Multimedia Đọc Báo in

Thiếu nước sạch trong lòng thành phố

08:53, 23/03/2011

Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột chưa đầy 2km, song từ nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở tổ liên gia 13, khối 2, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng tự đào thiếu vệ sinh. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất hằng ngày của người dân nơi đây.

“Khát” nước sạch
Với 26 hộ dân ở tổ liên gia 13, khối 2, phường Thành Nhất, để có được nguồn nước sạch là niềm mong mỏi từ nhiều năm nay. Đến định cư ở đây từ năm 1954, đời sống của các hộ dân chủ yếu bằng nghề buôn bán, sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, để có nguồn nước sinh hoạt, các hộ dân đã tự đào giếng để phục vụ cuộc sống của mình. Tuy nhiên, nguồn nước mà họ sử dụng từ nhiều năm nay lại rất thiếu vệ sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là vấn đề sức khỏe về sau. Bởi, các hộ dân tổ liên gia 13 không chỉ đào giếng lấy nguồn nước ngầm để phục vụ cho việc sinh hoạt, mà việc đào hầm nhà vệ sinh, hầm rút nước thải chăn nuôi cũng được thực hiện ngay trong khuôn viên nhà. Theo nhiều người dân sống trong khu vực này chia sẻ, dẫu biết nguồn nước sử dụng hằng ngày không hợp vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau này, nhưng giờ không có cách nào khác. Lúc đầu uống nước ở đây thì thấy nhờn nhợn, nhưng uống mãi rồi cũng quen. Bây giờ, việc sinh hoạt hằng ngày tiêu tốn một khối lượng nước lớn nên phải dùng nước giếng để phục vụ sinh hoạt, còn việc ăn uống thì đã khá hơn, mua nước lọc về dùng với chi phí cho mỗi bình nước lọc 20 lít giá từ 10.000-12.000 đồng. Không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt, mà việc sử dụng nguồn nước này để tưới cho cây trồng cũng ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Phan Minh Châu, Tổ trưởng tổ liên gia 13, khối 2, phường Thành Nhất tâm sự: “Cuộc sống của các hộ dân nơi đây tuy còn khó khăn, nhưng họ vẫn ý thức được vấn đề sử dụng nguồn nước thiếu vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Do đó, mong muốn lớn nhất của họ là có được nguồn nước hợp vệ sinh để bảo đảm cuộc sống”.

Bên cạnh đó, khu dân cư này lại nằm ngay sau lưng nghĩa trang Phan Bội Châu cũ. Được biết, nghĩa trang này có từ thời kháng chiến chống Pháp, dù đã được di dời đi nơi khác từ năm 2007, nhưng việc chôn cất hơn nửa thế kỷ ở khu vực này cũng gây ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm mà người dân đang sử dụng.

Từ nhiều năm nay, mọi sinh hoạt hằng ngày của người dân tổ liên gia 13, khối 2, phường Thành Nhất đều sử dụng nguồn nước thiếu vệ sinh.
Từ nhiều năm nay, mọi sinh hoạt hằng ngày của người dân tổ liên gia 13, khối 2, phường Thành Nhất đều sử dụng nguồn nước thiếu vệ sinh.

Mỏi mòn chờ nước sạch
Với mong muốn được dùng nước sạch nên một số hộ gia đình làm đơn kiến nghị với Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước và Đầu tư xây dựng, nhưng câu trả lời họ nhận được là “Khi nào làm đường xong, thì hệ thống nước mới đấu nối vào được khu dân cư này được”. Đoạn đường tổ liên gia 13 này có chiều dài 600 mét, mỗi khi mùa mưa đến thì ngập nước và lầy lội, còn mùa nắng thì bụi mù gây khó khăn cho đời sống những gia đình dọc hai bên đường. Người dân ở đây cho biết, bản thiết kế thi công đường đã hoàn thành với tổng kinh phí dự tính là 1 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 80% kinh phí, còn 20% là do nhân dân đóng góp (mỗi hộ gia đình phải đóng 300.000 đồng/mét chiều ngang đất nhà ở). Thế nhưng, việc đóng góp tiền để làm đường thì lại “quá sức” của phần lớn số hộ dân trong tổ như gia đình chị Uông Thị Ngân, với khoản tiền gần 30 triệu đồng (bề ngang mảnh đất nhà chị là 100m), trong khi 7 thành viên gia đình chỉ sống nhờ vào việc canh tác 1 sào đất trồng rau xanh. Chị Ngân chia sẻ, với số tiền quá lớn như vậy để đóng góp làm đường thì không biết đến bao giờ gia đình mới nộp đủ.

Nghe tin làm đường nhựa ai cũng vui, điều này không chỉ thuận tiện cho việc đi lại mà còn đưa được nguồn nước sạch về. Nhưng, với hơn 50% hộ dân đang hằng ngày phải chạy ăn từng bữa như vậy thì đó quả là khó khăn chồng chất khó khăn. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Nhất khẳng định: “Chúng tôi sẽ cân nhắc tới việc nộp tiền làm đường của những hộ nghèo ở tổ liên gia 13, theo đó, phường sẽ trích một phần ngân sách của địa phương, bù vào số tiền của những gia đình chưa có khả năng nộp để con đường sớm được thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng. Sau đó, sẽ truy thu lại số tiền đóng góp khi các hộ sang nhượng, bán đất hay họ có điều kiện trả nợ. Chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan để con đường vào tổ dân phố 13 hoàn thành trước mùa mưa năm nay”.

Hy vọng rằng, các ngành chức năng sớm có biện pháp thiết thực để giúp những gia đình ở tổ liên gia 13, khối 2, phường Thành Nhất có được nguồn nước sạch bảo đảm sức khỏe và góp phần ổn định đời sống, sinh hoạt hằng ngày.

 

Thúy Hồng – Hoàng Hạnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.