Những vết thương âm thầm đi qua nhiều thế hệ
Những thân thể không trọn vẹn hình hài, những tiếng ú ớ cùng nụ cười ngô nghê của các nạn nhân chất độc da cam cứ ám ảnh, day dứt không nguôi đối với mỗi người khi có dịp tiếp xúc với họ. Không còn đạn bom khốc liệt, nhưng vẫn có một cuộc chiến âm thầm, dai dẳng mấy chục năm nay của bao thế hệ dưới mỗi mái nhà của các nạn nhân chất độc da cam ấy trong cuộc đối mặt, chống chọi với di chứng, bệnh tật và cái nghèo đeo mang…
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh thăm hỏi gia đình nhạn nhân da cam. |
Dưới ánh sáng tù mù trong một không gian chật hẹp, hoai hoải mùi ẩm mốc của chiếc chái nhỏ bên hông nhà, Nông Thị Nguyên (thôn Cao Thắng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) bao nhiêu năm qua cứ sống như người thực vật, không nhận thức được gì. Ngày cũng như đêm, hết tháng này qua năm nọ cuộc sống của em đã trôi qua chỉ bó gọn trong mấy bức tường, đặt đâu thì nằm đó. 19 tuổi nhưng em không biết nói, không biết cười, chân tay co quắp, lở loét…
Cũng là nạn nhân của chất độc da cam như Nông Thị Nguyên, em Trương Kim Cường (thôn 4, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) năm nay đã 17 tuổi nhưng vẫn phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân đều không tự làm được mà cần có người giúp đỡ. Cha em kể, lúc sinh ra em cũng như bao đứa trẻ bình thường, nhưng chỉ được 6 tháng tuổi qua một cơn co giật, động kinh em bị liệt, không nói được. Kinh tế gia đình không có gì khá giả, hằng ngày cha mẹ em đều phải đi làm thuê nên điều kiện chăm sóc em vẫn còn nhiều khó khăn. Mỗi khi cả nhà đi làm, em lại được đặt nằm trên chiếc giường nhỏ, quây xung quanh bằng chiếc chăn để em khỏi bị ngã; đến giờ về lại cho em ăn uống, vệ sinh…
Và còn nhiều trường hợp khác nữa cũng cùng chung nỗi đau da cam: Đó là gia đình của người thương binh Y Nguyên Niê (buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) với người con bị tâm thần bởi ảnh hưởng của chất độc do di truyền từ bố. Rồi trường hợp của gia đình người cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Bình (buôn Kao, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) có người con út bị thiểu năng, đi lại khó khăn, tiếng nói không được tròn vành, rõ chữ. Và cả trường hợp của gia đình ông Lê Xuân Lương (thôn 8, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) với các cột nhà là nơi để xích 2 người con mỗi khi lên cơn điên dại do chất độc da cam gây ra. Hay trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Hải (thôn 3, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) sinh ra 10 người con thì có đến 5 người bị phơi nhiễm. Nhìn những người con cứ ngây ngô, khờ khạo, không nhận thức được như người bình thường, lòng bà cứ đau như cắt. Thế rồi một trong những người con bị phơi nhiễm và chồng bà mất đi, nỗi đau cùng gánh nặng gia đình càng đè nặng lên đôi vai bà. “Những tưởng sinh ra con sẽ cố gắng nuôi dưỡng con nên người, học hành thành đạt, nhưng trớ trêu lại là nạn nhân của chất độc quái ác này. Nhìn con quặt quẹo, lở loét, sống như người thực vật, lòng cha mẹ nào lại không đau… Người ta sinh con để có người hương khói sau này, còn mình lại mong sao là người ra đi sau cùng bởi lo nếu không có người chăm sóc cho con cái, chúng sẽ sống vất vưởng ra sao…”, lời tâm sự của bà Hải như nói hộ nỗi lòng của bao người mẹ, người cha không may có con bị ảnh hưởng, chịu di chứng của chất độc da cam quái ác.
...Di họa qua nhiều thế hệTheo kết quả nghiên cứu trong 18 năm của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận: Chất độc da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khỏe con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm; thậm chí, cả những trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học cũng có biểu hiện bệnh lý. Chất độc da cam đã có ảnh hưởng về di truyền sinh thái, đặc biệt gây ra tình trạng sảy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm dioxin. Tác động lâu dài của chất độc da cam không chỉ có 20 năm, mà có thể lên tới trên 100 năm. Số người bị ảnh hưởng của chất độc này cũng không chỉ dừng ở gần 5 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người.
Với những di chứng tạo nên dị tật bộ phận trên cơ thể, mù mắt, bệnh tim, thiểu năng hay điên dại…, chất độc da cam đã gây nỗi đau cho bao gia đình, bao phận người là nạn nhân của chất độc quái ác ấy. Bởi không có sức lao động, lại thêm tốn kém tiền thuốc thang và cần người chăm sóc nên gánh nặng vật chất là nỗi lo âu thường trực của những gia đình có người bị nhiễm. Có lẽ chính vì vậy mà hầu hết gia đình nạn nhân chất độc da cam đều rất khó khăn, nhiều cảnh ngộ bi đát tuyệt vọng, kiệt quệ vì bệnh tật dày vò.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng di chứng mà chất độc da cam để lại vẫn còn hiện diện trong cuộc sống của những mảnh đời không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Những ánh mắt khờ dại, nụ cười ngây ngô và những tiếng kêu ú ớ của những con người đã gần 30 tuổi đời mà như đứa trẻ sơ sinh, chưa một lần được bước đi chập chững, chưa một lần gọi được một tiếng mẹ, cha và cả hình ảnh người mẹ già trên đầu tóc điểm bạc vẫn phải lụi cụi mò cua, bắt ốc, chăm sóc cho người con khờ dại, tật nguyền… là những hình ảnh đau xót của bản cáo trạng về tội ác sử dụng chất độc hóa học mà đế quốc Mỹ tiến hành trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Những nỗi đau da cam vẫn luôn hiện diện; và cuộc đấu tranh đòi công lý vẫn đang tiếp tục với niềm tin mãnh liệt vào lẽ phải, vào ánh sáng của tình yêu thương, của lương tâm nhân loại…
Ý kiến bạn đọc