Multimedia Đọc Báo in

Đồng bào Tày vui xuân

11:09, 28/01/2011

Đến xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) để sinh sống, lập nghiệp, một số người Tày khi vào đây đã mang theo và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong ngày Tết với những trò chơi dân gian quen thuộc, điệu múa, câu hát giao duyên, hát then làm say đắm lòng người…

Vào những ngày cuối tháng chạp, trong không khí se lạnh, chúng tôi đã ghé thăm các thôn 20, Đồng Tâm, Đồng Cao ở xã Ea M’droh để cùng vui Xuân, đón Tết với đồng bào Tày. Chỉ trừ tháng 2, 4, 11 âm lịch, đối với người Tày các tháng còn lại trong năm đều có tết nhưng cái tết lớn, quan trọng nhất là Tết Nguyên đán. Bắt đầu từ ngày 27, 28 tháng Chạp trở đi, nhà nhà trong thôn đều gác lại mọi công việc nương rẫy, đồng áng, khẩn trương trang trí nhà cửa, quét dọn, sắp xếp lại đồ đạc để căn nhà thêm mới mẻ, ấm cúng hơn. Khác với người Kinh, cứ vào dịp cận tết, người Tày lại tổ chức lễ cúng các dụng cụ lao động như xe cày, ống bơm, giếng nước…, vừa tỏ lòng biết ơn vừa cũng để chúng được “nghỉ ngơi, ăn tết”, cầu may mắn trong năm mới. Vào ngày 29, 30 Tết, trong thôn rộn rã tiếng cười nói bởi các thành viên trong mỗi gia đình đều quây quần cùng nhau gói bánh chưng, làm bánh khảo, bánh cốm… Người Tày ăn tết không cầu kỳ, tốn kém nhưng lại chu tất và trịnh trọng. Chị Nông Thị Xuyến, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Cao cho biết, Tết của người Tày được khởi đầu bằng lễ hiến sinh gà, heo vào giữa đêm giao thừa và sáng mùng Một. Nhà nào khá giả thì giết hẳn một con heo để ăn trong những ngày tết, những gia đình không có điều kiện thì chung nhau 6-7 hộ giết một con. Người Tày thường ướp thịt heo với muối, khi nào ăn mới chế biến thành các món như thịt quay, chả, lạp sườn… để đãi khách. Với người Tày Tết không chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi hay chuẩn bị những món ăn, mà còn là dịp giáo dục cho con cháu biết bản sắc của dân tộc mình. Vì vậy, vào đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình thường quây quần bên nhau trò chuyện, hỏi thăm công việc, học hành năm qua và cùng nhau thưởng thức những món ăn. Sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ lì xì, mừng cho con, cháu và ngược lại, đồng thời kèm theo những lời chúc sức khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt và cùng chờ đón người đến xông đất đầu năm. Người Tày quan niệm, người đầu tiên đến nhà mình trong năm mới phải là đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đức độ nếu không sẽ bị “dông” cả năm. Những người phụ nữ muốn đến thăm nhà họ hàng, làng xóm trong thôn cũng phải đợi sau khi đã có đàn ông đến chúc Tết hoặc sau bữa cơm trưa mới được đi.

 

Người dân thôn Đồng Cao ôn luyện lại các điệu hát then để tham gia Lễ hội lồng tồng

Nói đến Tết của người Tày, không thể nào không nhắc đến Lễ hội lồng tồng (còn gọi là lễ xuống đồng). Chị Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã và cũng là một trong những người có đóng góp lớn trong việc tổ chức lễ hội lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng ngay trên vùng đất cao nguyên, thổ lộ: “Người Tày, Nùng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn vào đây sinh sống từ những năm 1990 tập trung ở các thôn 13, 17, 20, Đồng Cao, Đồng Tâm. Và từ năm 2000 đến nay, có các thôn Đồng Cao, Đồng Tâm (thôn 18 cũ) tổ chức được lễ hội này từ ngày mùng 2 đến 5 tháng giêng âm lịch. Vì vậy, nơi đây không chỉ trở thành điểm quy tụ đồng bào Tày, Nùng ở các thôn trong xã và cả những xã khác trong huyện đến vui Xuân, đón Tết, mà còn là dịp giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ”. Lễ hội được tổ chức trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng, nhằm cầu cúng thần Nông phù hộ cho cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, thôn xóm bình yên. Sau phần lễ, mọi người bắt đầu phần hội với các chò chơi dân gian như ném còn, cờ tướng, bịt mắt bắt dê, tung vòng cổ chai, kéo co… và thi hát then, hát lượn, hát đối đáp, hát hà lều (tự biên tự diễn) thu hút đông đảo mọi người tham gia. Điều đặc biệt, khách xa gần đến tham dự lễ hội đều được gia chủ đón tiếp nồng hậu, thân tình với những bát rượu nồng ấm, các món ăn đặc sản và được mời cùng tham gia các trò chơi dân gian.

Gần 11 cái tết trôi qua và đó cũng là khoảng thời gian để những nét văn hóa của đồng bào Tày, Nùng ở các tỉnh phía bắc định hình, phát triển trên mảnh đất cao nguyên. Và điều đáng trân trọng nhất, mặc dù đón Tết xa quê nhưng họ vẫn giữ được truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc