Multimedia Đọc Báo in

Nội trợ thời... bão giá

10:38, 27/03/2011

Giá cả tăng cao đã trở thành câu chuyện của mọi nhà, nhất là đối với các bà nội trợ - những người thường nắm giữ “tay hòm chìa khóa”. Để giải quyết bài toán này, nhiều người đã chọn giải pháp cân đối tài chính, tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt của gia đình.

Trước đây, với 4 triệu đồng tiền lương của hai vợ chồng, chị Nguyễn Thị Tuyết (tổ dân phố 8, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) có thể trang trải ăn uống, sinh hoạt cho 4 người trong 1 tháng thì nay, với số tiền này, tằn tiện lắm cũng chỉ được 20 ngày. Chị chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều bà nội trợ đã cố gắng hết sức để chi tiêu nhưng không sao đủ. Giá lên thì mình mua ít lại, tính toán làm sao cho đủ bữa ăn gia đình, không chú trọng về chất như trước đây nữa vậy mà vẫn thiếu. Giá hàng hóa không có thứ nào không lên, từ củ tỏi, bó rau, thịt, cá đến cả tiền gửi xe cũng tăng. Hỏi thì người ta nói do giá xăng, giá điện tăng nên mình đành chịu”.

Giá tăng, người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn khi chọn mua các mặt hàng thực phẩm.
Giá tăng, người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn khi chọn mua các mặt hàng thực phẩm.
Không chỉ khó khăn trong việc cắt giảm chi tiêu để cân đối tài chính gia đình mà đối với chị Trịnh Thị Yến (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) thời điểm này việc đi chợ mất nhiều thời gian hơn vì phải đi tới, đi lui, so giá nhiều lần xem hàng nào rẻ hơn mới mua. Cả hai vợ chồng chị đều là công nhân, thu nhập bình quân chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, trong khi đó, lại phải thuê nhà trọ, nuôi con nhỏ nên khi giá cả tăng, cuộc sống càng khó khăn hơn. Nếu như trước đây mỗi ngày gia đình chị chi tiêu khoảng 70.000 đồng để mua thức ăn và sữa cho con thì nay phải mất 100.000 đồng nhưng cũng chỉ là bữa ăn bình thường, đạm bạc. Chị Yến thổ lộ: “Trước đây thỉnh thoảng hai vợ chồng còn chở nhau đi ăn sáng nhưng từ sau tết đến nay, tôi phải dậy sớm hơn đi chợ, nấu bữa sáng cho cả nhà để tiết kiệm bớt chi phí”. Cùng cảnh ngộ như chị Tuyết, chị Yến, mỗi khi cầm đồng tiền dạo chợ, chị Trần Thị Thanh (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) phải cân, đo kỹ hơn trước. Có khi định mua cá nấu canh chua, nhưng tính ra món này tốn vài ba chục nghìn đồng thì lập tức chị chuyển sang mua bầu nấu canh thịt vừa giảm chi phí lại vẫn bảo đảm dinh dưỡng. Kinh nghiệm của chị Thanh là, nếu giảm chất lượng bữa ăn xuống thấp quá thì sẽ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, bởi đau một trận thì chi phí thuốc men còn tốn hơn. Vì vậy, bên cạnh việc cân đối lại lượng thức ăn (không để dư thừa), chị Thanh còn phải thay đổi một số món cho phù hợp với túi tiền vừa bảo đảm được lượng dinh dưỡng cần thiết. Nhờ tính toán chi tiêu hợp lý nên cuộc sống gia đình chị vẫn tạm ổn.

Giá tăng, nhiều giải pháp sống chung với “giá” được các bà nội trợ ứng dụng rất hợp lý. Nhiều chị đã tận dụng những khoảng đất trống để trồng thêm các loại rau xanh vừa cải thiện bữa ăn lại tiết kiệm chi phí. Những người sống ở thành phố không có đất trống đã nghĩ ra cách tận dụng những vật dụng trong gia đình cho đất vào trồng rau. Nhiều người phải cắt giảm một số nhu cầu chi tiêu. Nếu trước đây nhiều chị em thỉnh thoảng rủ nhau đi mua sắm quần áo, giầy dép hoặc ăn uống cuối tuần thì nay phải hạn chế tối đa. Kể cả việc đi đám cưới cũng phải tính toán lại, thay vì hai vợ chồng thì nay chỉ một người đi.

Giá điện, giá xăng tăng khiến giá các mặt hàng cũng tăng vùn vụt. Một mặt bằng giá mới đã được thiết lập và đang gây khó đủ bề cho cuộc sống người dân. Trong khi các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp để bình ổn giá, thì từng gia đình những người nội trợ đối phó bằng cách “thắt lưng buộc bụng” mọi chi tiêu hằng ngày. Đây cũng là giải pháp tối ưu trong thời điểm hiện nay.

 

Yến Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.