gia đình, M. vào TP. Hồ Chí Minh học nghề dàn keo và được một người quen giới thiệu về làm nghề ở một tiệm dán tại Buôn Ma Thuột. Đến nay, M. đã làm nghề được 2 năm, tay nghề thành thạo, nếm trải nhiều vui buồn của nghề, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống. M. tâm sự: “Đã từng sai lầm nên em muốn sinh sống bằng chính khả năng của mình, mặc dù thu nhập không cao, nhưng nó cũng là một công việc phù hợp với bản thân, giúp em sống tự lập và có trách nhiệm”.

Đường Phan Chu Trình là nơi tập trung nhiều điểm dán keo.
Đường Phan Chu Trình là nơi tập trung nhiều điểm dán keo.

“Người khôn của khó”
Ngày càng có nhiều người làm nghề dán keo nên cũng như bao nghề khác, nghề “ngồi vỉa hè” này cũng có cạnh tranh, bởi vậy việc có được thu nhập ổn định là điều không hề dễ dàng. Dạo quanh TP. Buôn Ma Thuột từ ĐH Tây Nguyên lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, qua đường Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu đến km 3, ở đâu cũng thấy những điểm dán keo. Khoảng vài trăm mét trên đường Phan Chu Trinh đã có đến cả chục tấm biển “dán xe, điện thoại, laptop”, thợ dán có cả những người còn rất trẻ đang học nghề, hoặc mới làm nghề, trung niên và phụ nữ. Thợ dán Phạm Văn Thành cho biết, mỗi ngày bình quân ở đây dán được khoảng 5 cái điện thoại, giá mỗi cái 10 – 15.000 đồng, tuy nhiên số lượng thợ dán ngày càng nhiều nên kiếm tiền càng khó, hơn nữa, chỉ cần sơ ý làm hỏng đồ dùng của khách là phải đền, thậm chí còn bị khách hàng chửi mắng. Mấy ngày trước, anh Thành không may làm đứt sợi cáp chiếc ĐTDĐ nắp trượt hiệu Samsung phải đền gần 200.000 đồng, nếu làm hỏng máy tính xách tay có khi phải đền tiền triệu. Theo anh, làm nghề này phải khéo léo, cẩn thận và có óc thẩm mỹ mới có thể làm vừa lòng khách hàng.

Anh Trung đã theo nghề được gần 10 năm trên đường Lê Duẩn, là thợ  nhiều kinh nghiệm dán các loại xe tay ga có uy tín. Mỗi ngày anh có thể dán được 2 xe máy (xe số khoảng 160.000 đồng, tay ga khoảng 250.000 ngàn đồng) chưa kể đồ dùng khác. Tuy nhiên, không phải thợ dán nào cũng có khách dán xe vì nó đòi hỏi kinh nghiệm và sự tỉ mỉ, những người mới vào nghề hiếm khi có xe để dán. Kinh nghiệm của anh là tìm những mẫu dán mới lạ, kiểu dán bắt mắt và tìm hiểu sở thích của từng khách hàng để chiều lòng họ, như thế mới câu được nhiều khách.

Chị Mai Thị Thắm mới vào nghề, hành nghề ở khu vực bến xe phía bắc và km 3, chủ yếu dán ĐTDĐ. Trước đây, chị là công nhân trong một xưởng gỗ, nhưng sức khỏe không bảo đảm nên xin nghỉ học làm nghề dán mất 3 tháng, cùng mấy trăm ngàn mua dụng cụ, chị có thể hành nghề dù thu nhập chẳng đáng là bao. Chi cho biết, nhiều người cứ tưởng làm nghề dán đơn giản, kiếm tiền dễ dàng, nhưng thực tế thì rất khó khăn, chật vật.

Để có thêm thu nhập, nhiều thợ dán đã cạnh tranh nhau không lành mạnh, làm cẩu thả, dùng đồ dỏm lừa khách hàng và khoanh vùng địa bàn để giành khách. Kể ra, nghề dán keo cũng lắm chuyện vui, buồn.

 

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc