Multimedia Đọc Báo in

Mùa đót vùng cao

16:50, 07/04/2011

Hằng năm, cứ vào khoảng cuối tháng Chạp (giáp Tết Nguyên đán) đến hết tháng Giêng (Âm lịch) dọc Quốc lộ 27 đoạn từ xã Dak Nuê tới xã Krông Nô (huyện Lak) chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân nơi đây trèo đèo, lội suối hoặc len lỏi trên những triền đồi dốc để hái bông đót đem về bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Những đôi chân trần lên rừng kiếm... đót
Đót là loại cây mọc tự nhiên trên các vùng núi, đồi. Cây đót chủ yếu dùng để làm các loại chổi, một số mặt hàng mỹ nghệ. Ngoài bông đót dùng làm chổi thì phần cây còn được dùng làm cành cắm hoa khô và lá lại được sử dụng để gói bánh gai, bánh ít... Vì thế, cây đót là loại cây hữu dụng đối với người dân. Ở Dak Lak, cây đót mọc chủ yếu tại 2 huyện Krông Bông và Lak. Mùa đót thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng Chạp và kéo dài đến hết tháng Giêng năm mới, mỗi năm mùa đót chỉ có một lần và những khoản tiền thu được từ cây đót cũng khá lớn đã khiến người dân nơi đây kéo nhau lên rừng tìm cây đót. Những bông đót mang về thường được phơi khô, sau đó hộ nào có điều kiện thì “kết” thành các loại chổi đót đem xuống chợ bán với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/cây. Một số hộ khác lại bán sản phẩm thô cho tư thương rồi được vận chuyển đi các tỉnh, thành trong cả nước để tiêu thụ. Việc lên rừng hái đót tuy dễ làm, không tốn nhiều sức chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ và bất cứ ai cũng có thể làm được, nhưng nghề hái đót cũng gặp khá nhiều nguy hiểm. Để có thể hái được những cành đót non, nhiều hoa, có người phải lội vào tận rừng sâu, trên những vách núi chênh vênh và có thể gặp phải rắn, rết trong lúc đi rừng... Thường thì, một ngày lên rừng hái đót được bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng, khi sương núi còn giăng kín trên những sườn đồi và để có một ngày lao động hiệu quả thì mỗi người phải chuẩn bị cơm ăn, nước uống, các vật dụng cần thiết cho một chuyến trèo đèo, lội suối. Anh Bùi Đình Hải (thôn Dlây, xã Dak Nuê, huyện Lak) cho biết, tranh thủ thời gian rảnh rỗi anh cùng với người dân trong buôn lên rừng hái đót mang về bán kiếm thêm khoản thu nhập cho gia đình. Mỗi ngày lên rừng như thế này thì một người (nếu cật lực) có thể hái được khoảng 25 - 30 kg đót và khoảng 3 - 4 ngày gom lại, cuối tuần sẽ có người vào tận nhà thu mua, với giá hiện nay từ 4.000 - 5.000 đồng/kg (đót tươi) thì đó là khoản thu nhập khá đối với người dân. Nếu gia đình nào có nhiều người đi hái đót thì có thể đem phơi khô rồi bán thì giá đót cao hơn gấp đôi.

Mùa đót mỗi năm chỉ có 1 lần nên đã thu hút nhiều người dân trong buôn lên rừng hái đót.
Mùa đót mỗi năm chỉ có 1 lần nên đã thu hút nhiều người dân trong buôn lên rừng hái đót.
Mùa đót lại về
Một mùa đót nữa lại về và việc hái đót của người dân nơi đây được xem như cái nghề thời vụ, tuy giá trị có được từ những buổi đi rừng hái đót không cao, nhưng tranh thủ thời gian rảnh rỗi, không bận việc nương rẫy vả lại phù hợp với mọi người nên rất nhiều người dân (trong đó có cả trẻ em) kéo nhau vào rừng cắt đót. Một ngày đầu năm, chúng tôi có mặt tại ngã 3 Dak Nuê (huyện Lak) và nhận thấy nơi đây là địa điểm tập kết đót lớn của cả vùng, xung quanh bát ngát những bông đót mới được mang từ rừng về còn tươi. Chiều đến, trên những con đường chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh cả đoàn người gùi sau lưng những bó đót dài. Nhiều bông đót được trải la liệt hai bên vệ đường để phơi khô. Đót dễ kiếm, dễ thấy và cạnh bên đường cũng có thể dễ dàng bắt gặp những người bứt đót. Mỗi độ tháng Chạp về đót nở trắng, phủ cả một sườn đồi, sườn dốc, người dân nơi đây lại vào một mùa đi hái “lộc rừng” mới. Các tư thương quanh vùng thường thu gom mua đót tươi sau đó phơi khô, rồi chở về các tỉnh nhập cho cơ sở làm chổi hàng tấn đót sơ chế.

“Hái đót trở thành một công việc mang lại cho bà con một nguồn thu nhập đáng kể, năm được mùa thì tiền bán đót cũng có thể mua sắm thêm được vài thứ cho gia đình. Tuy nhiên, công việc hái đót cũng không hề đơn giản như mọi người nghĩ. Có khi mang cả tính mạng của mình để đánh đổi cho vài ki-lô-gam đót, chung quy lại cũng vì “miếng cơm manh áo””, đó là lời trần tình của một người dân đi hái đót.

 

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc