Multimedia Đọc Báo in

Tiếp cận cộng đồng - góp phần thay đổi nhận thức và hành vi phòng, tránh lây nhiễm HIV/AIDS

08:25, 10/12/2010

Kể từ khi phát hiện bệnh nhân có HIV đầu tiên vào năm 1993 tại Dak Lak, đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1500 người nhiễm HIV, trong đó có hơn 600 trường hợp đã chuyển sang AIDS và hơn 350 ca đã tử vong do AIDS. Tuy nhiên, số mắc và tử vong do AIDS trên thực tế còn cao hơn. Với mục tiêu hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, năm  2005, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã thành lập nhóm tiếp cận cộng đồng gồm 12 thành viên trực tiếp tham gia các hoạt động như: hướng dẫn sử dụng bao cao su – bơm kim tiêm an toàn; truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; giới thiệu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV miễn phí…với sự tài trợ của Dự án Life- Gap. Trong những năm qua, công việc thầm lặng của những nhân viên tiếp cận cộng đồng đã góp phần đáng kể thay đổi nhận thức và hành vi phòng, tránh lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

 

Thanh niên tình nguyện phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. (Ảnh: T.L)
Thanh niên tình nguyện phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. (Ảnh: T.L)

Mặc dù xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng những nhân viên nhóm tiếp cận cộng đồng đều có chung một điểm, đó là sự đồng cảm với người nhiễm HIV/AIDS và tự nguyện tham gia vào công tác này. Anh Nguyễn Hữu Thưởng, một thành viên của nhóm tâm sự: “Chúng tôi từng có người thân, bạn bè đã nhiễm HIV/ADS nên có thể đồng cảm và hiểu người bệnh. Vì thế, chúng tôi tình nguyện tham gia vào chương trình tiếp cận cộng đồng với hy vọng những đóng góp nhỏ bé của mình sẽ phần nào hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS giữa những nhóm người có hành vi nguy cơ cao và lây lan ra cộng đồng ”. Qua 5 năm hoạt động, nhóm không chỉ tích cực tập trung tuyên truyền thay đổi hành vi về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân tại các buổi phát động chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS, tổ chức các buổi nói chuyện với khách hàng mà còn giúp người dân thuộc nhiều lứa tuổi, đặc biệt là đối tượng có hành vi nguy cơ cao, như: tiêm chích ma túy, mại dâm, … được tiếp cận các chương trình dự phòng lây truyền HIV. Tính đến hết tháng 11-2010, nhóm đồng đẳng đã phát tận tay người dân hơn 25.000 tài liệu truyền thông gồm: tờ rơi, sách nhỏ, áp phích… mang nội dung tuyên truyền các kiến thức về phòng chống HIV/AIDS; hướng dẫn cho hơn 7.300 lượt người thay đổi hành vi sử dụng bao cao su và  hơn 4.700 lượt đối tượng tiêm chích an toàn. Ngoài ra, chương trình tiếp cận cộng đồng còn triển khai các hoạt động cung cấp miễn phí các dụng cụ như: bao cao su, thuốc sát trùng, dầu bôi trơn và giới thiệu chuyển tiếp đến các quầy thuốc để mua bơm kim tiêm sạch, giới thiệu đến các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện để được chăm sóc và điều trị ARV miễn phí. Các đồng đẳng viên cũng đã giới thiệu thành công hơn 700 lượt người đến các phòng khám chuyên khoa điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục và vận động hơn 5.000 lượt người tự nguyện đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí. Bên cạnh đó, nhóm đồng đẳng còn tổ chức thu gom và tiêu hủy bơm kim tiêm bẩn, tính đến ngày 30-11 nhóm đã gom tiêu hủy tới gần 42.000 bơm kim tiêm.

Ông Lê Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Để hoạt động tiếp cận cộng đồng ngày càng phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ cố gắng phát huy tinh thần trách nhiệm của các nhân viên tiếp cận cộng đồng, đồng thời trẻ hóa đội ngũ này để có thể dễ tiếp cận, giúp đỡ các đối tượng trẻ tuổi có nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, mại dâm. Tuy nhiên, rất cần có sự tham gia, phối hợp của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh để công tác này ngày càng mở rộng và hiệu quả hơn”.

 

Hương Xuân

 


Ý kiến bạn đọc