Lao động tự do - cần có những chính sách an sinh xã hội
Ở tỉnh ta, lao động tự do chiếm một tỷ lệ tương đối lớn và có ảnh hưởng đáng kể vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, lực lượng lao động này chưa hề được tiếp cận với mạng lưới an sinh xã hội.
Lao động tự do - khu vực kinh tế không thể thiếu trong xã hội
Chị Nguyễn Thị Nga ở đường Mai Hắc Đế nói trong vội vã: “Chị giúp việc về quê mấy hôm mà nhà cứ loạn hết lên, việc cơ quan, việc nhà, chăm sóc con cái…dồn lại ngập cả núi.” Còn chị Phan Lan Anh ở đường Y Nuê thì ngao ngán nói: “Suốt 2 tháng nay cứ sống chung với bụi vì xây thêm một phòng cho con hỏi vợ mà thợ xây cùng lúc nhận nhiều nhà nên họ làm cầm chừng, kéo dài mãi không xong…”.
Những người lao động tự do ngày càng có vai trò quan trọng trong cuộc sống xã hội. Họ làm các nghề: Thợ uốn tóc, thợ may tại nhà, buôn bán rong, thợ xây dựng tự do, xe ôm, người giúp việc gia đình… Những hoạt động này hiện đang thu hút được nhiều lao động, vì vậy, khoảng trống thiếu hụt về việc làm và thu nhập đối với một bộ phận lớn người dân đã được giải quyết, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chưa có một cuộc khảo sát chính thức nào, nhưng ước chừng số người lao động tự do chiếm đến 1/4 tổng việc làm chính và hơn 1/3 số việc làm phi nông nghiệp trong tỉnh. Cả tỉnh có khoảng hơn 200.000 lao động xem đây là công việc chính (và số ít trong đó coi là việc làm thứ hai) của mình. Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế thì chính lực lượng lao động tự do này đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định kinh tế và cải thiện tình trạng thất nghiệp trong cơn khủng hoảng hiện nay. Giá trị gia tăng tạo ra bởi khu vực phi chính thức đạt khoảng gần 15% GDP của tỉnh.
Đội thợ xây tự do của anh Công đang thi công nhà cao tầng trong tình trạng rất mất an toàn lao động. |
Anh Nguyễn Chí Công, một thợ xây ở xã Krông Zin (M’ Drak) tâm sự: “Nghề thợ xây giai đoạn này thu nhập vào loại khá (hơn 200.000 đồng/ngày) vì vậy chúng tôi “say việc” làm liên tục, hết công trình này đến công trình khác, không nghỉ. Thậm chí có những ngày cảm sốt vẫn mua thuốc uống rồi đi làm. Tai nạn lao động thì thường xuyên xảy ra, nhưng trừ khi gãy chân tay đành phải nghỉ đi bệnh viện còn như ngã xây xước nhẹ, dẫm phải đinh… thì vẫn đi làm. Mình làm tự do nên không có chế độ nghỉ việc, nếu tự ý nghỉ sợ chậm tiến độ, chủ sẽ tìm người thay thế ngay”.
Chị Nguyễn Hoàng Thu ở đường Lê Duẩn, một thợ may thuê quần áo cho các chủ lớn chỉ vào túi thuốc chữa bệnh vừa mua mà xuýt xoa: “Bỗng dưng đau ốm nên phải mua mớ thuốc này mất hơn 800.000 đồng, thế là đi tong công sức một tuần làm việc rồi”. Quanh năm suốt tháng ngồi bên chiếc máy may, một ngày làm việc của chị không phải 8 tiếng mà là 16 tiếng, tất bật từ 7 giờ sáng đến 22 giờ mới đi ngủ. Ấy vậy nhưng thu nhập cũng chỉ được hơn 100.000 đồng/ ngày, đủ để cả gia đình 4 người của chị chi tiêu dè xẻn. Những khi gia đình có người bị bệnh thì chị phải chạy đôn đáo bên nội, bên ngoại hoặc người thân quen để vay mượn tiền khám, chữa bệnh…
Mặc dù có đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế-xã hội, nhưng lực lượng lao động tự do lại đang là dạng lao động yếu thế nhất hiện nay vì vừa không có tổ chức (công đoàn hay tổ chức có chức năng tương đương), lại hầu như không được pháp luật bảo vệ, nên mỗi khi xảy ra tình trạng bị vi phạm tính mệnh, quyền lợi, thì không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ. Họ dễ bị chủ bóc lột sức lao động và thường phải làm việc bất kể ở thời gian nào. Thậm chí, do môi trường làm việc không được tuân thủ theo một quy định chính quy nên lao động tại khu vực này còn “tự bóc lột” chính bản thân họ: Chỉ vì muốn tăng thêm thu nhập, những người bán hàng rong, bán vé số, thợ may… đã làm việc ngày đêm, không kể giờ giấc hay một số lao động đi làm thuê phải làm việc trong môi trường sản xuất độc hại, không được bảo hộ nên rất dễ bị mắc bệnh. Hơn nữa, khi ốm đau, tai nạn, người lao động tự do không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, chế độ bảo hiểm xã hội nên rất khó khăn về kinh tế. Trường hợp người lao động tự do bị tai nạn lao động, chủ thầu thường giấu cơ quan có thẩm quyền và chỉ bồi thường chiếu lệ. Nguyên nhân chính là do tất cả lao động tự do đều không được ký kết hợp đồng lao động, nên mọi tai ương xảy ra, người thuê đều lảng tránh và không chịu trách nhiệm gì đối với người làm công và đối với pháp luật, bởi theo Nghị định số 195 ngày 31-12-1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và Nghị định số 196 cùng ngày hướng dẫn về thỏa ước lao động tập thể không có quy định thực hiện đối với lao động tự do… Họ là những người có thu nhập thấp, nhưng đa số họ đều làm việc xa gia đình hoặc nơi đăng ký thường trú nên họ không được xếp vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì vậy , con cái họ thường không được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục, y tế… Đương nhiên, họ không có lương hưu, không có chế độ nghỉ phép năm, dễ bị chủ bóc lột sức lao động và gặp khó khăn khi vay vốn…
Mặc dù Nhà nước ta đã đề xuất và thực hiện nhiều chính sách nhằm tiến tới thực hiện BHYT toàn dân, nhưng đa số lao động khu vực tự do đều chưa tham gia vì họ chưa thấy được lợi ích giảm gánh nặng chi phí từ khám chữa bệnh bằng BHYT. Một nguyên nhân khác là do luẩn quẩn trong đói nghèo, lại hạn chế về năng lực, kiến thức và vật chất nên họ thực sự không muốn hòa nhập xã hội. Nguyên nhân nữa là trong kế hoạch bao phủ BHYT, nhóm lao động tự do lại được xếp sau cùng trong lộ trình ưu tiên trong khi nhóm này tập trung rất lớn người nhập cư. Điều này khiến cho gánh nặng bệnh tật ngày một gia tăng và dù một bộ phận muốn tham gia BHYT nhưng vẫn nhụt chí.
Thiết nghĩ, xã hội cần phải thừa nhận đối với người lao động tự do, đồng thời phải kiểm soát và hạn chế tối đa sự nhũng nhiễu đối với họ. Thực tế xã hội cũng đang tồn tại sự chuyển đổi giữa tính chính thức và phi chính thức. Bởi vậy, cần có các chính sách thúc đẩy và thông tin để khuyến khích sự chính thức hóa và giảm tính phi chính thức.
Theo dự báo, những đặc điểm này sẽ còn tồn tại trong một thời gian nữa. Điều quan trọng là phải xây dựng các chính sách mục tiêu nhằm kết hợp linh hoạt và bảo vệ lực lượng lao động khu vực này. Bên cạnh đó, cần làm sáng tỏ và thông tin về quy định pháp luật, hợp pháp hóa và thừa nhận sự tồn tại của lao động tự do bằng các chính sách là điều rất cần thiết. Trước mắt nên thực hiện một số biện pháp góp phần cải thiện điều kiện hoạt động và làm việc của họ, đặc biệt tạo điều kiện để họ được tham gia BHXH, BHYT...
Ý kiến bạn đọc