Multimedia Đọc Báo in

Khi hương ước đi vào cuộc sống

17:26, 11/08/2011

Với vai trò điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nảy sinh trong cộng đồng dân cư, những năm qua, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, xây dựng tình đoàn kết và giữ vững an ninh - trật tự ở các thôn, buôn.

Buôn văn hóa T’Liêr hôm nay.
Buôn văn hóa T’Liêr hôm nay.
Từ việc xây dựng, thực hiện hương ước
Buôn T’Liêr (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) có 147 hộ với 738 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trước đây, đời sống của đa số người dân trong buôn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40%. Thế nhưng đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của buôn giảm còn 20%, nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả, xây dựng được nhà cửa khang trang. Những hủ tục lạc hậu nhanh chóng bị loại bỏ, các lễ hội văn hóa truyền thống như cúng bến nước, cầu mưa được duy trì. “Thành quả trên có được phần nhiều nhờ vào việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc hương ước của buôn”, Trưởng buôn Y Blim Niê vừa hồ hởi vừa lấy cho chúng tôi xem bản hương ước dày khoảng 7 trang được xây dựng từ năm 2004. Theo ông Y Blim, trước khi xây dựng hương ước, Ban tự quản buôn được cán bộ Phòng tư pháp huyện hướng dẫn kỹ quy trình, cách thức và những nội dung cần có của một bản hương ước. Sau đó, dựa trên điều kiện thực tế của buôn, Ban tự quản tổ chức họp dân, đưa ra các quy định, điều khoản để mọi người cùng bàn luận, thống nhất. Với nguyên tắc tập trung, dân chủ, bản hương ước của buôn T’Liêr đã được xây dựng với 7 chương, 22 điều bao gồm nhiều nội dung liên quan chặt chẽ đến đời sống, văn hóa của người dân như: xây dựng gia đình, buôn văn hóa; việc cưới, hỏi, tang lễ, lối sống người già; an ninh - trật tự; bảo vệ tài sản cộng đồng; giáo dục con cháu và người dân trong buôn. Bên cạnh đó, hương ước cũng quy định cách tổ chức thực hiện, khen thưởng, xử phạt công bằng nên được mọi người đồng thuận. Sau khi được UBND huyện công nhận vào năm 2005, mỗi năm, Ban tự quản buôn đều sửa chữa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng dẫn của cán bộ tư pháp cấp xã, huyện. Đề cập đến sức mạnh và ý nghĩa của hương ước trong đời sống hằng ngày của người dân, Trưởng buôn Y Blim khẳng định: “Việc thực hiện các điều khoản của hương ước là một trong những tiêu chí quan trọng xét công nhận gia đình văn hóa. Vì vậy, hương ước trở thành công cụ đắc lực cho việc bảo ban, nhắc nhở mọi người trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ khi có hương ước, các tệ nạn trong buôn không còn, mọi người có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, tỷ lệ học sinh bỏ học, gia đình sinh con thứ 3 trở lên giảm hẳn”.
Nhiều gia đình trong buôn T’Liêr vẫn giữ được nếp nhà dài.
Nhiều gia đình trong buôn T’Liêr vẫn giữ được nếp nhà dài.
Đến vai trò trong đời sống cộng đồng
Từ năm 2000, dưới sự chủ trì, phối hợp của Ban chỉ đạo tỉnh với Sở Tư pháp và các cơ quan, ban, ngành hữu quan, hương ước được triển khai xây dựng điểm tại 10 thôn, buôn của 4 huyện gồm Krông Buk (cũ), Cư M’gar, Buôn Đôn, Dak Mil (nay thuộc tỉnh Dak Nông) và TP. Buôn Ma Thuột. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.286/2.384 thôn, buôn, tổ dân phố xây dựng được hương ước, quy ước đạt 96,3%. Việc xây dựng hương ước, quy ước tuân thủ nguyên tắc dân chủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", được thông qua tại các cuộc họp toàn dân. Trong quá trình thực hiện, thường xuyên có sơ kết đánh giá và bổ sung kịp thời những nội dung cần thiết. Các bản hương ước, quy ước được các thôn, buôn, tổ dân phố in sao và gửi đến từng hộ gia đình giúp người dân tiện nắm bắt, thực hiện. Phần lớn các bản hương ước có nội dung phù hợp với pháp luật, điều chỉnh mối quan hệ nảy sinh trong cộng đồng dân cư, phát huy thuần phong, mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức và truyền thống dân tộc. Các điều quy định trong hương ước thường ngắn gọn, dễ nhớ, liên quan đến các mặt của đời sống như: phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vệ sinh môi trường, cách ứng xử trong gia đình đến cộng đồng, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, khuyến khích con em học giỏi chăm ngoan. Các quy định về xử phạt vi phạm hương ước mang tính giáo dục cao, thường là nhắc nhở, kiểm điểm trước nhân dân, không có các biện pháp xử phạt xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của người vi phạm.

Trên thực tế, hương ước, quy ước đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương. Qua hơn 10 năm xây dựng và thực hiện hương ước, đến nay toàn tỉnh đã có 1.066 thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận đạt danh hiệu văn hóa; trên 73% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27% năm 2005 xuống còn 10% năm 2010. Hương ước, quy ước phát huy tốt quyền làm chủ của người dân nên đóng vai trò quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, xích mích, đảm bảo đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Mười năm qua, hơn 2.400 tổ hòa giải ở các thôn, buôn, tổ dân phố với 21.543 hòa giải viên đã thụ lý được 23.945 vụ, tỷ lệ hòa giải thành đạt 77%. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được đưa vào hương ước, quy ước đã góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 22,8‰ năm 2001 xuống còn gần 14‰ năm 2010; một số thôn, buôn trong nhiều năm liên tục không có người sinh con thứ 3. Đặc biệt, nhiều địa phương còn đưa nội dung quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đường biên vào hương ước, quy ước để người dân tự giác thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng và thực hiện hương ước ở tỉnh ta vẫn còn những tồn tại cần khắc phục, nhất là về mặt chất lượng. Ở một số địa phương do vận dụng chưa sát vào điều kiện cụ thể nên nhiều điều trong hương ước thừa mà vẫn thiếu, đơn điệu, chưa phát huy được hiệu quả. Nhiều nơi, việc giám sát thực hiện hương ước còn lỏng lẻo, do đó hương ước chưa thực sự đi vào đời sống cộng đồng. Một số nơi do chạy theo phong trào nên thôn, buôn này sao chép bản hương ước của thôn, buôn khác. Nhiều hương ước sử dụng những thuật ngữ khó hiểu khiến bản hương ước giống một văn bản pháp luật của Nhà nước, làm giảm hiệu quả thực hiện. Để hương ước thực sự đi vào cuộc sống, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò của hương ước, hướng dẫn kỹ năng xây dựng và thực hiện hương ước, sửa đổi bổ sung những quy định hợp lý, có tính khả thi cao, biên dịch hương ước sang tiếng đồng bào dân tộc thiểu số…

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc