Multimedia Đọc Báo in

Câu lạc bộ phụ nữ tiểu thương - điểm tựa của nhiều phụ nữ nghèo xã Ea Kiết (Cư M’gar)

09:55, 04/04/2011

Để hạn chế tình trạng nhiều chị em phụ nữ phải vay, mượn vốn bên ngoài với lãi suất cao, trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Ea Kiết (Cư M’gar) đã triển khai nhiều cách làm hiệu quả như: xây dựng các tổ góp vốn quay vòng, mô hình “ống tiền tiết kiệm”... Mới đây, Hội còn xây dựng thêm mô hình Câu lạc bộ phụ nữ tiểu thương. Mô hình này tuy mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đã giúp đỡ, hỗ trợ nhiều chị em nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Chị Hồ Thị Tình đang bán hàng cho khách.
Chị Hồ Thị Tình đang bán hàng cho khách.
Hội Phụ nữ xã Ea Kiết có trên 1.700 hội viên, trong đó khoảng có 200 hội viên kinh doanh buôn bán. Đa số các hộ kinh doanh buôn bán đều thiếu vốn để mở rộng sản xuất nên nhiều chị em phải vay mượn ở bên ngoài với lãi suất rất cao, nhiều khi lên đến 3-4%/tháng. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh buôn bán của các hộ, nhiều chị em buôn bán quanh năm nhưng cũng không mấy dư giả, vẫn không thoát được nghèo. Trước tình trạng này, năm 2009, Hội Phụ nữ xã Ea Kiết đã thành lập Câu lạc bộ phụ nữ tiểu thương với 32 thành viên tham gia, hội viên Câu lạc bộ đều là chị em phụ nữ kinh doanh buôn bán nhỏ trong chợ. Hằng năm, mỗi hội viên đóng góp 2 triệu đồng vào nguồn quỹ của Câu lạc bộ để tạo vốn quay vòng giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau lúc ốm đau, khó khăn, hoạn nạn. Sau một thời gian đi vào hoạt động, thấy Câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả, các thành viên đã tăng mức đóng góp lên 3 triệu đồng và đến nay, Câu lạc bộ phụ nữ tiểu thương xã Ea Kiết đã có số quỹ 160 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Câu lạc bộ đã bình xét cho các chị em nghèo, chị em có hoàn cảnh khó khăn vay trước phát triển sản xuất, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng cho vay nặng lãi trong thời gian qua. Đa phần nguồn vốn được vay, các chị em đều sử dụng vào việc mở rộng, sửa chữa quầy hàng kinh doanh, mua sắm các vật dụng cần thiết cho gia đình... Bên cạnh đó, các chị em còn có điều kiện trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm lẫn nhau, thông báo cho nhau về giá cả thị trường, các chính sách thuế, các kiến thức liên quan đến quyền lợi và đời sống của người phụ nữ... thông qua các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ.

Có thể nói, từ các hoạt động thiết thực này, nhiều thành viên trong Câu lạc bộ phụ nữ tiểu thương đã vươn lên ổn định định cuộc sống, nhiều chị đã có mức thu nhập khá. Điển hình như hộ chị Hồ Thị Tình kinh doanh tạp hóa trong chợ. Trước đây, mỗi khi muốn vay vốn để mở rộng kinh doanh, chị Tình đều phải đi vay nóng ở bên ngoài với lãi suất rất cao, vì thế nhiều khi gia đình rất cần tiền nhưng chị cũng chỉ dám vay vài triệu đồng để giải quyết khó khăn trước mắt mà không dám vay nhiều, sợ lâm vào tình trạng “lãi mẹ đẻ lãi con”, không có khả năng chi trả. Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, năm 2010, Câu lạc bộ phụ nữ tiểu thương xã đã ưu tiên cho chị vay 15 triệu đồng. Từ số tiền này, chị Tình đã sửa chữa lại gian hàng của mình để tiện việc buôn bán, mua thêm nhiều loại hàng hóa về kinh doanh mà không phải đi vay, mượn ở bên ngoài. Chị Hồ Thị Tình nói: “Nhờ có số tiền được vay này, tôi đã có điều kiện đầu tư thêm cho công việc buôn bán. Nhờ vậy, đến nay gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn, thu nhập của gia đình đã có của ăn của để, con cái có điều kiện học hành...”. Gia đình chị Đặng Thị Lam cũng có hoàn cảnh tương tự, nhà có 4 nhân khẩu nhưng cuộc sống chủ yếu dựa vào 3 sào cà phê, gian hàng bán thực phẩm tươi sống của chị và thêm thắt bằng những đồng tiền đi làm thuê, làm mướn của người chồng nên cuộc sống của gia đình chị thường xuyên rơi vào cảnh “thiếu trước hụt sau”. Trước đây, mỗi khi gặp khó khăn, chị cũng phải đi vay nóng ở bên ngoài, vừa làm vừa lo trả tiền lãi nên thu nhập của gia đình chị cũng không mấy dư giả. Tham gia Câu lạc bộ, chị Lam được chị em xét cho vay 15 triệu đồng để đầu tư mua thêm hàng hóa về buôn bán. Chị còn được các chị em chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nguồn vốn cho hiệu quả, nhờ vậy cuộc sống của gia đình chị dần được cải thiện đáng kể.

 

Trung Dũng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.