Multimedia Đọc Báo in

Báo động về nạn tảo hôn ở Cư San

10:18, 14/06/2011

Anh Giàng Seo Nụ và chị Ma Thị Cở ở thôn 7, xã Cư San (M’Drak) cưới nhau năm 1989, khi đó, anh  Nụ mới 15 tuổi, còn chị Cở 14 tuổi. Thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào 2 sào lúa nước và tiền công làm thuê, làm mướn của hai vợ chồng. Tuy nhiên, do quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng anh Nụ và chị Cở vẫn sinh đến 8 đứa con. Lấy chồng sớm, lại sinh đông con, khoảng cách giữa các lần sinh gần nhau nên chị Cở phải dành phần lớn thời gian để chăm sóc con nhỏ, việc ruộng rẫy trong nhà do một tay anh Nụ gánh vác. Mẹ không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thêm vào đó, ăn uống bữa no, bữa đói nên các con của anh chị trông gầy teo. Chuyện học hành thì dang dở. Hai đứa con đầu là Giàng Thị Ba và Giàng Seo Tỏa không được đi học đã lập gia đình từ khi mới 14 tuổi; trong 6 đứa con còn lại thì có đến 3 cháu chưa đi học. Anh Giàng Seo Nụ cho biết: “Vợ chồng mình đi làm thuê, làm mướn suốt ngày nhưng vẫn không đủ tiền mua gạo, không có tiền cho con đi học. Mình đã được cán bộ dân số vận động đi đình sản, nhưng sợ bị bệnh, không có ai làm việc cho, nên mình không đi”.

Những trường hợp sinh đông con, sinh dày như gia đình anh Nụ và chị Cở khá phổ biến ở Cư San. Xã có gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 70%, trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn trong đồng bào Mông vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Trong hai năm 2009 và 2010, trên địa bàn xã có đến 20 cặp vợ chồng tảo hôn, nhưng đó chỉ là con số đăng ký kết hôn tại xã, thực tế còn nhiều hơn. Nhiều đôi nam nữ mới 13, 14 tuổi yêu nhau, lỡ có thai dù hai gia đình không đồng ý nhưng các em vẫn về ở với nhau; một số thì bố mẹ bắt cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn. Ngay trong năm học 2010-2011, ở Cư San đã có 5 học sinh bỏ học để đi lấy vợ, lấy chồng.

Tư vấn kế hoạch hóa gia đình ở xã Cư San.
Tư vấn kế hoạch hóa gia đình ở xã Cư San.

Chuyện tảo hôn đã tác động không nhỏ đến công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống ở địa phương. Hiện nay, xã Cư San vẫn còn 591 hộ nghèo (chiếm hơn 49% số hộ trong toàn xã), chủ yếu tập trung ở những gia đình kết hôn sớm, sinh đông con; hơn 25% trẻ em bị suy dinh dưỡng, số học sinh học hết lớp 12 chỉ đếm trên đầu ngón tay… Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Cư San cho biết, toàn xã có 1.158 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhưng mới chỉ có 50% chị sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Khó khăn lớn nhất trong việc tuyên truyền, tư vấn về kế hoạch hóa gia đình, phòng tránh tảo hôn ở xã là do bất đồng về ngôn ngữ bởi hơn 50% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không biết nói tiếng Kinh. Bên cạnh đó, việc quyết định sử dụng các biện pháp tránh thai ở đây là do người chồng, nhưng hầu hết các ông chồng đều muốn sinh đông con và sinh bằng được con trai mới thôi. Vì thế, ngoài vấn nạn tảo hôn thì tình trạng gia tăng dân số tự nhiên cao, tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm hơn 19% mỗi năm... cũng đang là một thách thức đối với xã Cư San. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình chưa thường xuyên và liên tục. Các ban ngành, đoàn thể chưa phát huy được vai trò của mình trong việc tuyên truyền chính sách dân số nói chung và phòng tránh tảo hôn nói riêng.

Rõ ràng, công tác tuyên truyền phòng tránh tảo hôn đang là một yêu cầu cấp bách đối với xã Cư San. Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở địa phương, cần chú trọng tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở, nhất là phát huy vai trò của cộng tác viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Quan trọng hơn, cần có sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể ở địa phương nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc kết hôn đúng tuổi quy định và thực hiện tốt chính sách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình.

 Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc