Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống người dân trên đỉnh núi Ea Lang

05:45, 01/12/2010

Trăm bề thiếu thốn
Nhiều người dân đang sinh sống tại thôn Ea Rớt, xã Cư Pui gọi núi Ea Lang là “cổng trời” và cái tên này đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây, bởi đơn giản đường lên thôn Ea Rớt phải trải qua 5 con dốc cao, trên dốc có một cổng rất nhỏ và qua cổng là vào đến thôn Ea Rớt - biệt lập giữa rừng. Những năm 1991, 1992 một số đồng bào Mông, Dao, Tày, Mán… từ các tỉnh phía bắc di cư vào Dak Lak và dừng chân trên núi Ea Lang lập nghiệp. Ngày trước, đây là vùng đất cằn cỗi, rừng núi hoang vu, đường đi lại chưa có nên chỉ vài hộ sinh sống, sau đó con số ngày một tăng và đến năm 2001, UBND huyện Krông Bông có quyết định thành lập thôn Ea Rớt. Đến nay, thôn Ea Rớt có 4 đội trải dài trên 12 km đường rừng, với 240 hộ (18 hộ dân tộc Kinh) và hơn 1.000 nhân khẩu, 8 dân tộc anh em sinh sống, trong đó gần 80% hộ thuộc diện đói nghèo. Họ đang phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề: điện, đường, trường, trạm... Con đường từ trung tâm xã Cư Pui lên thôn Ea Rớt dài khoảng 25 km đường rừng với nhiều dốc trơn trượt và luôn trong tình trạng ngập nước. Vừa bước chân tới đầu thôn, trước mắt chúng tôi hiện ra những căn nhà tranh thưa thớt, vài ba đứa trẻ đùa nghịch trên nền đất, khói bếp quyện với sương núi chờn vờn trên những quả đồi. Thôn trưởng Lò Khải Phù cho biết: Thôn Ea Rớt là thôn duy nhất trong 13 thôn, buôn của xã Cư Pui không có điện. Cả thôn phải tự tạo điện sinh hoạt từ những chiếc máy tua-bin nước nên điện rất yếu. Ban đêm chỉ đủ thắp sáng mấy bóng đèn, còn tivi thì lúc xem được lúc không. Anh Dưng Sú (dân tộc Tày) than thở, cái khổ người dân nơi đây không chỉ dừng lại ở đó mà lương thực, thực phẩm đều phải tự cung tự cấp là chính từ củ mì, lúa, ngô đến rau, thịt, cá… nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám quanh năm. Hầu hết, lúa nương sau khi gặt về phải treo lên mái nhà để dự trữ nếu không mùa “giáp hạt” sẽ không có cái gì để ăn. Quả nhìn lên mái nhà, nhà nào cũng chật cứng những bó lúa trĩu hạt.

Ánh sáng từ những chiếc tua-bin nước
Không có điện lưới quốc gia, sự khát khao ánh điện của bà con trên “cổng trời” Ea Lang chỉ có được từ những chiếc máy phát điện thủ công tua-bin chạy bằng sức nước của những con suối quanh thôn. Nhưng, ánh sáng ấy cũng chỉ đủ thắp sáng cho vài ba bóng đèn. Người dân nơi đây luôn sống trong cảnh tù mù và thiếu thông tin. Đã nhiều lần cán bộ thôn cùng người dân kiến nghị lên cấp trên xin điện lưới nhưng chỉ nhận được cái “lắc đầu” vì giao thông cách trở và nguồn kinh phí hạn hẹp.

Anh Mã Văn Cao bên máy phát điện chạy bằng tua-bin nước.
Anh Mã Văn Cao bên máy phát điện chạy bằng tua-bin nước.
Ông Mã Văn Cao, Phó thôn Ea Rớt kể: “Sống trong cảnh tối tăm nên năm 2003 nhiều hộ trong thôn đã chủ động xuống chợ huyện mua về những chiếc tua-bin phát điện và tự thiết kế để tạo dòng điện, lấy những hòn đá đắp dòng suối thành nhiều kênh nhỏ làm chỗ đặt tua bin phát điện. Những ngày đầu có điện, dù ánh sáng chỉ lờ mờ nhưng mọi người đều háo hức”. Tùy theo điều kiện mỗi hộ gia đình mà có thể sắm máy tua bin loại 0,3 kg (khoảng 500.000 đồng/tua-bin) hoặc loại có công suất lớn hơn khoảng 1,5 kg (giá 1,5 triệu đồng/tua-bin) về dùng. Còn không, 3-4 nhà dùng chung 1 máy tua-bin nước. Đi dọc các con suối trong thôn ở đâu cũng thấy những tua-bin điện, dây bắt chằng chịt như mạng nhện từ các dòng khe, suối về từng hộ gia đình. Toàn thôn hiện có hơn 60 máy phát điện chạy bằng tua-bin nước và nhờ có điện bà con có thể mua tivi để xem các chương trình thời sự, khoa học - kỹ thuật… và áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cho biết dòng điện tự tạo này hay “dở chứng” lắm. Ông Sầm Văn Quang cho biết: “Nhà mình mới mua về được hơn 3 năm nay. Vào mùa khô các con suối cạn nước nên thường phải kiểm tra nếu không sẽ cháy, còn mùa mưa thì hay bị cây đổ làm đứt đường dây hoặc hay cháy cuộn dây đồng, tua-bin kẹt bi… những lúc đó cả nhà lại phải sống trong cảnh tù mù”.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, khát khao lớn nhất của bà con là được chính quyền huyện và tỉnh quan tâm giúp dân mở con đường từ thôn ra trung tâm xã để những công trình dân sinh khác có thể triển khai, đặc biệt là điện lưới quốc gia về với bà con. Đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, học sinh hết lớp 5 là nghỉ ở nhà theo bố mẹ lên nương, rẫy vì cấp 2 ở trung tâm xã cách thôn 25 km đường rừng nên tình trạng thất học đang diễn ra khá phổ biến”.

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc