Multimedia Đọc Báo in

“Săn gốc cây rừng” làm đồ mỹ nghệ

16:38, 02/07/2011

Thời gian gần đây rộ lên “phong trào” người dân vào rừng đào gốc cây cổ thụ đem bán cho các cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ, điển hình là ở các khu rừng thuộc huyện Ea H’leo, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông…

Theo chân những người săn gốc luồn sâu vào rừng phòng hộ Ea Súp thượng (huyện Ea Súp), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi chứng kiến một thảm cảnh, khi hàng loạt cây rừng (đường kính từ 15 cm trở lên) bị cưa cụt chỉ còn trơ gốc và bị cày xới không thương tiếc. Hàng chục gốc cây khô khốc  nằm chỏng chơ, chờ bốc lên xe đưa ra khỏi rừng, hầu hết trong số đó đều thuộc nhóm gỗ quý hiếm như cà te, cẩm lai, hương…, có giá bán hiện nay (một gốc cây cả rễ có đường kính từ 1,5m trở lên) trên 20 triệu đồng. Chỉ cần đưa ra khỏi rừng là có đội ngũ săn gốc bên ngoài khá đông hỏi mua ngay.

Một gốc cây gỗ cẩm lai được chế tác thành đồ mỹ nghệ, giá trị đã lên đến hàng trăm triệu đồng.
Một gốc cây gỗ cẩm lai được chế tác thành đồ mỹ nghệ, giá trị đã lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mỗi tốp săn gốc có 5- 10 người, được trang bị cưa lốc, cuốc, xà beng và xe cày tay, đổ xô vào rừng tìm gốc cây, trong khoảng hai ngày đêm họ có thể đào được từ 3 đến 5 gốc cây to chở ra ngoài. Ông Y Minh, một trong số những người đi đào gốc cây rừng ở huyện Ea Súp cho hay, do lợi nhuận thu về cao nên người dân săn gốc ngày một đông. Giờ đây, số lượng gốc cây ở vùng bìa các khu rừng trong huyện đã được đào lên gần hết, muốn tìm được gốc có giá trị cao phải đi sâu vào trong rừng. Ông Minh cho biết thêm, nếu đầu nậu có đầy đủ đồ nghề, thuê được nhiều nhân lực, máy móc đào gốc thì mỗi tháng, trừ chi phí cũng có thể thu về trên 50 triệu đồng. “Nghề” này cũng phụ thuộc vào sự may rủi, có khi một ngày đào được hàng chục gốc, nhưng cũng có ngày không tìm được gốc nào (họ thường chỉ đào những gốc thuộc nhóm gỗ có giá trị cao như cà te, cẩm lai, hương, vì rất được thị trường ưa chuộng). Tại huyện Ea H’leo, anh Hà Văn Đồng, một trong những người săn gốc cây rừng cho biết: hiện thương lái khắp nơi, từ Sài Gòn, Bình Dương, Đà Nẵng... bắt đầu đổ xô đến tìm mua gốc cây về chế tác đồ mỹ nghệ, họ thường săn đón, tìm gặp những người săn gốc để đặt hàng trước.

Qua tìm hiểu được biết, một gốc gỗ hương đẹp, có kích thước chuẩn để làm bàn ghế, khắc chạm đầy đủ rồng, phượng có giá đến 50 triệu đồng, còn gỗ cẩm lai hay cà te thì không dưới 100 triệu đồng. Một số cán bộ lâm trường thuộc địa bàn huyện Ea H’leo cho biết, cách đây khoảng 5 năm, ở huyện này, người dân bắt đầu vào rừng khai thác gốc cây về chế tác đồ mỹ nghệ để sử dụng tại nhà, nhưng đến nay, do gốc cây có giá nên người dân đổ xô vào rừng đào bới, mua bán, thành phong trào, khiến ngành kiểm lâm địa phương rất khó quản lý.

Việc người dân vào rừng đào gốc tràn lan như hiện nay sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, làm xói mòn đất, hủy hoại các mạch nước ngầm..., chưa kể, các gốc cây bị người đào thường không được lấp lại, nhất là những hố đào sâu đến 5m, rộng trên 10m làm ảnh hưởng xấu môi trường sinh thái. Thiết nghĩ, gốc cây, nhất là nhóm gỗ quý là mặt hàng có giá trị cao cần phải được quản lý, bảo vệ. Nên chăng, Nhà nước cho phép chủ rừng khai thác hợp lý (có thu thuế) để vừa bảo đảm tận thu nguồn gỗ quý, vừa bảo đảm quyền lợi của chủ rừng.    

Lê Thành

Ý kiến bạn đọc