Multimedia Đọc Báo in

“Thân cò” lặn lội nuôi con...

16:10, 07/04/2011

Khi người đàn ông - trụ cột trong gia đình không còn bên cạnh nữa - những chiếc bóng đơn lẻ vẫn âm thầm khó nhọc, lo toan nuôi các con ăn học thành tài. Nghị lực của họ thật khó có từ ngữ nào diễn tả…

Một mình nuôi con
Có con, nuôi dạy con là niềm hạnh phúc của người phụ nữ, song, trong số đó, không ít  người phải độc hành trên đường đời gập ghềnh để làm tròn bổn phận của người mẹ, người cha, dạy dỗ các con nên người. Khó mà kể hết những vất vả nhọc nhằn của các chị khi vừa làm mẹ làm cha, vừa lo bảo đảm kinh tế, kiếm cái ăn, cái mặc cho con đến trường; đồng thời dạy dỗ, uốn nắn con nên người… Chồng mất vì bạo bệnh, đứa con nhỏ nhất mới chỉ tròn 1 tuổi, ấy vậy hơn 20 năm qua, chị Trần Thị Chiện (thôn 3, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) vẫn trụ vững nuôi các con khôn lớn. 37 tuổi, chị gánh trên vai trách nhiệm của người mẹ lẫn vai trò của người cha. Chị kể, bao nhiêu tiền của đều dồn vào thuốc men, chữa chạy cho anh, đồ đạc trong nhà, đến thứ cuối cùng cũng đội nón ra đi, bên cạnh đó còn phải vay thêm bà con, hàng xóm…  Khi chỉ còn một mình và 4 đứa con nhỏ thì khoản nợ nần đã lên đến hàng chục triệu đồng. Đồng lương công nhân ít ỏi của chị không thấm vào đâu, ngày nào cũng vậy, chị dậy thật sớm, ra chợ mua bó rau, mớ cải, gánh đi bán lẻ lại lấy lời, kiếm tiền đong gạo. Ngày thường, ai kêu gì chị cũng làm, từ cấy thuê, hái cà phê đến phụ hồ, mới có thể lo cho các con đến trường. Có những hôm, một mình chị phải vác cả chục bao xi măng, tối về đến nhà ê ẩm, đau nhức khắp mình mẩy nhưng cắn răng chịu đựng, không dám nói ra, sợ lại ảnh hưởng đến việc học của các con. Những ngày công như thế, chị kiếm được từ 20.000 đến 30.000 đồng, dồn hết vào tiền mua sách, vở cho con. Nhờ bà con lối xóm, chính quyền địa phương thường xuyên hỏi thăm, động viên nên chị cũng vững tâm, chăm chỉ làm ăn, lo cho các con. Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Bông (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) hằng ngày đang phải ép nước mía, bán từng gói bánh, đi làm thuê góp nhặt từng đồng để nuôi con. Ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Quảng Phú của 4 mẹ con chị từ lâu đã thiếu đi bàn tay của người đàn ông. Khi đứa con út mới tròn 6 tuổi, chồng bỏ đi theo người đàn bà khác, một mình chị phải bươn chải nuôi các con. Thế nhưng, chị không để cho 3 đứa con của mình thất học… dù rằng cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tương tự, chị Nguyễn Thị Bình (thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cũng đơn thân nuôi 2 con vào đại học. Chồng mất đã hơn 10 năm, chị ở vậy toàn tâm toàn ý nuôi con trưởng thành. Hiện, chị đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin. Chị nói: “Những khó khăn vất vả đã tạm qua đi, nhiều lúc nghĩ lại tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể chịu đựng được. Nhìn các con khôn lớn, được ăn học đến nơi đến chốn, trong tôi xoa dịu đi nỗi đau mất  chồng…”.

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ huyện Cư Kuin mà chị Chiện (bìa phải) có thêm nghị lực, vượt qua khó khăn nuôi con ăn học chu đáo.
Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ huyện Cư Kuin mà chị Chiện (bìa phải) có thêm nghị lực, vượt qua khó khăn nuôi con ăn học chu đáo.
Và những đền đáp xứng đáng
Không có bóng dáng người cha bên cạnh, nhưng những đứa con của chị Chiện đều được ăn học chu đáo. Sự khó nhọc, chịu đựng của mẹ là động lực để các con học thành tài. Hiện, con trai đầu của chị là công nhân Công ty Cà phê Việt Thắng, con gái thứ hai đang công tác tại Công ty TNHH Một thành viên In Dak Lak, con trai kế tiếp phục vụ  trong ngành Quân y, tại Viện 211 (tỉnh Gia Lai), người con út tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ và kinh doanh Việt Tiến cách đây 2 năm, và đã có công ăn việc làm ổn định tại Đà Nẵng. Dành dụm, tích cóp, năm 2007, chị đã xây được ngôi nhà cấp 4 thay cho căn nhà đã cũ nát trước kia. Chị Chiện tâm sự, nhiều khi cũng cảm nhận hết nỗi trống trải trong gia đình khi thiếu đi bàn tay người đàn ông, nhưng mỗi người một cảnh, con cái thành đạt, sống có ích cho xã hội là sự an ủi lớn nhất đối với người phụ nữ như chị… Tương tự cũng chỉ một mình xoay sở với bao lo toan, nhưng chị Bông vẫn không để cho các con phải dang dở việc học hành. Thương mẹ tần tảo nên ba đứa con của chị đều cố gắng học giỏi và rất ngoan. Chị Bông chia sẻ, nuôi con đã khó, dạy con trở thành người có ích cho xã hội lại càng khó hơn. Vì vậy, chị luôn quan tâm, dành sự chăm lo tốt nhất để bù đắp phần nào sự thiếu hụt trong tình cảm cho các con. Hiện hai người con lớn đã ra trường, có việc làm ngay, với mức thu nhập khá, tự nuôi sống bản thân. Rồi đến ngày đứa con gái út tốt nghiệp ngành trung cấp kế toán, chị mừng rơi nước mắt, bao nhiêu khó nhọc của cuộc đời đã trải qua, giờ vơi đi phần nào, chị như được bù đắp tất cả…

Bao tháng năm vò võ nuôi con một mình của các chị đã được đền đáp xứng đáng. Con cái trưởng thành là món quà ý nghĩa nhất, tiếp sức cho các chị vững tâm bước trên quãng đường đời gập ghềnh, khi vắng đi bàn tay của người đàn ông bên cạnh…

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc