Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên: Vẫn còn nhiều bất cập...

10:38, 12/06/2011

Kể từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, theo quy định tại Nghị định 49 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 29 vừa được liên Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành, Nhà nước sẽ thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên hệ chính quy đang học tập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này còn chậm trễ và nhiều  bất cập …

Học sinh, sinh viên gặp khó...
Sinh viên Nguyễn Thị Thanh Huyền  (Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) tâm sự với giọng buồn buồn: Nhà em ở xã Du Kmăn (huyện Krông Ana), đông anh em mà kinh tế lại khó khăn. Vì vậy khi em đỗ vào đại học cả nhà vừa tự hào vừa  lo lắng vô cùng. Nhưng rồi mọi người vẫn quyết tâm cho em đi học dù cha mẹ phải vay mượn khắp nơi, các anh chị em phải làm việc nỗ lực hơn nhiều lần mới lo đủ tiền ăn, ở và học phí 3,4 triệu đồng/học kỳ. Nghe tin có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên vùng cao của Nhà nước, gia đình em vội làm thủ tục đưa nộp lên Phòng LĐTB&XH huyện nhưng chờ hơn 1 tháng rồi, học kỳ II cũng sắp kết thúc mà vẫn chưa thấy hồi âm…

Ông Y Lê Niê H’ra ở buôn Thung (xã Ea M’roh) thì tất tưởi cầm tập hồ sơ của 5 đứa con (đủ các bậc học từ tiểu học đến trung cấp) cứ chạy từ xã lên huyện rồi lại trở về xã mà vẫn chưa nộp được vì “chưa ai chịu nhận hồ sơ cả”, trong khi gia đình Y Lê thuộc diện nghèo, nhà chỉ có 5 sào rẫy, vợ lại bị tai nạn lao động, chấn thương cột sống không thể làm việc được. Gánh nặng mưu sinh của cả nhà cứ đè nặng lên vai người đàn ông ốm nhom, đen nhẻm ấy. Ông vẫn tràn đầy hy vọng: “Có được khoản hỗ trợ này của Nhà nước, gia đình chúng tôi sẽ bớt khó khăn đi rất nhiều khi cho các cháu theo học. Chắc là sẽ được thôi, nhưng hơi lâu…”

Chị Nguyễn Thị Vân ở phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) lại nói trong ấm ức: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo với 3 con đi học, chồng bị bệnh mãn tính không thể lao động, một mình chị lo chạy chợ, làm thuê vất vả mà năm nào cũng nợ học phí nhà trường đến mấy tháng, con cái cứ kêu xấu hổ vì luôn bị nhà trường nhắc nhở trước lớp, trước trường. Nghe tin Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhưng gia đình chị lại nằm trên địa bàn phường không thuộc diện vùng cao. Trong khi đó, gia đình nhà hàng xóm (cách con đường), kinh tế khá giả nhưng thuộc phường Ea Tam nên con cái họ cũng được hưởng chế độ hỗ trợ học phí và học tập, thật bất công quá…!”.

Không những chỉ học sinh, sinh viên vùng cao mà học sinh, sinh viên  thuộc diện chính sách có công cũng gặp phải khó khăn và “dài cổ” chờ hỗ trợ. Bắt đầu từ năm học 2010-2011, sinh viên diện gia đình chính sách có công vẫn phải đóng học phí tại trường đang theo học như những sinh viên khác, sau đó làm thủ tục về địa phương nhận lại tiền cấp bù. Sinh viên Tạ Ngọc Huy ở Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh thuộc diện được miễn giảm học phí trước đây (con thương binh ở huyện Krông Bông) đã phải đóng học phí kỳ II là 2,8 triệu đồng, nhưng khi về địa phương nhận lại thì được trả lời còn phải chờ một thời gian nữa vì nhiều lý do…(!?).

Không chỉ những trường hợp trên mà hầu hết tất cả các đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ, bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49 của Chính phủ.

Sinh viên và phụ huynh làm thủ tục hưởng chế độ theo Nghị định 49 tại Phòng LĐTB&XH TP. Buôn Ma Thuột.
Sinh viên và phụ huynh làm thủ tục hưởng chế độ theo Nghị định 49 tại Phòng LĐTB&XH TP. Buôn Ma Thuột.
Kinh phí cấp nhỏ giọt...
Theo Thông tư liên tịch số 29 thì: Chậm nhất trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bù học phí miễn, giảm theo quy định, Phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm thanh toán, chi trả tiền cấp bù học phí miễn, giảm cho gia đình người học theo quy định (trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm thông báo cho gia đình người học được biết trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ). Tuy nhiên, nhiều địa phương đã nhận hồ sơ gần 2 tháng rồi nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Ông Phan Thanh Lang, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Krông Ana cho biết: Nhu cầu cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập của học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện khoảng 54 tỷ đồng, nhưng hiện nay huyện chỉ mới được cấp 2 tỷ đồng. Với khoản tiền ít ỏi này chúng tôi dự định sẽ ưu tiên đối tượng cấp bù học phí cho sinh viên học ngoài tỉnh trước để giải quyết bớt khó khăn cho các em mà yên tâm học tập. Tuy nhiên số tiền này cũng không đủ cấp bù vì theo thống kê thì số sinh viên đi học ngoài tỉnh của huyện trên 500 em và số học phí phải cấp bù là 8,4 tỷ đồng. Nếu tiến hành cấp thì chỉ có khoảng ¼ số em được nhận, số còn lại chúng tôi phải giải thích với các em sao đây? Chính vì vậy huyện đang rất lúng túng và việc cấp bù học phí đến nay vẫn chưa được tiến hành.

Trong khi Krông Ana còn loay hoay với việc tìm đối tượng giải ngân kiểu “đo giày để gọt chân” thì huyện Cư M’gar lại đang bối rối vì không biết huyện mình có thuộc diện vùng cao hay không. Vì theo Quyết định số 42 (ban hành 2-5-1997) của Ủy ban Dân tộc và Miền núi (UBDT&MN) về việc công nhận 3 khu vực miền núi, vùng cao thì Dak Lak được công nhận là tỉnh vùng cao. Trong khi đó tại Quyết định số 21 (ban hành ngày 26-1-1993) cũng của UBDT&MN về việc công nhận các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao thì huyện Cư M’gar chỉ được công nhận diện miền núi. Hai văn bản này không phủ nhận và có tính thay thế nhau, chính vì vậy, lãnh đạo huyện Cư M’gar lo lắng khi thực hiện cấp bù học phí theo hướng dẫn của ngành LĐTB&XH xong thì sẽ khó thu hồi lại nếu huyện nhà không thuộc diện vùng cao nên đã có văn bản gửi UBND tỉnh, nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời chính thức và huyện vẫn chưa triển khai hay tiếp nhận hồ sơ. Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Cư M’gar cho biết: Trong khi chưa xác định được chính xác “danh phận” và với nguồn kinh phí được cấp hơn 5 tỷ đồng (nhu cầu hơn 40 tỷ) thì trước mắt huyện sẽ giải quyết cho những học sinh, sinh viên thuộc diện nghèo người dân tộc thiểu số để đảm bảo đúng đối tượng…

Về việc sinh viên diện chính sách có công gặp khó khăn và chậm trễ trong cấp bù học phí, ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Chính sách có công, Sở LĐTB&XH cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 9.457 học sinh, sinh viên thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi giáo dục (chính sách có công). Tuy nhiên, do “đi đường vòng” (trước đây được miễn trực tiếp tại trường) mà Thông tư hướng dẫn liên ngành ra muộn, trong khi đối tượng miễn, giảm học phí lại rộng nên gần hết năm học tỉnh mới triển khai thống kê để chi trả. Chính vì vậy, dự kiến khoảng tháng 7-2011 số học sinh, sinh viên này mới được cấp bù học phí và nhận tiền hỗ trợ chi phí học tập.

Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng LĐTB&XH TP. Buôn Ma Thuột bức xúc bộc bạch: Dự kiến trên địa bàn thành phố có khoảng 70.000 học sinh, sinh viên được hưởng chế độ theo Nghị định 49 với kinh phí gần 100 tỷ đồng. Nhưng hiện nay mới chỉ có 13 tỷ đồng được chuyển về vì vậy chúng tôi dự định sẽ cấp trước cho các đối tượng là học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, dân tộc thiểu số và các lớp cuối cấp (lớp lá, lớp 5, lớp 9, lớp 12). Một khó khăn lớn nữa là không có nhân lực để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, chi trả, cả phòng có 6 cán bộ, nhân viên với bao nhiêu lĩnh vực phụ trách nhưng đều được huy động vào việc tiếp nhận hồ sơ và huy động làm thêm cả các ngày nghỉ nhưng không có chế độ thù lao, kinh phí quản lý, xăng xe, văn phòng phẩm cũng không được đề cập đến. Bên cạnh đó là những vướng mắc qua việc thực hiện Nghị định như: Nghị định quy định miễn giảm cho đối tượng là hộ có thu nhập hơn hộ nghèo 150%. Đây là đối tượng rất khó xác định vì hộ nghèo và hộ cận nghèo thì đã có tiêu chí cụ thể và con số cụ thể qua điều tra (hộ cận nghèo có thu nhập bằng 130% hộ nghèo) vậy làm thế nào để xác minh được hộ có thu nhập hơn 20% hộ cận nghèo nữa? Chính vì vậy số đối tượng này đa số bị bỏ qua, thiệt thòi cho họ. Hay như Thông tư 29 quy định ở những khu vực không thuộc vùng cao thì chỉ hộ nghèo dân tộc thiểu số mới được hưởng chính sách hỗ trợ còn hộ nghèo người Kinh thì không, rất bất công...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Do địa bàn rộng, số lượng đối tượng đông, trong khi đội ngũ cán bộ tại các phòng LĐ-TB&XH, các cơ sở giáo dục hạn chế về số lượng nên rất chậm trễ và dễ sai sót. Bên cạnh đó, Thông tư 29 lại liên quan đến rất nhiều văn bản, quyết định khác nhau (khoảng 40 văn bản, quyết định), gây khó khăn trong quá trình tiếp cận, xác định đối tượng của ngành chức năng và cả người dân. Ngoài ra, nhiều điểm trong thông tư hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể “làm khó” cho cán bộ chính sách. Hơn nữa, kinh phí cho chính sách này liên quan đến cả 3 ngành nên rất khó triển khai nhanh. Sau khi văn bản liên ngành được ký, nếu đối tượng liên quan đến đơn vị nào thì đơn vị đó làm đề xuất sang Sở Tài chính để cấp bù và hỗ trợ cho các đối tượng. Hiện tỉnh ta mới chỉ được Bộ Tài chính cấp tạm ứng cho Ngân sách tỉnh hơn 83 tỷ đồng, trong khi tổng kinh phí đề nghị Bộ Tài chính cấp để chi cho các đối tượng theo Nghị định 49 trong năm 2011 là gần 628 tỷ đồng. UBND tỉnh đang có công văn đề nghị Bộ Tài chính cấp bổ sung thêm hơn 544 tỷ đồng nữa cho tỉnh… Hy vọng nguồn kinh phí này sẽ sớm được bổ sung để thực hiện chi trả cho học sinh, sinh viên tỉnh nhà.

 

Minh Quân

Ý kiến bạn đọc