Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam”: Những chuyển biến tích cực tại xã Ea Ning

06:38, 20/04/2011

Đề án “Tuyên truyền giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam” giai đoạn 2010-2020 được triển khai tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, (theo kế hoạch số 1372/KH-SVHTTDL, ngày 12- 8-2010 của Sở Văn hóa Thể thao và du lịch) bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, góp phần kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật hôn nhân và gia đình, luật bình đẳng giới…

Xã Ea Ning có 2.701 hộ, với 13. 000 khẩu, trong đó, DTTS: 270 hộ, gồm 17 thôn, buôn. Anh Phạm Bá Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban quản lý đề án cho biết, tại từng thôn trong xã đều đã xây dựng các quy ước, hương ước về xây dựng gia đình  văn hóa, khu dân cư văn minh và được người dân cam kết thực hiện. Xã đã xây dựng được các câu lạc bộ “gia đình có 2 con” tại 8 thôn trên địa bàn; 100% thôn, buôn có tổ hòa giải nhằm phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình và các vi phạm pháp luật khác. Hiện, toàn xã có 98%  hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, 67% gia đình đạt gia đình văn hóa 3 năm liên tục trở lên. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ, Luật Hôn nhân Gia đình, cử cán bộ phụ nữ đến tận nhà, gặp từng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền về các biện pháp tránh thai, kế hoạch hóa… nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn giảm đáng kể. Xã  thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như: hội thi gia đình văn hóa tiêu biểu, biểu diễn văn nghệ, giao lưu, thi đấu thể thao giữa các thôn, buôn; thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng, duy trì các đội bóng đá, bóng chuyền và thường xuyên luyện tập…, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con.

Người già buôn Puk Rông (xã Ea Ning) cùng nhau luyện tập chiêng.
Người già buôn Puk Rông (xã Ea Ning) cùng nhau luyện tập chiêng.
Một trong những thành công đáng kể nhất là phong trào xây dựng thôn, buôn văn hóa triển khai rộng khắp trong toàn xã và được đông đảo người dân hưởng ứng, nhiều nét đẹp văn hóa được giữ vững, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.  Đến nay đã có 11/17 thôn, buôn được công nhận thôn văn hóa, nếp sống văn minh tiết kiệm trong lễ cưới hỏi, ma chay. Từ đó, đã hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng gia đình văn hóa, xuất hiện nhiều gia đình trở thành tấm gương sáng trong phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”. Nhiều hộ đã biết khắc phục khó khăn để xây dựng tổ ấm, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống hiếu học của gia đình, họ tộc được giữ vững và bồi đắp.
Những kết quả đạt được không chỉ tác động đến đời sống văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như gia đình chị Đàm Thị Ngà (thôn 6) đã biết tìm hướng đi mới cho gia đình mình bằng cách đầu tư vườn cây ăn quả, mỗi năm thu hoạch trên 50 triệu đồng, có tiền nuôi hai con học đại học; hộ chị Lương Thị Hợp (thôn 24) nhờ áp dụng khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi mang lại hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập, có điều kiện nuôi 3 con ăn học các trường chuyên nghiệp… Anh Thủy cho biết thêm, thời gian tới, đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng thôn, buôn, nhất là buôn đồng bào DTTS, để bà con hiểu rõ hơn về nội dung phong trào TD ĐKXDĐSVH cũng như đề án tuyên truyền đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam, gắn với những việc làm cụ thể ở khu dân cư….

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc