Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ đam mê sáng tạo

10:01, 10/05/2011

Là hai trong số những gương mặt trẻ đang công tác, lao động sản xuất trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh nhà, họ đã và đang phát huy được tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của thế hệ trẻ hôm nay. Những sáng kiến của họ trở thành giải pháp hiệu quả thiết thực đóng góp không nhỏ vào thành tích của cơ quan đơn vị và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Dương Đinh Quỳnh Thủy – cây sáng kiến của Bưu điện tỉnh

Luôn mang trong mình mong muốn được làm việc trên mảnh đất quê hương, nên năm 2005 sau khi tốt nghiệp Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông,  Dương Đinh Quỳnh Thủy đã về làm việc tại Bưu điện tỉnh Dak Lak.

Nhận công tác đúng thời điểm đơn vị vừa mới chia tách đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về lao động (người lao động trong đơn vị còn ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng “độc quyền” trước đây, chưa quan tâm đến việc chăm sóc khách hàng…), Thủy đã mạnh dạn tham mưu cho Ban lãnh đạo xây dựng bài giảng “Bưu điện tỉnh Dak Lak: Những khó khăn, thách thức và cơ hội” để cải thiện nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của khách hàng trong thời kỳ mới, đồng thời tạo sự chia sẻ của người lao động với những khó khăn của doanh nghiệp. Không những thế, để góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị trong giai đoạn sau chia tách, năm 2007 Thủy đã tham mưu và đề xuất với Ban lãnh đạo Bưu điện tỉnh một số giải pháp, phương án nhằm nâng cao năng xuất lao động, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh như: Phương án kinh doanh dịch vụ điện thoại Internet quốc tế; giải pháp khoán tiền lương theo doanh thu… Trong những sáng kiến ấy, giải pháp “Khoán tiền lương theo doanh thu” do Thủy và các đồng nghiệp trong đơn vị nghiên cứu xây dựng được xem là giải pháp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho đơn vị. Bởi, giải pháp này không chỉ tạo được hiệu quả trong việc sử dụng vốn, sử dụng lao động mà còn tạo được sự chênh lệch cao giữa doanh thu và chi phí.

Dương Đinh Quỷnh Thủy (người thứ 2 từ trái sang) nhận giải Nhì cuộc thi "Sáng tạo VNPT" năm 2008 với sáng kiến "Khoán tiền lương theo doanh thu".
Dương Đinh Quỷnh Thủy (người thứ 2 từ trái sang) nhận giải Nhì cuộc thi "Sáng tạo VNPT" năm 2008 với sáng kiến "Khoán tiền lương theo doanh thu".
Sau khi được triển khai thí điểm tại Bưu cục Trung Hòa, chỉ 1 năm sau đó, giải pháp này đã nâng cấp thành quy chế phân phối thu nhập mới để triển khai trong toàn đơn vị. Với lợi ích thiết thực mang lại, giải pháp “Khoán tiền lương theo doanh thu” của Thủy và các đồng nghiệp đã thuyết phục được Hội đồng giám khảo và “rinh” giải Nhì tại cuộc thi “Sáng tạo VNPT” năm 2008 do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức.
Năm 2009, khi Bưu điện Buôn Ma Thuột – Cư Kuin được thành lập, Thủy được Ban lãnh đạo Bưu điện tỉnh điều động làm Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của đơn vị này. Đứng trước những khó khăn của một đơn vị mới thành lập lại chịu sức cạnh tranh mạnh của các dịch vụ khác trên thị trường, Thủy đã mạnh dạn đề xuất với Ban lãnh đạo đơn vị mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh tiến tới kinh doanh đa dịch vụ, đa ngành nghề để tạo doanh thu ổn định, từng bước hướng tới mục tiêu cân bằng thu chi chung của toàn ngành vào năm 2013. Ý tưởng đã được hiện thực hóa bằng một số giải pháp cụ thể như: liên kết với các tổ chức kinh doanh khác làm đại lý cung cấp dịch vụ bảo hiểm, vé máy bay, vé xe khách; cho thuê mặt bằng; mở các dịch vụ chuyển phát chứng minh nhân dân, bưu phẩm không địa chỉ; dịch vụ vận tải Bưu chính nội tỉnh; hợp đồng chuyển phát hoa, quà tặng; hợp đồng quảng cáo trên bì thư… Nhờ thực hiện những giải pháp này, tổng doanh thu phát sinh của đơn vị trong năm 2010 đạt 24,9 tỷ đồng, doanh thu tính lương đạt 14,2 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2009. Đặc biệt, dịch vụ vận tải Bưu chính nội tỉnh tuy mới được triển khai thử nghiệm, song bước đầu đã đem lại những hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao doanh thu cho đơn vị, nhất là từng bước tạo uy tín và thương hiệu cho Bưu điện trong việc cạnh tranh với các hãng dịch vụ vận chuyển tư nhân. 

Có thể thấy, nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với đam mê nghề nghiệp đã và đang là động lực để Thủy tiếp tục sáng tạo nên những sáng kiến hiệu quả, góp phần cùng tập thể cán bộ công nhân viên trong toàn đơn vị tìm ra hướng đi mới cho ngành Bưu chính Dak Lak trên con đường hội nhập kinh tế.

“Người thợ trẻ giỏi” Nguyễn Thái Vĩnh

Năm 2007, về công tác tại Công ty viễn thông (VNPT) Dak Lak – Dak Nông, lại được bố trí công tác đúng sở trường đã tạo cơ sở để kỹ sư trẻ Nguyễn Thái Vĩnh, Tổ trưởng tổ công nghệ phần mềm thuộc Trung tâm công nghệ và dịch vụ nội dung cho ra đời nhiều phần mềm ứng dụng đem lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và công tác quản lý của công ty. Trong các sản phẩm phần mềm ứng dụng được anh và các kỹ sư trong tổ xây dựng nên thì phần mềm Online Management Solution (OMS) viết năm 2008 là một sản phẩm quản lý mà Vĩnh tâm đắc nhất. Bởi, qua tiện ích của phần mềm này đã giúp cho việc quản lý tài liệu, hồ sơ cũng như việc gửi công văn, thông báo của Công ty đến các đơn vị trực thuộc được thực hiện nhanh chóng, chính xác, lại tiết kiệm được chi phí văn phòng phẩm, chi phí vận chuyển, chi phí nhân công…, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Nguyễn Thái Vĩnh và món quà của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng trong dịp tham dự Liên hoan "Người thợ trẻ giỏi".
Nguyễn Thái Vĩnh và món quà của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng trong dịp tham dự Liên hoan "Người thợ trẻ giỏi".
Nói  về “đứa con tinh thần” của mình, kỹ sư Vĩnh chia sẻ: “Tôi viết phần mềm OMS chỉ với mục đích áp dụng công nghệ thông tin thay thế cho cách làm thủ công trong việc chuyển công văn, tài liệu của Công ty cho các đơn vị trực thuộc nhằm bảo đảm được yêu cầu “nhanh chóng - kịp thời – chính xác” của một đơn vị kinh doanh, cũng như để giúp cho việc quản lý hồ sơ, tài liệu của Công ty được thực hiện một cách khoa học hơn và khi cần có thể tìm kiếm nhanh chóng. Ban đầu, phần mềm này chỉ ứng dụng trong nội bộ Công ty, tuy nhiên với những tiện ích cũng như hiệu quả mà phần mềm này mang lại, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, nó đã được nhiều đơn vị biết đến và có nhu cầu sử dụng. Đến nay, phần mềm này đã được ứng dụng rộng rãi, tại 15 huyện, thị xã, thành phố và 8 sở, ban, ngành của tỉnh…”. Ngoài sản phẩm phần mềm OMS, thời gian qua, Vĩnh còn viết nhiều phần mềm ứng dụng khác cho đơn vị như phần mềm quản lý nhân sự, quản lý công cụ dụng cụ…. Những phần mềm này sau khi được ứng dụng vào thực tế đều mang lại hiệu quả cao, không những tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân công, mang lại thu nhập cho doanh nghiệp mà còn bảo đảm tính chính xác và khoa học trong việc quản lý, điều hành cho bộ máy của Công ty. Sở dĩ Vĩnh đam mê sáng tạo, chịu khó tìm tòi những cách làm mới thay thế cho những cách làm thủ công vốn có của đơn vị và đặc biệt là đem lại thu nhập cho doanh nghiệp chỉ xuất phát bởi những suy nghĩ rất giản đơn: “Là người trực tiếp tham gia sản xuất, tôi luôn ý thức về việc nâng cao tay nghề, đặc biệt là việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, qua đó giúp đơn vị đủ sức cạnh tranh trên thị trường...

Không chỉ giỏi về công tác chuyên môn, Nguyễn Thái Vĩnh còn là một cán bộ đoàn năng động và nhiệt huyết được bạn bè, đồng nghiệp tin yêu. Chính vì thế, năm 2010, anh đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Và mới đây, anh đã trở thành một trong 80 gương mặt trẻ của cả nước được vinh danh tại Liên hoan “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ II năm 2011 (diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua). Những thành tích này là niềm vinh dự và là nguồn động viên lớn đối với Vĩnh, cổ vũ cho anh say mê sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn về nhu cầu sản xuất kinh doanh và công tác quản lý của đơn vị.

 

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc