Nước mắt màu da cam
Gác lại quá khứ, chiến tranh đã chìm trong ký ức của nhiều người. Nhưng nửa thế kỷ trôi qua, di họa của chất độc da cam mà đế quốc Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thì vẫn còn hiện diện đến tận hôm nay và chẳng biết còn đeo đẳng bao nhiêu thế hệ nữa. Bệnh tật, nghèo khổ, những giọt nước mắt đau đớn, cơ cực, tủi hận và cả vô vọng, đủ sắc thái mà có lẽ người ta chỉ còn biết gọi chung bằng cụm từ nước mắt màu da cam…
1. Ông là người chịu tột cùng đau khổ cũng đúng, bất hạnh cũng chẳng sai và đặc biệt cũng không phải không có cơ sở. Nghe chuyện của ông, nhiều người không thể tin đó là cuộc đời hay hư cấu trên phim ảnh. Nhưng sự thật thì vẫn là sự thật dù sự thật ấy đau như lưỡi dao cắt từng khúc ruột. Ông là Đỗ Đức Địu, thôn Hà Thiệp, Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình tham gia chiến đấu chống Mỹ từ năm 1972 và bị nhiễm chất độc da cam tại Mỏ Tàu, A Lưới, Thừa Thiên Huế. Sau năm 1975 ông lập gia đình, có lần lượt 15 người con thì 12 người con đã chết sau khi sinh. Bãi đất sau nhà rộng chừng 20 m2 trở thành một nghĩa trang gia đình. Tất cả các ngôi mộ đều được đánh số thứ tự từ 1 đến 15, trong đó có 3 ngôi mộ để dành cho 3 người con đang còn sống. Đó là con thứ 2 Đỗ Thị Bình, sinh năm 1981, con thứ 14 Đỗ Thị Hằng, con thứ 15 Đỗ Thị Ngà. Các con ông mang di chứng nặng nề của chất độc da cam, mỗi lúc trái gió trở trời lên cơn co giật, sùi bọt miệng, thân hình biến dạng. Không thể mô tả hết nỗi đau của ông, cạn khô nước mắt, trái tim ông rỉ máu.
2. Ông Mai Giảng Vũ sinh năm 1937 ở Bình Thới, phường 9, quận 11, TP. Hồ Chí Minh, trung sĩ thuộc phi đoàn 221 trực thăng, Sư đoàn 3 không quân quân đội Sài Gòn cũ, trong các năm 1970-1971 tham gia rải chất độc từ trên máy bay xuống các khu rừng ở Phước Long – Tây Ninh. Ông Vũ có 3 con trai, khi sinh ra đều khỏe mạnh nhưng đến tuổi 15 thì cơ thể bị co quắp không đi được, phải bò, đến năm 18 tuổi nằm liệt và đều đã chết ở tuổi ngoài 20. Ông khóc trong đau đớn: “Trong khi rải hóa chất tôi tưởng đó là thuốc diệt cỏ như các nhà nông thường làm, không ngờ nó lại độc hại đến thế. Tôi xin các gia đình có hoàn cảnh như gia đình tôi hãy thông cảm, chia sẻ nỗi đau, mất mát. Tôi đã bị lừa chỉ vì làm theo lệnh của cấp trên. Tôi cũng là nạn nhân….”.
19 tuổi nhưng Nông Thị Nguyên (xã Ea Kao, TP. BMT) chỉ như đứa trẻ lên ba. |
Hạnh phúc như vỡ oà khi nghe con cất tiếng khóc chào đời, khi con biết lật, biết bò, biết đi và biết cất tiếng gọi mẹ. Bạn lo lắng, thao thức khi con lỳ bì trong cơn sốt. Mọi mệt mỏi dường như tan biến khi được ôm ấp đứa con vào lòng, được từng ngày thấy mầm non của mình trưởng thành. Tâm trạng làm mẹ, cảm xúc làm mẹ càng thấu hiểu nỗi đau của những người mẹ người cha có con là nạn nhân chất độc da cam. Gần 20 năm có mặt trên cuộc đời nhưng ngôn ngữ giao tiếp của các em chỉ là nụ cười ngô nghê cùng những tiếng kêu ú ớ. “Lòng người trùng xuống, mọi toan tính, bon chen trong cuộc đời dường như trở nên vô nghĩa khi chứng kiến, đồng cảm với nỗi đau của nạn nhân da cam. Làm mẹ làm cha ai chẳng muốn con cái mình khỏe mạnh. Bạn sẽ nghĩ gì khi nuôi con mà không thấy tương lai, khi tương lai của chúng chỉ quanh quẩn trên chiếc giường, thế giới quanh chúng chỉ là không gian hoai hoải mốc của căn chái cũ kỹ, chật chội như em Nông Thị Nguyên năm nay đã 19 tuổi nhưng không biết nói, không thể tự đi lại được, đặt đâu thì nằm đấy. Con ốm con đau đã mất ăn mất ngủ, vậy mà nửa thế kỷ qua, biết bao ông bố bà mẹ đã âm thầm, gồng mình lên chống chọi với nỗi đau da cam đeo đẳng mà con cái phải gánh chịu. Thế mới thấu sự vĩ đại, sức chịu đựng kiên cường của họ”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lê Xuân Hồng đã tâm sự tất cả những lời gan ruột. Ông còn thẳng thắn mà bày tỏ rằng: Cuộc đời này, ai cần bợ đỡ ai chứ Hội Chữ thập đỏ thì chẳng có ai đến bợ đỡ, chỉ có tấm lòng đến với tấm lòng, trái tim đến với trái tim để đồng cảm, giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm vì bệnh tật, nghèo khổ.
Nhức nhối chất độc da cam, xin mượn lời một ca khúc để tìm sự sẻ chia của tất cả mọi người: “Em có mắt nhưng em không thể ngắm nhìn/Đôi môi xinh nhưng em không thể cười nói/Em có đôi tay nhưng em không thể nâng niu/Em có đôi chân nhưng em không thể bước/Em có đôi tay nhưng đôi tay không thể ôm ấm/Em có trái tim nhưng tim em còn đang thoi thóp/Em có cuộc đời nhưng ai đã cướp/Nước mắt em rơi hay nước mắt màu da cam”.
Ý kiến bạn đọc