Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam đạt được đa số các mục tiêu thiên niên kỷ

17:19, 09/09/2011

Tại phiên họp thường kỳ từ ngày 6 đến ngày 9-9 ở trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Mỹ, Hội đồng chấp hành Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã thông qua về nguyên tắc Các chương trình hợp tác chung với Việt Nam giai đoạn 2012-2016 để trình Hội đồng chấp hành chính thức thông qua tại kỳ họp tới.
Đây là chương trình hợp tác chung đầu tiên giữa 3 tổ chức UNDP, UNFPA và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), trong đó ghi nhận Việt Nam đã đạt được đa số trong 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và ngày càng hội nhập vào các thể chế quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo trong hai thập kỷ qua.

 

MTPTTNK 1: Xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói 

 

Trong tất cả các mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam đạt được tiến bộ ấn tượng nhất ở mục tiêu thiên niên kỷ 1 về giảm nghèo. Việt Nam đã giảm được 75% tỷ lệ nghèo, từ 58.1% năm 1990 xuống còn 14.5% năm 2008. Tỷ lệ thiếu đói giảm hơn 2/3, từ 24.9% năm 1993 xuống còn 6.9% năm 2008.

MTPTTNK 2: Phổ cập giáo dục tiểu học 

 

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học. Năm 2009, tỷ lệ nhập học tiểu học là 97% và 88.5% trẻ em đi học đã hoàn thành 5 năm tiểu học. Trong số này, hơn 90% tiếp tục học trung học cơ sở, và không có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Tỷ lệ về giới cũng khá đồng đều, với gần một nửa học sinh là trẻ em gái ở cả cấp tiểu học lẫn trung học.

MTPTTNK 3: Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ 

 

Việt Nam đã rất thành công trong việc nâng cao tỷ lệ trẻ em gái học tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh nữ bậc tiểu học là 48,2%, bậc trung học cơ sở là 48,1% và trung học phổ thông là 49,1%. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trong khu vực về tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hộ: 25,8% đại biểu Quốc hộ là phụ nữ.

MTPTTNK 4: Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em 

 

Việt Nam đã đạt được các mục tiêu về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới năm tuôi và trẻ sơ sinh, cả hai tỷ lệ này đều giảm một nửa từ năm 1990 đến 2006. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm từ 44,4 trên 1.000 ca sinh năm 1990 xuống còn 16 trên 1.000 ca sinh năm 2009. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi cũng được giảm đáng kể, từ 58 trên 1.000 ca sinh năm 1990 xuống còn 24,4 năm 2009. Hơn nữa tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị nhẹ cân giảm từ 25,2% năm 2005 xuống còn 18,9% năm 2009.

MTPTTNK 5: Nâng cao sức khỏe bà mẹ 

 

Tỷ lệ tử vong bà mẹ đã giảm một cách đáng kể trong vòng hai thập kỷ qua, từ 233 ca tử vong trên 100.000 ca sinh vào năm 1990 xuống còn 69 ca tử vong trên 100.000 ca sinh vào năm 2009, giảm khoảng 2/3 số ca tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường khả năng tiếp cận sức khoẻ sinh sản cho tất cả mọi người bao gồm chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh, kế hoạch hoá gia đình; tăng cường việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; xây dựng các chương trình, chính sách và luật pháp về sức khoẻ sinh sản và quyền sinh sản, cũng như các dịch vụ có chất lượng tới người nghèo và các nhóm dân số dễ bị tổn thương

MTPTTNK 6: Ngăn chặn HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác 

 

Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng khung pháp lý và chính sách trong những năm gần đây. Việt Nam có một chiến lược quốc gia tốt và 9 kế hoạch để ứng phó với HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong tất cả các nhóm tuổi vào năm 2010 ước tính là 0,28%. Độ bao phủ của dịch vụ điều trị kháng virus đã tăng từ khoảng 30% năm 2007 lên đến 53,7% vào năm 2009. Các bước tiến rất ấn tượng của Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống sốt rét cho thấy Việt Nam đã đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phòng, chống sốt rét. Việt Nam cũng được công nhận là đã khống chế rất tốt các dịch bệnh khác như SARS, H5N1 và H1N1.

MTPTTNK 7: Bảo đảm bền vững môi trường 

 

Việt Nam cam kết giải quyết các vấn đề môi trường ở cấp quốc tế và chính sách, và đã đạt được những thành tích đáng kể trong việc thực hiện Mục tiêu 7. Chẳng hạn, diện tích rừng bao phủ tăng từ 27,8% năm 1990 lên khoảng 40% năm 2010. Ngày nay có khoảng 83% dân số vùng nông thôn có thể tiếp cận nước sạch, tăng so với 30% vào năm 1990.

MTPTTNK 8: Xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển 

 

Công tác giảm nghèo và phát triển bền vững có mối liên hệ mật thiết với các hoạt động thương mại xóa nợ và viện trợ, và có thể được thúc đẩy tốt hơn thông qua việc xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn cầu. Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển kể từ năm 2000, trong đó có việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, mở rộng hợp tác với ASEAN, làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong một nhiệm kỳ (2008-2009), và tham gia trong một số hiệp định thương mại tự do mới.

 

 Đ.T


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ công
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để tạo thuận cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công phục vụ, thông thoáng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong của cải cách hành chính mà các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đang nỗ lực thực hiện.