Multimedia Đọc Báo in

Vẫn “cháy” mãi với nghề

09:08, 15/12/2010

Giữa bộn bề của cuộc sống, những nhà giáo lão thành huyện Krông Pak vẫn thường xuyên gặp nhau hàn huyên, tâm sự chuyện đời, chuyện nghề và  cùng động viên, giáo dục con cháu chăm ngoan, học tốt. Ngọn lửa yêu nghề, bầu nhiệt huyết với  sự nghiệp trồng người trong họ luôn tỏa sáng.

Hội Cựu giáo chức huyện Krông Pak có 204 hội viên (HV), sinh hoạt tại 8 chi hội, trong đó 80% nhà giáo, nhân viên của ngành trước khi nghỉ hưu công tác tại tỉnh, số còn lại theo con cháu vào Dak Lak lập nghiệp. Một thuận lợi đối với Hội, 54 HV trước đây đã từng là cán bộ quản lý ở các trường, Phòng Giáo dục - Đào tạo giàu kinh nghiệm, có nhiều sáng kiến tổ chức và lòng nhiệt huyết, nhờ đó đã nhanh chóng đưa Hội Cựu giáo chức huyện Krông Pak trở thành đơn vị điển hình trong tỉnh chỉ sau hơn 3 năm thành lập. Thầy Phạm Châu Sâm, Chi hội trưởng Chi hội giáo chức xã Ea Yông năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng sự hăng hái, tâm huyết với công tác giáo dục vẫn luôn cháy bỏng. Thầy đều đặn tham dự các buổi sinh hoạt ở chi hội, thường xuyên đến các phân hội thăm hỏi gia đình cựu giáo chức khó khăn, qua đó, động viên, nhắc nhở con cháu thi đua học tốt. “Chúng tôi tự nguyện giáo dục con cháu ngoan, chăm học, không vi phạm kỷ luật, bỏ học giữa chừng, nâng tỷ lệ học sinh giỏi”, thầy Sâm nói. Để đạt được mục tiêu trên, 27 gia đình cựu giáo chức xã Ea Yông đều tham gia Hội Khuyến học, đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Đặc biệt, mỗi gia đình, dòng họ tự xây dựng Quỹ Khuyến học - Khyến tài kịp thời khen thưởng con cháu học giỏi. Chỉ tính riêng năm học 2009 - 2010, các gia đình cựu giáo chức của xã đã dành gần 300 triệu đồng tặng thưởng con, cháu đạt thành tích cao trong học tập và đỗ đại học. Điển hình như  dòng họ Phạm tặng thưởng 10 triệu đồng cho mỗi con, cháu đỗ Đại học hay họ Trần tài trợ toàn bộ học phí cho các cháu trong những năm học đại học. Với những nỗ lực trên, 3 năm liền, các gia đình Hội Cựu giáo chức xã Ea Yông không có học sinh bỏ học, vi phạm kỷ luật, ở lại lớp; đặc biệt năm học 2009 - 2010, có 16 cháu của đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

Ban Thường vụ Hội Cựu giáo chức huyện Krông Pak đang họp bàn biện pháp động viên con cháu chăm ngoan, học giỏi.
Ban Thường vụ Hội Cựu giáo chức huyện Krông Pak đang họp bàn biện pháp động viên con cháu chăm ngoan, học giỏi.

Ở huyện Krông Pak nhiều người biết đến gia đình thầy Phạm Bá Dy, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức, bởi con cháu chăm ngoan, học giỏi. Trong số 10 người con (gồm cả con trai, gái, dâu, rể) đã có 6 người nối tiếp nghề của bố. “Cứ vào ngày 1- 6 hằng năm, tôi đều tổ chức gặp mặt toàn thể gia đình, gồm 10 người con và 10 cháu để lắng nghe các cháu báo cáo kết quả học tập trong năm vừa qua. Những cháu có thành tích học tập tốt sẽ được tuyên dương, khen thưởng; đồng thời động viên các cháu học chưa tốt. Tôi nhẹ nhàng nhắc nhở bố mẹ các cháu cần quan tâm, giáo dục con cái học tốt hơn. Nhờ đó, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi”, thầy Dy chia sẻ.

Gia đình là tế bào của xã hội. Xây dựng xã hội học tập, trước tiên phải bắt đầu từ gia đình. Có gia đình học tập, mới xây dựng thôn, buôn học tập và tiến tới xây dựng xã hội học tập tốt. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, thầy Nguyễn Huy Tự, nguyên Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm  luôn giáo dục các con, cháu đặc biệt 4 người con đang công tác trong ngành Giáo dục luôn trau dồi chuyên môn vững vàng, rèn luyện đạo đức, tác phong sư phạm để xứng đáng với truyền thống, tình cảm  xã hội đã dành cho nhà giáo. Suy nghĩ của thầy Tự đã được nhiều gia đình HV cựu giáo chức ở huyện Krông Pak thực hiện. Qua bình xét thi đua cuối năm 2009, 100% gia đình cựu giáo chức được công nhận văn hóa và 139 gia đình được công nhận gia đình hiếu học ở 3 cấp xã, huyện, tỉnh. Đây thực sự là những tấm gương sáng cho bà con thôn, xóm noi theo.

Hiện nay, dẫu không còn trực tiếp đứng trên bục giảng hay làm công tác quản lý, song các cựu giáo chức vẫn ngày đêm dõi theo sự phát triển của ngành. Và đặt niềm tin vào thế hệ nhà giáo trẻ, mặc dù cũng còn không ít băn khoăn. Thầy Trần Xuân Báo, Chi hội xã Ea Yông nói: “Vẫn còn nhiều chuyện làm mọi ngưòi bức xúc như: trò đánh thầy hoặc cô giáo bạo hành, ngược đãi học sinh, nhưng truyền thống tôn sự trọng đạo của dân tộc Việt Nam sẽ giúp chúng ta có thêm niềm tin vào tương lai. Thời chiến tranh phải dạy học trong mưa bom lửa đạn, thầy trò phải ăn sắn, bo bo vẫn đều đặn đến lớp, thì bây giờ không lý gì chúng ta không đẩy lùi được những hành vi ấy”. Niềm tin ấy, luôn được các cựu giáo chức chia sẻ với các thầy cô giáo khi tham gia sinh hoạt tại các trường, chia sẻ với con cháu, những người yêu nghề và đầy nhiệt huyết với công việc. Không chỉ vậy, nhiều cựu giáo chức huyện Krông Pak vẫn âm thầm đồng hành cùng ngành giáo dục tỉnh nhà qua những trang thơ, bài văn thể hiện tấm lòng của nhà giáo đối với sự nghiệp trồng người.

 

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc