Multimedia Đọc Báo in

Cấp nước sinh hoạt tập trung: Vẫn còn nhiều bất cập

09:13, 24/12/2010

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã xây dựng được 71 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (CNSHTT) tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa. Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện. Tuy nhiên, việc cấp nước sinh hoạt nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

Niềm vui nước sạch ở buôn Blếch (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo).
Niềm vui nước sạch ở buôn Blếch (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo).


Những kết quả bước đầu
Do sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh nên người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS thường xuyên mắc các bệnh về đường ruột, đau mắt, bệnh ngoài da… Để cải thiện tình trạng trên, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực đưa nguồn nước hợp vệ sinh đến với người dân ở khu vực nông thôn nói chung, đồng bào DTTS nói riêng. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường (NSH-VSMT) tỉnh, bình quân mỗi năm, Nhà nước đầu tư trên 20 tỷ đồng cho Chương trình Quốc gia NSH-VSMT nông thôn, chưa kể vốn vay theo Quyết định 62/QĐ-TTg thông qua Ngân hàng Chính sách-Xã hội, mỗi năm bình quân 10 tỷ đồng. Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh đã xây dựng được 71 công trình CNSHTT, với công suất thiết kế mỗi công trình có thể cấp nước cho từ 120 hộ đến 3.800 hộ dân và hàng chục ngàn công trình cấp nước nhỏ lẻ khác ở vùng nông thôn. Nhờ vậy, toàn tỉnh đã có khoảng 993.000 người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt 70,6% dân số, tăng 1,8% so với năm 2009. Ông  Phạm Phú Bổn, Giám đốc Trung tâm NSH-VSMT tỉnh cho biết, cùng với việc đưa nước sạch về nông thôn, hằng năm Trung tâm phối hợp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức như tập huấn, phát tờ rơi, treo băng-rôn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phổ biến kiến thức về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đến người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật bảo dưỡng, vận hành, cho đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở. Sau khi đưa vào sử dụng, nhiều công trình NSHTT  đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm sức khỏe của người dân cũng như vệ sinh môi trường vùng nông thôn.

Từ năm 2008 đến nay, hơn 100 hộ dân thôn Đoàn Kết 2 (xã Buôn Triết, huyện Lak) không có nước sinh hoạt do công trình TNTT hư hỏng, xuống cấp.
Từ năm 2008 đến nay, hơn 100 hộ dân thôn Đoàn Kết 2 (xã Buôn Triết, huyện Lak) không có nước sinh hoạt do công trình TNTT hư hỏng, xuống cấp.


Vẫn còn nhiều bất cập
Tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng nhìn chung tỷ lệ người dân nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh so với mặt bằng chung của cả nước hiện nay vẫn còn thấp. Đến cuối năm 2010, tỷ lệ người dân vùng nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ tăng thêm khoảng hơn 1%. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh ta thực hiện chủ trương phân cấp cho các huyện, các ngành làm chủ đầu tư xây dựng công trình CNSHTT và cấp nước, vệ sinh môi trường trường học, trạm y tế. Việc phân cấp như vậy đã tạo điều kiện cho các địa phương, các ngành có liên quan chủ động trong việc đầu tư xây dựng công trình sát với nguyện vọng chính đáng của người dân. Tuy nhiên, cũng có không ít bất cập trong quá trình đầu tư xây dựng nên công trình không phát huy hiệu quả. Đáng lo ngại hơn, trong tổng số 71 công trình cấp nước các loại trên địa bàn  tỉnh, ngoài 11 công trình do Trung tâm NSH-VSMT tỉnh quản lý vẫn hoạt động tốt, số còn lại sau khi hoàn thành, giao cho địa phương quản lý thì khai thác rất hạn chế, không phát huy được hiệu quả như dự án phê duyệt ban đầu. Theo Trung tâm NSH-VSMT tỉnh, hiện tại đã có 12 công trình do các địa phương quản lý, khai thác ngừng hoạt động, tập trung ở các huyện Ea Súp, Krông Năng, Krông Buk, Krông Bông và TP. Buôn Ma Thuột. Nhiều công trình khác chỉ hoạt động được một thời gian ngắn đã hư hỏng, xuống cấp, không thể cấp nước được nữa. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ, yếu từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến việc thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành. Vì vậy, dẫn đến tình trạng công trình đã hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào- sử dụng vì thiếu điện, thiếu nước, chất lượng nước không bảo đảm hoặc phải chờ đợi vì chưa có ban quản lý, vận hành công trình. Đơn cử như công trình cấp nước tập trung tại xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) có số vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng do UBND huyện làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2008, đến cuối năm 2009 hoàn thành, nhưng hàng trăm hộ dân trong xã vẫn phải chờ đợi hơn một năm nay mà chưa có nước sinh hoạt. Sở dĩ rơi vào tình trạng trên là do đang phải chờ đợi lắp đặt thêm một số đường điện để vận hành và huyện cũng như xã chưa thành lập được ban quản lý công trình. Bên cạnh những vấn đề trên, thì việc thi công thiếu đồng bộ, kéo dài theo kiểu mạnh ai nấy làm của các công trình như đường giao thông, cáp quang, đường điện, bưu chính viễn thông gây hư hỏng khá nhiều đường ống dẫn nước sạch, van điều tiết nước về khu dân cư, nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm sửa chữa. Thêm vào đó, do nhận thức của bà con về nước sạch và vệ sinh môi trường còn hạn chế, nên việc đóng góp xây dựng, duy tu bảo dưỡng công trình còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước hoặc tự ý cắt ống lấy nước không qua đồng hồ, sử dụng nước nhưng không trả tiền. Những trường hợp này thường là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Hòa Phong, Cư Pui, thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông), xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ), thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo).

Đầu tư xây dựng các công trình CNSHTT góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Tuy nhiên, để công trình phát huy hiệu quả lâu dài, các địa phương được đầu tư xây dựng công trình nên phối hợp với đơn vị chuyên môn để khảo sát, thiết kế, xây dựng quy chế vận hành, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ vận hành quản lý.  Đồng thời, các cấp, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân về sử dụng nước sạch cũng như bảo vệ công trình, có biện pháp răn đe, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm việc cấp nước theo quy định.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc