Multimedia Đọc Báo in

Nhịp cầu kết nối yêu thương

10:31, 06/12/2010

Vừa qua, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với CA tỉnh đã tổ chức các buổi giao lưu “Vượt lên chính mình” và “Kết nối yêu thương” cho hơn 120 thanh niên sử dụng ma túy đã và đang cai nghiện, các em học sinh hư hỏng, cá biệt.

Đến với buổi giao lưu, rất nhiều em không giấu được vẻ ngại ngùng, mặc cảm. Nhưng cái nhìn dè chừng, vẻ lành lạnh trên những khuôn mặt hầu hết còn non trẻ kia dần dần mất đi trong bầu không khí ấm áp, vui vẻ, gần gũi của buổi giao lưu. Được tham gia vào các trò chơi tập thể, với những trận cười giòn giã và tràng pháo tay rộn vang, vẻ hồn nhiên, tươi trẻ nhanh chóng trở lại trên những ánh mắt, khuôn mặt có vẻ sành sỏi, già dặn trước tuổi ấy. Ở các em, mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng đưa đẩy dẫn đến lầm lỡ khiến cho người thân phải đau lòng, xã hội phải lo lắng, thầy cô giáo phải buồn phiền.  Đến đây, họ được hòa mình vào không khí chung mà lâu nay các em chưa hoặc ít được dịp biết đến, nếu có chăng thì là kiểu phe phái, băng nhóm được lập ra nhuốm màu giang hồ và chỉ quen với những trò chơi đùa kiểu chợ búa, thậm chí là bạo lực. Sau những trò chơi cộng đồng, các em được nghe cán bộ của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam nói chuyện. Những câu chuyện sinh động có khi được rút ra từ thực tế cuộc sống, có khi là thông qua những hình ảnh đậm chất nhân văn và có tính triết lý cao về lẽ sống, về trách nhiệm làm người nhằm khơi gợi cái thiện trong các em và động viên các em vượt qua những mặc cảm, tự ti, khó khăn của hoàn cảnh, đánh thức khát khao vươn lên thành người tốt. Cùng đó, nhiều em cũng có dịp thổ lộ nỗi lòng của mình mà các em lâu nay cứ ngỡ sẽ không có hoặc có quá ít người thấu hiểu, thông cảm, sẻ chia. 

Những người lầm lỡ say sưa nghe nói chuyện về đạo lý sống.
Những người lầm lỡ say sưa nghe nói chuyện về đạo lý sống.
Sau buổi giao lưu, em H’Vi Thảo Niê (15 tuổi), phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), học sinh lớp 10 bộc bạch: “Trước đây, khi còn học tiểu học và trung học cơ sở, em rất ngoan và thường đạt học sinh khá, giỏi. Thế rồi, khi bước vào trung học phổ thông, trước nhiều tác động của xã hội, em học hành sa sút dần và đã làm nhiều việc khiến cha mẹ phải phiền lòng. Ở trường em bị xếp vào loại học sinh cá biệt. Được các anh chị cán bộ Đoàn nhắc nhở, nay lại được tham dự buổi giao lưu, nói chuyện này, em thấy hiểu ra nhiều điều và rất ăn năn về những suy nghĩ, hành động nông nổi của mình”. Còn  cậu thanh niên  Phạm Sơn Hậu (18 tuổi), ở phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) thì tâm sự:  Mẹ phải đi làm xa kiếm sống nuôi đàn con ăn học. Ở nhà,  do ham chơi nên năm ngoái, khi đang học lớp 10 thì Hậu bỏ học. Từ đó, Hậu bắt đầu chuỗi ngày lang thang với lũ bạn hư hỏng, nhanh chóng nhiễm những thói xấu của xã hội như lập băng nhóm, chơi bời nhậu nhẹt, thậm chí sử dụng ma túy. Được các anh, chị cán bộ CA và Đoàn thanh niên gặp gỡ, nói chuyện, cảm hóa, Hậu đã dần tỉnh ngộ. Lúc đầu khi được mời đến sinh hoạt giao lưu, nghe nói chuyện, Hậu rất e ngại song được các anh, chị phân tích, động viên, Hậu đã tham gia và tự thấy mình đã có quyết định đúng. Hậu quyết tâm từ bỏ những thói hư tật xấu và dự định sẽ đi học trở lại hoặc học nghề. Bây giờ ước mơ của Hậu là sẽ làm việc kiếm tiền để sửa sang lại nhà cửa và đón mẹ về ở để gia đình được sum vầy.
Nhiều em đã mạnh dạn thổ lộ, bộc bạch nỗi lòng với anh cán bộ Đoàn (bên trái)
Nhiều em đã mạnh dạn thổ lộ, bộc bạch nỗi lòng với anh cán bộ Đoàn (bên trái).

Trong buổi trò chuyện, chị H’Kim Hoa Byă, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Qua nhiều lần phối hợp với CA và các đơn vị liên quan trong việc giáo dục người lầm lỗi, càng ngày kinh nghiệm tổ chức, thực hiện  các nghị quyết liên tịch, các kế hoạch, chương  trình của các bên liên quan càng có chiều sâu và quy mô hơn. Số lượng đối tượng cũng được mở rộng hơn. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng đang nghiên cứu để trong các đợt sinh hoạt, giao lưu sau có hình thức phong phú, sinh động, lôi cuốn, nội dung sâu sắc hơn để có tác động, ảnh hưởng mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của những người lầm lỗi - nhất là thanh, thiếu niên - nhằm góp phần giúp họ thực sự có một điểm tựa vững chắc về tinh thần, đoạn tuyệt được với cái xấu, nhanh tiến bộ để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Cứ như thế, mỗi một buổi giao lưu, một lần gặp gỡ, tâm tình trò chuyện sẽ như một nhịp cầu giúp những người lầm lỡ xóa dần, vượt qua mặc cảm, khơi dậy quyết tâm và nghị lực để họ tới gần hơn bờ thiện cuộc đời.

 

Trọng Tính

 


Ý kiến bạn đọc